Bài đăng nổi bật

Nghe 100 Truyện ngắn của Tràm Cà Mau

  Nghe 100 Truyen Ngan Cua Tram Ca Mau ( Tac gia không giữ bản quyền.) bấm mỗi dòng dưới đây để nghe một truyện: Tuoi Gia La Tuoi Sung Suong...

Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2017

SỐNG TẠM - PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I. Vài Chuyện Quanh Ta SỐNG TẠM


pham dinh lan - song tam
 

pham dinh lan - song tam

PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.
Vài Chuyện Quanh Ta
SỐNG TẠM
Cây tầm gởi

          Chúng tôi dùng hai chữ sống tạm ở đây theo nghĩa trực tiếp, dễ hiểu chớ không có một chút màu sắc triết lý cao xa nào cả. Dân tộc nào cũng đi tìm không gian sinh tồn. Người Việt Nam thường nói:Đất lành chim đậu. Do đó không gian sinh tồn là nơi đất đai, nước uống, khí hậu hiền hòa khả dĩ nuôi sống con người. Nhưng những yếu tố trên cần mà chưa đủ. Vì nhu cầu con người không chỉ thuần là nhu cầu vật chất (no cơm, ấm áo), mà còn có nhu cầu tinh thần nữa (tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do hội họp, chế độ chánh trị dân chủ và nhân bản, an ninh cư trú, công bằng xã hội, được sự bảo vệ của luật pháp v.v.).
Từ khi người Pháp đô hộ nước ta số thị dân bắt đầu gia tăng so với thế kỷ trước. Dù vậy nước ta vẫn là một nước nông nghiệp. 90% dân số sống ở nông thôn và làm nghề nông. Khổng giáo có ảnh hưởng to lớn trong xã hội Việt Nam. Việc thờ cúng tổ tiên và gìn giữ mồ mả tổ tiên là bổn phận của một con người trong xã hội Khổng giáo và nông nghiệp. Sự di chuyển của người dân từ nơi này đến nơi khác rất ít. Người bỏ xứ đi tha phương cầu thực bị dư luận trong xã thôn khinh bỉ. Con người bị ràng buộc bởi nhưng cổ tục, danh dự gia đình và sĩ diện bản thân. Tâm và thân không sao vượt khỏi lũy tre làng. Cuộc sống chật hẹp tự nhiên sinh ra tâm lý chật hẹp và những đụng chạm lẫn nhau giữa những người trong dòng họ, gia đình lẫn người quen biết trong xã thôn chật hẹp.
Sự phát triển thành phố, việc mở mang đường sá, cầu kỳ, bến cảng, thiết lộ Xuyên Việt v.v. giúp ích rất nhiều cho việc đi lại giữa miền này với miền kia trong nước. Có giao tiếp, có gặp nhau, có quen biết nhau mới hiểu được nhau mặc dù chưa được rốt ráo. Khi người Pháp đô hộ Việt Nam họ cần một số nhân công ở Việt Nam để làm việc trong các đồn điền cao su ở Nam Kỳ, hầm mỏ ở Nouvelle Caledonie. Châu thổ sông Hồng, sông Mã được xem là vùng bị nhân mãn trầm trọng ở Việt Nam. Họ mộ nhiều công nhân trên châu thổ sông Hồng và sông Mã để làm việc trong các đồn điền cao su ở Nam Kỳ và công nhân khai thác mỏ nickel ở Nouvelle Calédonie gần Úc Đại Lợi. Người Việt Nam thuộc thế hệ sinh vào thập niên 1930- 1940 đều tỏ ra phẫn nộ người Pháp tàn nhẫn đối với những phu mỏ này với hình ảnh mỗi gốc cao su chôn xác một phu cạo mũ! Mới nghe đã phẫn nộ . Trên thực tế họ chưa ai thấy và cũng không có một cuộc điều tra nhân quyền nào về việc này.
Không chối cãi được rằng có một số phu mỏ làm việc trong các đồn điền Dầu Tiếng, Phú Riềng, Lộc Ninh, Hớn Quản, Xuân Lộc bị chết vì sốt rét. Một số người tin rằng hút á phiện thì tránh được chứng bịnh gây tử vong ác quái này.
Một điều hiển nhiên khác là các phu mỏ làm việc ở Nam Kỳ hay Nouvelle Calédonia được trả lương rất thấp. Nhưng so với lợi tức mà họ thu được trên châu thổ sông Hồng và sông Mã với tư cách nông dân hay công nhân nông nghiệp thì lợi tức ấy cao hơn và đảm bảo cuộc sống hơn trước nhiều. Thấp ở đây là thấp so với công nhân người Pháp cùng làm một công việc và cùng số giờ làm việc qui định nhưng đồng lương vẫn đảm bảo sự sống đối với người Việt Nam.
Sau năm 1954 và 1975 có bao nhiêu phu mỏ làm việc trong các đồn điền cao su ở Nam Kỳ và quặn nickel ở Nouvelle Calédonia về miền Bắc như là sự phản đối chánh sách bóc lột công nhân của thực dân Pháp? 99.9% vẫn ở lại hai nơi nói trên. Người thì hội nhập với cuộc sống của người miền Nam. Người ở lại Nouvelle Calédonia có tên Pháp và quốc tịch Pháp. Con cháu thành đạt, khá giả và có danh vọng ngoài sự tưởng tượng của cha ông họ. Họ không sống tạm ở Nam Kỳ và Nouvelle Calédonie.
Cuộc chiến tranh Việt- Pháp bùng nổ. Thoạt tiên nhiều người ở thành phố chạy về nông thôn để tìm an ninh và an toàn. Sau một thời gian ngắn ngủi sống thiếu thốn và cảm thấy an ninh bản thân bị đe dọa họ lại chạy về thành phố. Lần này có những người chủ điền khá giả ở nông thôn cũng bỏ chạy ra thành phố để khỏi phải chứng kiến những cảnh chết chóc giữa hai phe lâm chiến và những cuộc họp dân tố khổ phú hào . Những người có đất đai ở nông thôn xem cuộc sống ở thành phố là cuộc sống tạm. Họ chờ đợi ngày chiến tranh chấm dứt để trở về quê thụ hưởng hoa lợi do đất đai mang lại. Cuộc chiến không ngắn ngủi như họ tưởng. Trái lại nó kéo dài chín năm đằng đẵng. Đất đai của họ mất sạch vì những cuộc cải cách ruộng đất trong vùng chiến khu. Ở thành phố họ không có gì ngoại trừ căn nhà sống tạm ở ven biên thành phố. Với cuộc cải cách điền địa năm 1957 ở VNCH họ được bồi thường nhưng số tiền bồi thường không được các chủ điền hài lòng. Luật Người Cày Có Ruộng năm 1970 bồi thường rộng rãi hơn. Đó là lúc các chủ điền thực sự không còn đất. Thực tế họ có nhiều ruộng đất nhưng họ không phải là người cày. Qua hai cuộc chiến và ba đợt cải cách ruộng đất của hai chế độ chánh trị đối nghịch nhau làm cho giới chủ điền mất đất hoàn toàn.
Năm 1954 đất nước qua phân. Có gần một triệu người ở miền Bắc di cư vào Nam. Ý thức việc rời bỏ nơi sinh quán không phải là điều tốt nhưng là điều không thể cưỡng lại được, những người này không xem cuộc sống ở nơi trú quán trên một phần lãnh thổ của đất nước ở phía Nam là sống tạm nên họ có cơ nghiệp vững vàng sau 20 năm sinh sống ở miền Nam.
Sau ngày 30-04-1975 Việt Nam được xem như thống nhất dưới chế độ Cộng Sản có bao nhiêu người di cư năm 1954 trở về miền Bắc để sống?
Bao nhiêu người di cư năm 1954 rời Việt Nam trước ngày 28, 29 và 30-04-1975?
Bao nhiêu vượt biên?
Bao nhiêu người còn ở lại miền Nam?
Những câu hỏi trên không khó để trả lời mặc dù chúng ta không có đầy đủ số thống kê chính xác.
Nhiều trí thức Tây học không về nước hoặc về rồi lại bỏ đi.
Có người quen đời sống tự do ở Pháp, Bỉ, Luxembourg.
Có người thấy khó phát triển những điều học hỏi ở xứ người khi về nước vì đồng lương không bằng đồng lương mà họ có ở nước ngoài hay vì trong nước không có phương tiện cho họ thi thố khả năng của mình. Khả năng của họ không được những nhà lãnh đạo đất nước đánh giá cao và dùng đúng chỗ để có hiệu quả cao nhất.
Có người yêu nước để rồi thất vọng khi va chạm thực tế phũ phàng nên vĩnh viễn sống gởi thân nơi xứ người suốt hai cuộc chiến kéo dài lê thê.
Có người không về nước vì chinh chiến kéo dài suốt một phần tư thế kỷ sau đệ nhị thế chiến. Khi về già họ trở về quê hương để gởi nắm xương tàn và được khen ngợi là người yêu quê hương.
Có người lạc lõng ngay tại quê hương mình khi tự Tây hoá mình một cách thái quá. Đa số các vị nói trên, nếu có về nước, thì chỉ sống tạm mà thôi.
Mỗi người trong số này có lý do riêng của mình.
Sau 1975 có ba triệu (03 triệu) người Việt Nam khắp ba miền rời khỏi nước và được định cư trên 80 quốc gia trên thế giới. Đó là các thuyền nhân (boat people) đi đường biển và hành nhân (walk people) đi bằng đường bộ bằng ngã Cambodia. Thành phần người Việt Nam rời Việt Nam gồm có:
1. quân nhân, công chức và gia đình ở miền Nam Việt Nam rời khỏi nước bằng tàu hay phi cơ. Ngoài ra còn có một số ngư phủ ở Vũng Tàu, Phước Tỉnh ra khơi và được tàu Hoa Kỳ vớt. Đó là đợt rời khỏi nước trước và sau khi tổng thống Dương Văn Minh nắm quyền ngày 28-04-1975. Đợt ra đi nầy lối 150,000 người.
2. sau đợt đổi tiền và ngăn sông cấm chợ nhiều người bắt đầu tổ chức vượt biên bằng thuyền gắn máy vào năm 1976. Người tổ chức vượt biên bắt buộc phải có móc nối với công an Cộng Sản ở những nơi có sông nước và biển cả. Dù vậy đa số các cuộc vượt biên đều bị bắt. Có sự thông đồng giữa người tổ chức và công an? - Cũng có thể. Đó là cách người tổ chức vượt biên lấy tiền của người vượt biên một cách trơn tru, êm ái vì bị công an bắt nên cuộc vượt biên thất bại!! Đa số những người vượt biên năm 1976 là người Việt gốc Hoa. Đến năm 1978 chánh quyền Cộng Sản cho người Việt gốc Hoa đăng ký bán chánh thức. Mỗi người phải trả 10 lượng vàng (01 lượng: 37.5 grams vàng). Vì chuyện đem người bỏ biển này mà Hoa Kỳ đưa ra chương trình ODP (Orderly Departure Program: Chương Trình Ra Đi Trật Tự). Dưới thời tổng thống Carter và sau cuộc chiến tranh Trung- Việt nhiều người ở miền Bắc tìm đường đến Hong Kong. Theo gương Pháp cho các con lai Pháp hồi hương, Hoa Kỳ cũng có chương trình đưa những người con lai sang Hoa Kỳ vào thập niên 1980. Đến đầu thập niên 1990 những quân nhân công chức bị học tập cải tạo ba năm trở lên được sang Hoa Kỳ theo diện HO (Humanitarian Operation). Tướng Lý Tòng Bá và thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Mai Văn An là những viên chức cao cấp của VNCH trước kia đến Hoa Kỳ theo diện HO đầu tiên. Trại tỵ nạn Hong Kong đóng cửa năm 1989. Các trại khác ở Phi Luật Tân, Mã Lai, Indonesia lần lượt đóng cửa vào giữa thập niên 1990. Đến năm 1995 có 03 triệu người tỵ nạn Việt Nam trên thế giới. Trong số này có trên 01 triệu người định cư ở Hoa Kỳ. Người ta ước lượng có lối nửa triệu người bị chôn vùi dưới lòng biển vì bão tố, đói khát, hải tặc Thái cướp và giết chết.
3. Năm 1995 Hoa Kỳ và Việt Nam thiết lập bang giao. Từ đó Hoa Kỳ tiếp nhận nhiều du sinh Việt Nam. Những du sinh nầy xuất thân từ những gia đình của các viên chức cao cấp Cộng Sản trong nước. Họ học các trường danh tiếng, học phí $40,000- $50,000/ năm. Họ có nhà cửa khang trang, xe cộ đắt tiền trong khi đi học. Một số khác mua nhà, đất để kinh doanh lớn lao trên đất khách. Vài trăm ngàn người Việt Nam ở miền Bắc (trước 1975) và ở hai miền Nam- Bắc (sau 1975) được đưa sang các nước Cộng Sản theo diện xuất khẩu lao động. Họ sống ở Liên Sô (bây giờ là Nga) và các nước Đông Âu, sau này có một số người được xuất khẩu lao động sang Trung Đông và các quốc gia Âu Châu phi Cộng Sản.
Như vậy hiện nay có trên 04 triệu (04 triệu) người Việt Nam sống rải rác ở 80 quốc gia. Đó là chưa kể một số phụ nữ có chồng Đài Loan, Đại Hàn, Trung Hoa lục địa và một số người lao động lưu lại làm ăn ở Đài Loan, Phi Luật Tân, Mã Lai, Singapore v.v. Cách đây 20 năm có 370 người sống ở Do Thái và không người nào được nhập tịch Do Thái cả!
Ở phần trên chúng ta thấy một số người tản cư từ thôn quê ra thành thị sống tạm trong thời chiến tranh Việt- Pháp. Bốn triệu người Việt Nam sống trên 80 quốc gia khác biệt nhau về địa phương, tôn giáo, chánh kiến chánh trị, lý do tỵ nạn (chánh trị? kinh tế? cơ hội xuất ngoại? v.v.) đã xa quê hương gần nửa thế kỷ. Con cái của họ ở vào tuổi trung bình từ 40- 55 tuổi. Những người thanh niên này nay đã có gia đình. Có người có dâu, rể, cháu nội và cháu ngoại. Họ không biết gì Việt Nam, nói tiếng Việt kém hơn nói tiếng Anh, Pháp, Đức, Hòa Lan, Tây Ban Nha. Và, nếu nói được tiếng Việt, họ nói theo giọng Hoa Kỳ hơn là giọng Bắc, Trung hay Nam. Họ không thể là những người sống tạm mà là sống thật trên đất nước nơi họ ra đời hay ít ra đã nuôi dưỡng, giáo dục và đào tạo họ thành người hữu dụng có cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc. Người Cajuns là người Canada gốc Pháp sống ở Louisiana và các tiểu bang ven Vịnh Mexico. Người Canada ở đông bộ nước này từ Pháp sang sinh sống vào thế kỷ XVII. Người Canada ở Québec, Montréal còn nói tiếng Pháp, vài từ ngữ của Pháp ngữ thế kỷ XVII còn lưu lại. Rất ít người Cajuns ở Louisiana nói được tiếng Pháp. Họ là những người Canada gốc Pháp đến vùng Louisiana nguyên thủy thuộc Pháp (nguyên thủy Louisiana lớn gấp 3.5 lần diện tích Louisiana bây giờ). Trên thực tế những người Pháp ở Canada hay người Cajuns ở Louisiana đều là Canadians và Americans. Họ sống thật ở Canada và Hoa Kỳ chớ không sống tạm. Canada và Hoa Kỳ là tổ quốc của họ. Sự hưng thịnh và suy vi của Canada hay Hoa Kỳ là sự hưng thịnh và suy vi của vùng đất nơi họ sinh ra, lớn lên, được nuôi dưỡng, giáo dục và chính họ cũng góp sức vun bồi cho sự phát triển và lớn mạnh của không gian sinh tồn ấy. Tất cả người Âu Châu đến Hoa Kỳ đều tìm mảnh đất lành để sống và sống thật chớ không nói là sống tạm. Có bao nhiêu người Pháp thời cách mạng 1789 dùng tàu buồm vượt Đại Tây Dương sang Mỹ Châu trở về Pháp sau khi chế độ khủng bố của Robespierre sụp đổ?
Một điều đáng suy nghĩ là những người lãnh đạo ở Việt Nam lãnh đạo như thế nào mà cả họ và gia đình họ đều muốn rời khỏi Việt Nam? Cố nhiên lý do họ muốn rời quê hương của họ hoàn toàn không giống lý do của đại đa số những người khác bị đưa vào thế phải rời khỏi xứ sở như một cuộc vượt thoát của người tù trong một nhà tù vĩ đại.
Viết đến đây tôi nhớ đến câu chuyện giữa Đức Khổng Tử và người đàn bà ngồi khóc vì có con bị cọp ăn.
Đức Khổng Tử đến một làng hẻo lánh nổi tiếng có nhiều cọp dữ. Ông gặp một người đàn bà ôm mặt khóc tức tưởi. Đức Khổng Tử hỏi tại sao bà khóc. Người đàn bà trả lời: “Con tôi vừa bị cọp ăn. Cả nhà tôi đều bị cọp ăn chỉ còn sót một mình tôi chưa bị cọp ăn mà thôi.”
Nghe như vậy Đức Khổng Tử ngạc nhiên hỏi: “Ở nơi hẻo lánh và có nhiều cọp dữ như vậy sao không tìm cách đi nơi khác mà sống?
Người đàn bà đáp: “ Ở đây có nhiều cọp dữ. Nhưng các nhà cai trị đều thương dân, lo cho dân. Chắc gì đến nơi khác có những phụ mẫu chi dân tốt như vậy.
Đức Khổng Tử day sang các đệ tử và nói rằng: “ Nhà cai trị thối nát, hung bạo , tham lam, hối mại quyền thế còn dữ hơn cả cọp dữ ăn thịt người.
Việc gia đình các viên chức Cộng Sản chuẩn bị rời khỏi quê hương sau khi làm giàu không thể so sánh với cuộc đối thoại giữa Đức Khổng Tử và người đàn bà ngồi khóc vì có con bị cọp ăn được.
Xem chừng cuộc sống của bốn triệu người Việt Nam sống trên 80 quốc gia trên thế giới không còn là sự sống tạm nữa. Những người xuất khẩu lao động sang các nước Cộng Sản như Liên Sô, và các nước Đông Âu đều có lý lịch Cộng Sản tốt. Các nước Cộng Sản Đông Âu hay Liên Sô tuy không giàu có như các nước Âu Châu không Cộng Sản như Pháp, Tây Đức, Hòa Lan, Ý…nhưng vẫn hơn Việt Nam rất nhiều. Sau khi các nước Cộng Sản Đông Âu không còn theo chế độ Cộng Sản và Liên Sô sụp đổ, họ cũng cố gắng tìm mọi cách ở lại đó chớ không nghĩ đến việc về “phục vụ” quê hương Xã Hội Chủ Nghĩa với niềm tin không lay chuyển về sự lãnh đạo ưu việt của đảng. Cho dù chế độ Cộng Sản tồn tại hay tiêu vong, có bao nhiêu người trong số 04 triệu người sống trên 80 quốc gia trên thế giới về “phục vụ” quê hương với những tinh hoa học hỏi được từ 80 quốc gia trên thế giới? Câu trả lời sẽ làm cho người lạc quan nhìn đời qua màu hồng thất vọng ê chề. Trên hai thập niên qua có ba người nổi tiếng về nước là tướng Nguyễn Cao Kỳ, nhạc sĩ Phạm Duy và tiến sĩ văn chương Trần Văn Khê với luận án La Musique Traditionnelle du Việt Nam (Âm Nhạc Cổ Truyền Việt Nam). Các vị này hy vọng khi chết được chôn nơi quê cha đất tổ. Hai ông Phạm Duy và Trần Văn Khê được toại nguyện vì cả hai ông đều tham gia công tác văn nghệ trong những ngày đầu cuộc chiến tranh Việt- Pháp. Tướng Nguyễn Cao Kỳ không được chôn ở Sơn Tây như ông mong ước khi còn sống mà được chôn ở quê hương thứ hai của ông.
Người cầm quyền trị quốc như thế nào mà dân chúng lúc nào cũng ngóng bên ngoài để tìm cơ hội thuận tiện rời khỏi xứ? Ngay cả người cầm quyền và gia đình họ cũng có thái độ tương tự. Vậy con thuyền Việt Nam sẽ đi về đâu? Quo vadis?
 
PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét