Bài đăng nổi bật

Nghe 100 Truyện ngắn của Tràm Cà Mau

  Nghe 100 Truyen Ngan Cua Tram Ca Mau ( Tac gia không giữ bản quyền.) bấm mỗi dòng dưới đây để nghe một truyện: Tuoi Gia La Tuoi Sung Suong...

Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

500 Thằng Lười _ Chu Kim Long





500 Thằng Lười
                                                               
     Chu Kim Long
   Thân mến tặng ” 500 thằng lười “ đất Tây Ninh cày lên sỏi đá

Ngồi trên chiếc xích đu dưới mái hiên, nhìn ra khu vườn sau nhà - mùa Xuân trên thành phố San Jose với những vạt nắng nhạt của buổi chiều tà cuối tháng ba, bầu trời lãng đãng những cụm mây xanh lạt, trắng mờ - tất cả, cho tôi một cuối tuần thật thú vị. Những tia nắng màu vàng lụa và làn gió nhẹ len lỏi qua những cành cây với những lá màu xanh của cây Cam, cây Quýt, cây Táo, cây Hồng, làm rợp bóng phần nào những khóm hoa Hồng, hoa Lan, hoa Quỳnh đang chớm nở, cộng với tiếng hót líu lo của các chú chim đầu đỏ, như những nhạc khúc chào đón mùa xuân. Tôi cảm thấy tâm hồn thư dãn và cuộc sống thật hạnh phúc trong một thành phố an bình và tự do. Bất giác tôi liên tưởng đến bài xã luận vừa đọc sáng nay trong một tạp chí về người Cộng Sản Việt Nam: “ Nếu những người lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam không chủ trương dùng vũ lực, tận dụng mọi nguồn nhân lực của đồng bào miền Bắc, cộng với sự tiếp vận vô tận của các đế quốc Cộng Sản như Liên sô Trung Cộng ...liên tục mở các trận chiến, để bằng mọi giá thôn tính miền Nam, thì ngày nay - miền Nam tức Việt Nam Cộng Hòa đang là một quốc gia tiên tiến như Nam Hàn, và miền Bắc tức Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đang mang hình ảnh một Bắc Hàn tức Cộng Hòa Nhân Dân Triều Tiên nghèo đói, lạc hậu, người dân đang sống cũng như chết trong bạo lực, chứ không phải cả nước Việt Nam chậm tiến, thối nát trong nghèo đói như hiện nay. Và, nếu người Cộng Sản Việt Nam thực sự là người yêu nước, yêu dân tộc như họ vẫn tự nhận, thì những trận chiến huynh đệ tương tàn – nồi da xáo thịt đã không xảy ra trên quê hương Việt Nam, những thế hệ nam nữ hai miền đã không bị mất tưổi thơ và tương lai. Sự mù quáng về ý thức hệ đã đưa dân tộc và quê hương đến bờ vực thẳm – đất liền, hải đáo đã mất, tài nguyên cũng như chủ quyền quốc gia trong tay giòng Hán tộc – văn hóa, đạo đức suy đồi với nền giáo dục vay mượn, chắp vá. Tất cả – từng phe nhóm đang nhanh tay vơ vét, sống vội, sống qua ngày chờ cơ hội đào thóat – còn lại, những người dân nghèo lam lũ, an phận, chạy lo miếng ăn từng ngày, không thiết tha với những sinh hoạt xã hội trong đời sống cũng như sinh mệnh dân tộc “. Nhận định của tờ tạp chí lại làm tôi nhớ đến những emails của một số trong “ 500 thằng lười “ đang định cư ở Nam California báo tin, người bạn tù năm xưa: Ara Nguyễn Phát sẽ bay từ Bỉ sang dự họp mặt khóa 4/71 Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức tại San Jose, và thăm anh em thuộc đoàn năm trăm thằng tù lười ngày xưa. Tất cả, như một làn gió Xuân sau vườn thổi vào tiềm thức tôi trong buổi chiều cuối tuần, gợi nhớ trong tôi về những năm tháng xa xưa bên quê nhà.....
Gia đình thày mẹ tôi sinh sống trong vùng xôi đậu - ngày Quốc Gia đêm Việt Minh - những năm tháng trước ngày chia đôi đất nước, đời sống của dân làng tôi đêm ngày đặt trong tình trạng bất an. Để tránh bom đạn và bắt bớ, dân làng tôi thường chạy loạn từ làng này qua làng khác, và hồi cư khi thấy tình hình lắng dịu. Là một thanh niên trong làng, sống trong thời chiến tranh, cha tôi, sau những năm tháng họat động trong các cương vị từ làng xã đến tổng huyện, đã âm thầm đem gia đình xuống tỉnh Hải Dương sinh sống, sau khi quân đội trú đóng tại thị trấn Thứa rút lui năm 1952, bỏ lại những người dân lành ngơ ngác trong tay những cán bộ Việt Minh cai trị bằng bạo lực.
Từ làng xuống tỉnh, cuộc sống thay đổi đã làm cho cha tôi có một quan niệm thực tế và cầu tiến hơn. Cha tôi thường nói trong lúc gia đình sum họp trong bữa cơm chiều: “ muốn tiến bộ phải có học - bỏ đi tinh thần an phận sau lũy tre làng, con trâu đi trước cái cày.”... Và từ khi bỏ làng ra đi, chạy trốn Cộng Sản, cha tôi đã luôn luôn nhắc nhở chúng tôi phải học hành chăm chỉ để có một tương lai khá hơn. Là tín đồ Công Gíáo - hơn ai hết, cha mẹ tôi đã có kinh nghiệm về chủ nghĩa Cộng Sản vô thần trong những năm sống trong vùng xôi đậu. Do đó, năm 1954, giống như hàng triệu người miền Bắc bỏ lại gia sản, mồ mả tổ tiên, cha tôi đã đưa gia đình di cư vào miền Nam lánh nạn Cộng  Sản.
Những năm tháng di chuyển từ thành phố này đến thành phố khác để sống gần những gia đình thân quen, họ hàng, hoặc hợp với chuyên môn, nghề nghiệp của mỗi gia đình, những suy đi tính lại khi quyết định đưa gia đình đến định cư ở các khu dinh điền hay khu trù mật để lập nghiệp.... Tất cả, theo ngày tháng, với sự cần cù và nhẫn nại, sau hai ba năm, các gia đình di cư từ Bắc vào Nam đã ổn định cuộc sống trong không khí tự do, thanh bình, và bắt kịp nếp sống hiền hòa sung túc của người dân địa phương miền Nam .
Tiếng súng từ các đơn vị nằm vùng đã cắt đứt cuộc sống thanh bình từ thôn làng tới thành phố. Năm 1960, những trận phục kích, đắp ụ, giật mìn cấp trung tiểu đội đã được đảng Cộng Sản Việt Nam tái phát động dưới chiêu bài Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Và từ đây, những trận chiến khốc liệt theo năm tháng không còn ở cấp đại đội, tiểu đoàn. Những trận đánh biển người cấp trung đoàn, những tổng công kích cấp sư đoàn liên tục được mở ra trên bốn vùng chiến thuật. Người Cộng Sản không tiếc máu xương đồng đội, hàng chục sư đoàn với những cán binh nam nữ tuổi còn vị thành niên tiếp tục bị đôn quân, xâm nhập miền Nam qua ngã ba biên giới Việt Miên Lào, họ không tiếc thương tình đồng bào, không xót xa khi thấy dân lành, trẻ thơ vô tội chết tức tưởi bên lề đường, trong trường học, trong giáo đường. Người cán binh Cộng Sản đối xử với những chiến binh sa cơ như loài dã thú. Sống và thực hành như bản năng của động vật hạ đẳng, qua những khẩu hiệu in đậm trong tâm trí mỗi người một cách cuồng tín: Cứu cánh biện minh cho phương tiện – để từ đó Cộng Sản Việt Nam thâu tóm quyền năng thống trị.
Trời chiều đã nhá nhem tối, bầu trời miền biên giới tỉnh Tây Ninh và Campuchia xám ngắt với những cơn mưa phùn, lấm tấm nhẹ như hạt bụi, những chiếc Motôlôva chở đoàn tù, từng chiếc lần lượt đến đậu trong bãi đất trống, nơi đoàn tù chúng tôi được chuyển tới. Những chiếc Motôlôva rời trại tù Kàtum từ sáng sớm, và bây giờ, tôi đoán chừng đã 7 giờ tối, bụng tôi đói cồn cào, tối hôm qua tôi chỉ ăn hai khúc khoai mì và một chén cơm nhỏ, để dành một ít lại cho sáng hôm sau ăn trước khi đi lao động trong khu rừng già, giáp biên giới Việt Miên. Nhưng, từ sáng tới giờ tôi chưa kịp ăn gì, sau tiếng còi gọi tập họp bất thường lúc trời tờ mờ sáng theo lệnh của quản giáo: “ mọi người lo thu dọn quân trang chuyển trại, các anh có 30 phút, xong, tập họp xếp hàng điểm danh, khẩn trương lên“.
Đây là lần chuyển trại thứ ba từ trại tập trung Don Bosco Gò Vấp, đến trại Trảng Lớn và trại Kàtum. Lệnh tập họp chuyển trại luôn luôn bất ngờ vào buổi sáng, lúc trời còn mờ tối, và anh em tù cải tạo không biết sẽ bị di chuyển về đâu. Trời đã sập tối mà mới có năm bảy chiếc tới bãi đất trống, anh em tù được lệnh xuống xe. Mỗi người với túi xách hành lý lỉnh kỉnh soong nồi bên cạnh chỗ đứng, vươn tay làm vài động tác cho dãn gân cốt sau một ngày ngồi bó gối như nêm cối, sát bên nhau trên sàn xe, chân tay tê cứng. Tôi thầm nghĩ, tất cả anh em cũng đang đói như tôi. Rải rác chung quanh bãi đất trống, những cán binh Cộng sản súng cầm tay trong tư thế sẵn sàng tác chiến, đứng gác.
Trời đã tối đen -  tiếng còi rít lên hai ba lần, với giọng nói miền Nam“ Trong khi chờ đợi, các anh xếp hàng dọc, mỗi hàng mười một người, mỗi hàng cách nhau ba bước. Anh đứng đầu là tổ trưởng, anh cuối hàng là tổ phó”. Tay cầm sấp giấy, đi tới đi lui – tôi đoán anh ta là cán bộ quản giáo với danh sách anh em tù cải tạo trên tay mà anh ta có nhiệm vụ ký nhận.
- Tất cả ngồi xuống.
Tiếng người cán bộ vang lên trong trời tối lất phất mưa phùn. Bầu trời xám xịt. Những làn mưa phùn như bụi sương rơi vẫn kéo dài từ xế chiều, khi trời chưa tối hẳn, và lúc chiếc xe Motôlôva rẽ vào chiếc cổng lớn có lá cờ đỏ sao vàng cắm ở giữa. Tự nhiên, tôi nhớ đến câu thơ của Trần Dần, một thi sĩ, đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam, mà tôi đã đọc trong tạp chí Văn trước năm 1975, với chủ đề Vụ Án Nhân Văn Giai Phẩm. Tôi lẩm bẩm câu thơ trong miệng. Bụng đói, đầu óc mệt mỏi, người hâm hấp sốt, làm tôi cảm thấy cuộc đời tù đày thật thống khổ, nhục nhằn, căm hận, và nước mắt muốn trào ra.
Tôi bước đi, không thấy phố thấy nhà
 Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ.
Chúng tôi ngồi trên sân cỏ chừng một tiếng đồng hồ thì đoàn xe, từng chiếc đã tới nơi, các anh em tù tới sau cũng được lệnh xếp thành hàng như chúng tôi. Bầu trời tối đen như đêm 30 tết, mưa đã tạnh hẳn. Tiếng người cán bộ vang lên theo ánh sáng của chiếc đèn Pin dọi tới dọi lui, quét ngang dọc với sấp giấy cầm trên tay.
- Các anh im lặng, nghe tôi đọc tên, khi nghe tên mình thì nói có mặt. Gần mười giờ tối rồi, tranh thủ, ta làm xong sớm còn về lán nghỉ, ngày mai ổn định chỗ ăn ở. Các anh nghe rõ không? – rõ – tiếng anh em tù đáp lại.
Đứng ngồi, chờ đợi cả buổi, có lẽ vệ binh cũng như cán bộ cũng muốn làm cho xong việc, về ngủ nghỉ. Nên, sau khoảng hơn nửa tiếng điểm danh tại hàng. Chúng tôi được lệnh đi theo hàng một, người nọ để tay phải lên vai người kia cho khỏi lạc, đi theo sau người quản giáo dùng đèn Pin soi đường, dẫn về lán trại. Từ bãi đất trống về lán ở cũng không xa lắm, mỗi tổ ở một nhà, nhà không có cửa trước và cửa sau, giữa nóc nhà, bên trên cái bàn gỗ dài, một ngọn điện, ánh sáng vàng vọt yếu ớt, mà sau này, chúng tôi ngồi họp tổ mỗi tối. Chung quanh các căn nhà là những khóm chuối do những anh em tù ở đây trồng trước khi chúng tôi di chuyển tới  – các anh đã bị chuyển đi trại khác, và chúng tôi đến ở những căn nhà trống đã được các anh đốn cây trong rừng về làm trước đây. Bốn bề yên lặng với tiếng côn trùng vo ve trong đêm tối.
Điện trại tù đã tắt, báo hiệu đã 11 giờ đêm. Ngọn đèn dầu trên bàn giữa nhà le lói ánh sáng mờ, một vài anh em mệt qúa đã ngủ thiếp đi, một vài anh còn dọn dẹp, sắp xếp đồ của mình trên đầu sạp tre và dưới gầm cho gọn. Tôi ngồi trên phần sạp tre, thõng chân xuống đất -  chỗ dành cho tôi để ngủ. Tôi cảm thấy mệt và không buồn ngủ, sau khi đã ăn phần cơm và khoai mì còn lại của buổi sáng. Không gian về đêm thật yên lặng trong ánh sáng mờ mờ của cây đèn dầu. Một người mặc quần đùi, áo lính sờn cổ, rách vai từ cửa trước tiến đến chỗ tôi ngồi – Xin lỗi, anh Võ Bị hay Thủ Đức? – anh hỏi tôi, giọng thật nhẹ, vừa đủ cho tôi nghe.
- Dạ, tôi Thủ Đức .
- Đây có ai Võ Bị không? – anh hỏi lại.
Tôi chỉ tay về hướng hai anh Võ Bị đối diện với chỗ tôi đang ngồi, trước đây ở Trảng Lớn cùng đội với tôi. Giọng anh trầm, nhỏ lại.
- Võ Bị khóa mấy ? – dạ, 24
- Niên trưởng đây, niên trưởng khóa 22. Từ sáng đến giờ ăn gì chưa? – thưa niên trưởng, chưa.
- Đừng sợ, chút xíu niên trưởng đem đồ ăn đến cho, ăn tạm cho đỡ đói, mai  mốt đi lao động tính sau.
- Dạ cám ơn niên trưởng, chào niên trưởng.
Người thanh niên vội quay bước ra đi, và khoảng năm phút sau anh trở lại với cái túi nhỏ.
- Đây là cơm, hũ chao, mấy củ mì và muối đậu phộng, nhà mới thăm nuôi, ăn đỡ, nhớ giữ sức khoẻ.
- Dạ cám ơn niên trưởng nhiều.
- Không có gì, anh em mà. Thôi niên trưởng về. – dạ, chào niên trưởng. Giọng người đàn em ú ớ vì xúc động.
Người niên trưởng mất hút trong bóng đêm. Tôi thật bàng hoàng. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy tình huynh đệ chi binh, sống chết có nhau được thể hiện ngay trong trại tù. Tôi là dân trừ bị, nhập ngũ theo lệnh tổng động viên, ngay sau những ngày bọn Cộng Sản Việt Nam vi phạm hưu chiến, tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. Trường Bộ Binh với nhiều khóa liên tiếp, và nhất là thời gian huấn luyện trong Trường Sĩ Quan Bộ Binh Thủ Đức không trải dài 4 năm như Trường Võ Bị Quốc Gia tại Đà Lạt, nên không có truyền thống keo sơn gắn bó giữa huynh trưởng khóa đàn anh với khóa đàn em, như các niên trưởng khóa đàn anh và khóa đàn em của trường Võ Bị. Tình huynh đệ chi binh qua nghĩa cử thật cao đẹp và bi hùng của anh niên trưởng Võ Bị trong những ngày tháng đau thương tù ngục, như một dấu ấn trong tâm trí tôi, mỗi khi có ai đề cập tới những cuộc sống hào hùng của anh em Võ Bị.
Một ngày sau khi ổn định chỗ ăn ở, chúng tôi được lệnh tập họp lên hội trường. Hội trường có chiều dài như một nhà nguyện nhỏ, tấm ảnh Hồ Chí Minh treo lủng lẳng, đơn độc giữa tường. Những cán bộ quản giáo ngồi kiểu nước lụt, hai chân co lên, đầu gối qúa tai trên hai băng ghế bên phải và trái, thỉnh thoảng lại thay phiên nhau rít một bi thuốc lào. Anh em tù chúng tôi ngồi bệt dưới đất. Tiếng người cán bộ hắng giọng và nói lớn “ báo cáo Thủ trưởng, năm trăm cải tạo tập họp xong “. Cám ơn đồng chí – người thủ trưởng đáp lại và đứng nhìn xuống năm trăm người tù rồi nói “ Tôi là Năm Quân, Thủ trưởng trại Cây Cầy A, Huyện Đồng Ban, Tỉnh đội Tây Ninh, hôm nay tôi muốn quán triệt các anh về nội qui và qui định của trại để các anh thi hành cho tốt....... .Trong số năm trăm các anh thuộc hàng ngũ ngụy quân chuyển về đây, có một trăm hai mươi sáu anh là Công Gíáo Bắc Kỳ di cư........ Chúng tôi không muốn dùng bạo lực với các anh, nhưng Cách mạng sẽ không tha thứ cho những lời nói và việc làm phản cách mạng, phá họai sản xuất. Bắt đầu từ ngày mai, các quản giáo sẽ hướng dẫn các anh học tập và lao động.........các anh học tập tốt sẽ mau trở về với gia đình “. Các anh nghe rõ không – rõ – tiếng năm trăm người tù đáp lại.......
- Thôi, các đồng chí cho các đội về- người thủ trưởng ra lệnh cho các quản giáo.
Với gương mặt đen sạm, trán thấp, nhỏ con và lùn trong bộ quần áo màu nước dưa vàng khú, khi nói thường gằn giọng, hai mắt liếc qua liếc lại, và đôi lúc nhìn chằm chặp vào đoàn tù như miệt thị, thách thức người đối diện sau câu nói. Trên đường về lại tổ, đội, đi trong yên lặng, ai nấy đều nghĩ đến những ngày sống trong trại tù này, sẽ là những ngày lao động khổ sai, bóc lột và nhiều gian nguy.
Huyện Đồng Ban cũng như huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, tiếp giáp biên giới Campuchia, một vùng đất khô cằn với những trảng Tranh, hố bom, rừng rậm, nắng cháy da người, vùng xôi đậu trước năm 1975, dân cư đa số sống bằng phát quang những bìa rừng, đốt rẫy trồng lúa, trồng khoai mì cũng như đậu phụng, đậu xanh. Những con đường đất gồ ghề bụi mù khi trời nắng, lầy lội khi trời mưa, tỉnh lộ nối liền huyện với tỉnh lỵ và tới biên giới, quanh co, khúc khủy với những ổ gà và phân trâu bò vương vãi. Người dân nghèo, an phận sống qua ngày. Sau những tháng ngày đi lao động trong những khu rừng tiếp giáp, hoặc đi qua khu dân cư sinh sống trong các làng xóm. Chúng tôi gặp những người dân đi đốt rẫy, đi phát quang, hoặc từng nhóm đàn ông, đàn bà và các cô thôn nữ đi mót lúa, mót đậu. Khi có cơ hội thuận tiện, họ nói chuyện qua lại với anh em tù chúng tôi, nhất là lúc các vệ binh coi tù trốn nắng vào ngủ gật bên gốc cây. Ngày tháng qua lại, người dân vùng xôi đậu trước đây đã hiểu người lính và thương  người lính Cộng Hòa ngày xưa, người tù hôm nay. Có những ngày đi lao động hay vác gỗ, vác củi trên con đường ngang qua nhà dân. Người dân trong xóm làng biết những người tù đi vào rẫy, khi trở về sẽ lại đi ngang qua nhà, nên đã để những lu nước, những rổ khoai lang, khoai mì, những buồng chuối chín trước lề đường, cửa nhà, để mời anh em tù tự động lấy ăn, uống. Chúng tôi cảm động trước tình cảm đơn sơ được người dân quê dành cho, dù ngày tháng cứ tiếp tục trôi qua, không hẹn người về.
Trên vùng đất rộng, chúng tôi đang cắt ,đập lúa giữa trưa hè nắng gắt – anh vệ binh đang ngủ gật dưới tàn cây.
- Ủa, sao trên đài, họ nói thả hết rồi, chắc các ông cấp bậc lớn lắm ? Người đàn bà mót lúa hỏi – Không, thiếu úy, trung úy thôi – tôi đáp lại.
- Về đâu mà về. Bà lại nghe bọn dóc tổ rồi. Lâu nay, nhiều bà con đã biết rõ về mấy ổng. Nhưng trễ rồi – người thiếu nữ mót lúa phía sau nói xen vào.
-Xưa mấy ổng nói các ông ác lắm.......mà  bây giờ bọn tui thấy các ông hiền khô và ăn nói tử tế qúa xá.........ngày xưa biết dzậy – cô gái nói nửa chừng.
- Thôi ráng nghe mấy anh, mấy ông. Nó đứng dậy rồi – tôi nghe tiếng người con gái nói và nhìn về hướng anh vệ binh .
- Đội trưởng đâu ? xong chưa, sửa soạn tập họp dìa. Hai dzờ dzưỡi dzồi – tiếng anh vệ binh nói, to giọng còn ngái ngủ.
Để về sớm, một số anh em khoẻ đập từng bó lúa nhanh và mạnh tay hơn, một số cắt vội những bông lúa trước mặt, đạp dưới chân và bỏ sót lại cho bà con mót lúa... Những người tù đem sức lao động làm ra lương thực, biến chế khoai mì thành tinh bột, còn các anh em tổ cưa, tổ mộc, tổ tiện, tổ rèn với những kỹ thuật điêu luyện, đã tạo ra những sản phẩm đắt tiền như bàn, ghế, tủ, sa lông bằng các loại gỗ Cẩm lai, Gõ, Bằng lăng....những chiếc cuốc, những con dao sắc bén, và hàng trăm buồng chuối chín được cắt xuống hàng tháng giao lại cho trại. Tất cả những thành phẩm ấy, do công sức lao động của anh em tù được thủ trưởng và ban chỉ huy trại bán ra thị trường rồi chia chác cho nhau. Còn thực phẩm chính quanh năm dành cho anh em tù vẫn là khoai mì, bobo -  cơm gạo là phụ. Anh em tù sống còn là nhờ gia đình tiếp tế thực phẩm cũng như thuốc men. Đây là một hệ thống khai thác, bóc lột tù tinh vi trong Xã Hội Chủ Nghĩa, không tình người, dù cùng mang một giòng máu đỏ, da vàng.
Bất đồng giữa Cộng Sản Việt Nam và Khờme đỏ – đàn em thân tín của Bắc Kinh đã lan rộng, và từ năm 1978 ngày càng trầm trọng, đội trưởng đã lãnh những bộ quần áo tù xám và nón cối về phát lại cho anh em, tập họp phân công cho các tổ đào hố cá nhân và phổ biện lệnh của Ban Chỉ Huy Trại “ nếu có báo động, tất cả phải xuống hố cá nhân ngay “. Anh em tù đào hố cá nhân, băn khoăn, lo ngại và cầu cho trận chiến đừng xảy ra. Nếu xảy ra, không nhảy xuống hố cá nhân thì quân Khờme đỏ thấy nón cối chúng sẽ không tha, mà xuống hố cá nhân thì bọn Cộng Sản sẽ ném lựu đạn xuống và vu cáo cho Khờme đỏ giết tù cải tạo. Rất may, nhờ ơn trên, những âm mưu, toan tính sắt máu và bất lương đã không xảy ra.
Lao động khổ sai kéo dài theo năm tháng làm sức người tù ngày một cạn kiệt, chương trình thăm nuôi đã hủy bỏ từ ngày xung đột với Khờme đỏ lan rộng. Lệnh từ quản giáo qua đội trưởng “ hôm nay nghỉ lao động, tất cả tập họp lên hội trường lớn “. Đây là một căn nhà năm gian gần Ban Chỉ Huy trại, mặt trước của hội trường, tấm hình Hồ Chí Minh cao, to, khoác áo măngtô đứng, một tay chỉ lên trời, một tay cầm quyển sách kinh điển Mác Lê – được thần tượng hóa, như một ông thánh. Những băng dài làm ghế ngồi bên phải, bên trái, từ cuối hội trường lên tới gian trên cùng có kê cái bục dành cho thuyết trình viên. Trên vách ván, tấm hình Hồ Chí Minh treo trên lá cờ đỏ sao vàng với những mạng nhện phủ ngang dọc mé phải, lá cờ đã bám bụi sau nhiều ngày không ai để ý chăm sóc. Dọc hai bên tường, một khẩu hiệu với hàng chữ “ Dùng bạo lực trấn áp bọn phản cách mạng “ và “ Hồ Chủ Tịch sống mãi trong sự nghiệp chúng ta “
Cũng như thường lệ, sau báo cáo của cán bộ quản giáo trực phiên – thủ trưởng Năm Quân bước ra giữa hội trường, mắt láo liên nhìn qua lại, vẻ mặt nghiêm và lạnh lùng – tôi thầm nghĩ : Chắc có chuyện rồi...Cả hội trường im lặng, thủ trưởng hắng giọng trước khi nói: “ ........Các anh về trại cũng đã lâu, chính sách khoan hồng của cách mạng đã được các cán bộ quản giáo hướng dẫn qua học tập, lên lớp và lao động. Nhưng các anh không tiếp thu những nhận thức mới, không bỏ những nhận thức cũ, không học tập lao động tốt, tụ năm tụ ba, ca cóng linh tinh, phát ngôn bừa bãi. Các anh có biết con ếch nó chết bởi cái miệng nó không? Nghe đài đọc báo cách mạng, các anh cũng biết bọn Miên đang khuấy phá biên giới, nên lâu nay ngưng thăm thăm nuôi. Các anh hỏi bao giờ cho thăm nuôi lại, các anh bảo các anh nhớ gia đình, cha mẹ, vợ con, cần thăm nuôi. Thế chúng tôi, bao nhiêu năm sống trong rừng, đi làm cách mạng, cũng có gia đình, có cần thăm nuôi không. Có hiếu với cha mẹ à, các anh phải biết rằng, có hiếu là hiếu với đảng, ai nuôi ta, dạy ta khôn lớn – đảng – ai cho ta hạnh phúc ấm no – đảng, ai thống nhất đất nước – đảng. Chỉ có đảng, còn đảng mới còn cha mẹ, gia đình. Tôi nói thật với các anh, vì vấn đề sinh lý, ông bà ấy ngủ với nhau sinh ra tôi, nhưng đảng, nhân dân nuôi và dạy tôi lên người. Tôi phải có hiếu với dân với đảng trước. Vậy các anh phải nhớ là nhớ ơn đảng. Tình cảm cá nhân, gia đình, cha mẹ vợ con hãy cho vào tủ khóa chặt lại. Đó là những người làm cách mạng, các anh đang học tập cải tạo phải nhớ như vậy. Các anh theo Mỹ Ngụy, đầy tội ác với nhân dân, đã được cách mạng khoan hồng lại không chịu học tập, lao động tốt, lại phá họai sản xuất. Ai bảo các anh xén những hoa chuối non vừa nhú ra, mất cả buồng chuối, các anh ăn theo kiểu đế quốc Mỹ, vô nhân đạo. Ai cho phép các anh tự chặt các buồng chuối, tại sao không để cho nó chín, ai cho các anh nhổ các gốc mì non....... Các anh là những thằng lười, năm trăm thằng lười.........”.
Tôi thầm nghĩ: các khóm Chuối do anh em tù vun trồng, - chín -  bắt tù thu hoạch – trại đem bán, muốn ăn, phải mua – người trồng, người vun xớt không được hưởng, người tù ăn khoai mì thay cơm, thiếu rau xanh, họ phải chặt lén chứ sao.Thằng này là người hay ngợm  mà nói như vậy!
Sau những lời dọa nạt đao to búa lớn, như con cắc kè đổi màu,Thủ trưởng Năm Quân đổi giọng, khuyên các anh em tù chịu khó học tập tốt, chấp hành nội qui, qui định để mau về với gia đình, và ra lệnh cho các quản giáo hướng dẫn các đội ra về. Ngày tháng tù lại tiếp nối, và chúng tôi, sau khi rời hội trường, vẫn như xưa – hình như đầu óc chúng tôi đã khô cứng, và con tim đã không còn ngăn nào để tiếp nhận những lọc lừa phỉnh gạt qua những năm tháng còn lại trong tù.
Mỗi buổi chiều, để quên thời gian. Sau khi đi lao động về, tôi thường ra sân bóng chuyền trước cửa nhà ăn đội 4 của đội trưởng Võ Hữu Hội, đánh bóng chuyền với Trần Văn Lợi, Hồ Thanh Long, đôi khi cũng có nhiều người ra chơi như Quách Long tổ 3, Trân, Điệu, Vũ Trọng Ấn tổ 2 hoặc các quản gíáo Tư Nhạc, Út Trọn và tay đập cừ khôi Đoàn Thăng Long tổ 3. Anh em thường gọi Hồ Thanh Long là Long Đỏ để phân biệt với anh Long già cùng tổ và Đoàn Thăng Long tổ 3. Có thể Long người Đà Lạt, da trắng nên khi cởi trần lao động, ra sân chơi banh một lát, mặt và ngực Long đỏ rần. Từ đó mọi người đều gọi anh là Long Đỏ, và anh cũng vui với cái tên Long Đỏ mỗi khi gọi anh.
Sau tuần lễ vác gỗ mà tổ cưa đã xẻ xong trong rừng về tổ mộc, những tuần sau này, tổ 4 chúng tôi đi làm cỏ, bón phân Urê cho các khu khoai mì phía ngoài cổng chính của trại. Hôm nay quản giáo Út Chót không đi, những dãy mì bên kia đường, trước cổng chính gần trại, nên chỉ có một anh vệ binh đi theo canh gác. Tổ trưởng Lợi và tổ phó Long Đỏ yêu cầu anh em làm chỉ tiêu, xong sớm về sớm. Long Đỏ có lẽ nhỏ hay lớn hơn tôi một hai tuổi, nên thường gọi đùa tôi là chú – với nghĩa chú em. Long Đỏ tới chỗ tôi làm, nói vừa đủ cho tôi nghe.
- Ráng cho xong chỉ tiêu, về sớm chơi volley nghe chú Huy. Chú dám chấp tôi với Lợi không?
- Chơi liền, chỉ sợ hai người lấy rổ đựng không hết – tôi đáp.
- Chưa chắc nghe chú – Long Đỏ cười nheo mắt, rồi hỏi tôi : “ Đố chú Huy từ cổng chính vào đến hội trường lớn có bao nhiêu cổng và có những khẩu hiệu gì “. Nói xong, Long Đỏ đi phụ làm cỏ và trải phân tiếp, bỏ lại tôi với những suy nghĩ vu vơ trong lúc bỏ Urê vào gốc cây khoai mì.
Sau khi đạt chỉ tiêu, người vệ binh kêu tập họp điểm danh, sửa sọan về. Nhớ câu hỏi của Long Đỏ, trên đường vào trại, tôi ngẩng đầu lên đọc hàng chữ trên cổng chính: “ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghiã Việt Nam Muôn Năm “ – đi được khoảng 300 thước nữa, một cái cổng chào với hàng chữ “ Đời Đời nhớ ơn Hồ Chủ Tịch “ và tổ chúng tôi tiếp tục đi vào trại, tới đoạn đường bên phải có Nhà Trực Ban, một cây tre ngáng ngang đường, ngay cái cổng chào có hàng chữ “ Chủ Nghiã MácLê Bách chiến Bách Thắng Muôn Năm “ và trước khi tới hội trường lớn, tôi lại thấy một khẩu hiệu trên một cái cổng tre được dựng sơ sài “ Đảng Cộng Sản Việt Nam Muôn Năm “.
Từ khu trồng khoai mì, chúng tôi đã đi về tới trước mặt hội trường lớn, từ đây vào trong là ranh giới của tù nhân với những phòng quản giáo và các nhà của các tổ thuộc các đội tù. Anh vệ binh đã về nhà, chúng tôi tiếp tục đi về tổ 4, Long Đỏ bước tới đi song song bên tôi.
- Chú Huy đếm được bao nhiêu cổng và khẩu hiệu? – Long Đỏ hỏi.
- Bốn cổng, bốn khẩu hiệu – tôi đáp. Khẩu hiệu gì – Long Đỏ hỏi tiếp.
- Tôi nói: Muôn Năm – Đời Đời – Muôn Năm – Muôn Năm. Bốn tầng địa ngục trần gian.
- Chú giỏi, còn “ bác Hồ “ ở hội trường lớn thì sao? Không tính à – Long Đỏ hỏi.
- Mẹ, ăng ten nó báo, chết cả lũ. Này, bác một tay cầm cuốn sách, một tay chỉ lên trời. Nếu bác buông sách nằm xuống như ở Ba Đình thì hai bàn tay, hai bàn chân cộng lại là hai mươi, nếu kể cả chân giữa bác thì tối đa là hai mươi mốt– Tôi nói, và cả hai cùng nhếch mép cười với khuôn mặt đăm chiêu, trong khi vừa rẽ chân bước vào nhà tổ 4, nơi ăn ngủ của hai thằng tù chúng tôi, được Năm Quân gọi là thằng lười.
Năm tháng vẫn tiếp tục đi trong đời người tù. Chúng tôi vẫn âm thầm chịu đựng, cố gắng không để lộ cho gia đình biết những thiếu thốn, gian khổ khi gia đình lên thăm nuôi. Mùa nắng hạ Tây Ninh đốt cháy da người. Tôi vừa cùng mấy anh em theo tổ trưởng Trần Văn Lợi đi trồng mì ở các rẫy ven đường lộ về, thì Bùi Quang Hùng cũng vừa về tới - Hùng, cháu gọi tôi bằng cậu, tôi và mẹ Hùng là chị em con bá con dì, Hùng là Trung Úy như tôi, nhỏ hơn tôi ba tuổi, nên chúng tôi rất bình đẳng, thân tình và tương kính. Theo phân công của đội, Hùng và mấy anh em, cùng với tổ phó Long Đỏ đi làm cỏ một khu ven rừng, khu vực mới. Vừa thấy tôi về đến sân, Hùng nói nhỏ “ Long Đỏ chết rồi, cậu ơi “.
- Sao vậy? Tôi ngạc nhiên hỏi.
- Long đi giật lùi cắm tiêu cho anh em làm cỏ, bị té xuống cái giếng hoang, cây cuốc còn gác trên miệng giếng, cây cỏ rậm rạp cao chừng bốn tấc phủ lấp miệng giếng. Sau khi vạch cỏ, đốt lửa hơ miệng giếng cho bớt thán khí, quản giáo Út Chót kiếm được cây tre, anh em xuống kéo được Long chìm dưới nước lên thì Long đã chết. Có lẽ khi té xuống, đầu đập vào đá của thành giếng bất tỉnh, rồi chết đuối dưới nước, tội nghiệp qúa -  Hùng trả lời. Cả hai cậu cháu im lặng, ngậm ngùi. Cái chết thật bất ngờ, cả tổ, cả đội ngẩn ngơ, tiếc thương.
Bùi Quang Hùng là một trong năm người anh em chúng tôi kẹt lại sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 – không đường thoát, chúng tôi – năm người - cùng một cấp bậc, đến trại tập trung Don Bosco, quận Gò Vấp ngày 16 tháng 5 năm 1975 trong năm bộ đồ đen của cán bộ Xây dựng Nông Thôn, mà gia đình chúng tôi mới mua cho mỗi người hai bộ, vừa nhẹ như đồ ngủ, lại có thể dàu giãi nắng mưa. Khi di chuyển đến Trảng Lớn L3 T5, các bạn tù thường gọi đùa chúng tôi là băng áo đen. Năm 1976, người anh họ – Trần Đình Khiêm đi Bắc, còn bốn chúng tôi di chuyển lên KàTum. Từ KàTum, anh hai tôi – Chu Văn Qúy đi Hốc Môn rồi Suối Máu, người anh họ Trần Văn Tiến đi Phước Long, còn lại tôi và Bùi Quang Hùng đi Cây Cày A – Đồng Ban. Những năm sau ” năm trăm thằng lười “ được chuyển đổi từ Cây Cày A - Đồng Ban do tỉnh đội Tây Ninh cai quản đến Trại Bàu Cỏ - Tân Biên do Công an trông coi, thì tôi bị đội trưởng Võ Hữu Hội cho vào danh sách “ đội cơ động “ do Thủ trưởng Mười Nhàn“ biên chế “. Đội cơ động chúng tôi do Bùi Đạt Vĩnh làm đội trưởng, Karắc Hoàng Gia Bảy làm đội phó, tôi và Phạm Minh Huyên là tổ trưởng, tổ phó – một lũ cứng đầu – phát ngôn bừa bãi – lười lao động. Đội cơ động đi và về lao động giữa trại Bàu Cỏ – huyện Tân Biên và trại Cây Cày B – huyện Đồng Ban như một con thoi – và chúng tôi, mỗi người vẫn là một trong năm trăm thằng lười.
Bảy giờ chiều, tổ trưởng Lợi họp tổ nói “ Anh quản giáo nói, trại đã báo về cho gia đình anh Long lên nhận xác về mai táng.....anh em yên tâm, mai tiếp tục đi trồng mì......” . Mười một giờ đêm, đội trưởng Võ Hữu Hội sang bảo tổ trưởng Lợi dẫn sáu bảy anh em lên gặp quản giáo.
Trời đã khuya, chập chờn trong giấc ngủ khi tỉnh khi mê. Tôi chợt tỉnh khi mấy anh em trở về lại tổ  - tôi hỏi tổ trưởng Lợi: Có chuyện gì vậy? Đi đào huyệt, chôn Hồ Thanh Long – Lợi đáp.
- Sao chiều nói gia đình Long sẽ lên nhận xác về? – tôi nói.
- Nói dzậy nhưng không phải dzậy. Lợi nói giọng miền Nam và thở dài.
Tôi nói qua lại như vậy thôi. Thực tế, suốt mấy năm đi tù và cho đến hôm nay, tôi không thấy những người Cộng Sản nói thật bao giờ. Trong gần sáu năm tù, tôi đã biết những người tù chết trong bàn tay những người Cộng Sản: Ngô Nghĩa – trốn trại, bị xử bắn tại Trảng Lớn, và Hiểu – người tù vén hàng rào chui qua thăm bạn mới có gia đình thăm nuôi, bị bắn chết khi giơ tay đầu hàng ở Kàtum, Trần Duy Hóa – Lợp nhà cho Trung đoàn bị sập chết ở Kàtum, Mai Duy Hạnh – bị Hai Tý đội trưởng đội cán bộ khung bắn chết khi làm rẫy ở Cây Cày A, và Hồ Thanh Long cũng ở Cây Cày A – Đồng Ban. Tất cả, các cán bộ đều nói như con vẹt: “ đã thông báo cho gia đình lên nhận xác....”. Nhưng, trong đêm khuya, quản giáo đã ra lệnh cho các người tù trong tổ an táng người tù đã chết oan khiên một cách vội vã, sơ sài trong các nấm mộ hoang vu ven rừng. Rồi, những tháng sau đó, gia đình, vai mang nặng trĩu đồ ăn lên thăm nuôi con, thăm nuôi chồng, thăm nuôi anh, thăm nuôi em – mới biết các người thân mình đã chết từ bao nhiêu ngày tháng trước, mà không hề được báo tin. Người Cộng Sản nói dối không ngượng miệng – chúng tôi thường nói đùa: Người Cộng Sản Việt Nam không có sợi dây thần kinh liêm sỉ.
Tổ phó Long Đỏ ra đi thật bất ngờ. Mới ngày nào đây, anh hỏi tôi về mấy cái cổng, cái biểu ngữ với những chữ vọng ngôn, tuyên truyền một cách khoa trương: đời đời...muôn năm. Tôi thầm nghĩ: Anh ra đi cũng như các anh khác đã ra đi trước anh, tất cả các anh đã giải thóat khỏi cái cõi nhân gian đời đời...muôn năm gỉa dối, bóc lột tàn bạo của người Cộng Sản. Các anh đã đi vào Miền Đất Hứa, Cõi Vĩnh Hằng -  nơi chan hòa yêu thương viên miễn. Long Đỏ ra đi, tôi và các bạn tù vẫn nhớ anh trong các năm tháng tù đày sống bên nhau, nhớ từng nụ cười khoan dung, hiền hòa của người lính Việt Nam Cộng Hòa đầy tình người, bất diệt nơi anh.
Những ngày tháng không tên vẫn song hành với những người tù không tội, lao động mỗi ngày trong các khu rừng gìa. Những chiếc áo lính, quần lính ngày xưa – nay -  với những miếng vá, những chỗ rách, những ống quần sứt chỉ may, phất phơ bay theo đôi chân gầy trơ xương của những người tù cải tạo mặc đi lao động, và những vết loang trắng mồ hôi muối làm cứng lưng áo những người tù đang mặc. Những người tù không tội, lao động cực khổ nhưng đói ăn. Với năm tháng khoai mì luộc muối cho đậm đà, dễ ăn, có người ăn măng rừng chấm muối, uống no bụng nước thay cho thiếu cơm. Nên, bộ quần áo lao tù trở lên phong sương với những vết hằn mồ hôi muối, loang lổ theo tháng năm. Bộ quần áo lính ngày xưa được người tù mặc, dù rách trên, mục dưới, loang lổ mồ hôi. Nhưng lại mang hình ảnh tiêu biểu của đời tù, thân thương, tri kỷ, sống chết vinh nhục có nhau. Gắn bó và đồng hành. Do đó, có những người tù trở về mang theo làm kỷ vật suốt đời. Tôi cũng mặc khi được tha về. Nhưng khi xuống Rạch Giá vượt biên, tháng 12 năm 1980, tôi đành bỏ lại bên quê nhà.
Tháng tư mỗi năm vẫn về với những hoài niệm. Tôi ngẩn ngơ nghĩ đến những ngày trước kỳ thi trong các năm học -  những ngày chưa nhập ngũ -  những ngày trong đời quân ngũ, rồi trở thành người tù trong lòng dân tộc, mà thương cho phận mình, cho thân phận các bạn tù, cho quê hương và dân tộc Việt Nam.
“ Cầm vàng mà lội qua sông
Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng “

                                                                           Viết tại thành phố San Jose – tiểu bang California Tháng tư 2016
                                                                                           Mùa đau thương của dân tộc Việt Nam
* Riêng tặng người bạn tù Ara Nguyễn Phát – Bỉ quốc, để nhớ chuyến Mỹ du thăm “ 500 thằng lười “






2 nhận xét:

  1. Xuân Sang đã gởi tiếp câu truyện ngắn 499 +1 THẰNG SANG LƯỜI , thật hay , rất thật . Nói lên chỉ mới 1 phần ngắn trong suốt thời gian bị giam giữ ở TN , chứ chưa kể thg chuyển qua phía C.A bị CÒNG CHÂN buổi tối nữa . ......Coi như kiếp nạn mình phải chịu thôi ,dù sao tụi mình cũng tạ ơn thượng đế đã cho mình còn sống sau cuộc chiến và bây giờ còn vui với hiện tại , hãnh diện với quá khứ .

    Trả lờiXóa
  2. Toi cần liên lạc với tác giả để hỏi thăm về một K24vb ở trai cay cầy 2 xin liên lạc thachlek24@yahoo.com cám ơn

    Trả lờiXóa