Bài đăng nổi bật

Nghe 100 Truyện ngắn của Tràm Cà Mau

  Nghe 100 Truyen Ngan Cua Tram Ca Mau ( Tac gia không giữ bản quyền.) bấm mỗi dòng dưới đây để nghe một truyện: Tuoi Gia La Tuoi Sung Suong...

Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2017

NAI VÀ THÂN THUỘC TÂM SỰ _PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.


Cac em than men,
Men goi cac em bai viet ve Nai
An: da nhan video ve viec cung cap nuoc sach o Phap tu nam 1853 khi Napoleon III nam chanh quyen duoc mot nam voi hinh anh ve viec cung cap nuoc may cho Paris va toan the nuoc Phap.  Cam on chau.
Van Su Lanh
Thay Lan
phamdinhlan (david)



From: David Pham <davidlanpham@me.com>
Sent: Saturday, November 4, 2017 6:24 PM
To: David Pham
Subject: Pham Dinh Lan - nai va than thuoc tam su
 

Pham Dinh Lan - nai va than thuoc tam su

NAI VÀ THÂN THUỘC TÂM SỰ
  - 
            Trước khi đại diện Lộc tộc đọc bài tham luận ban nhạc Reindeer trổi bản nhạc Nhảy Nai soạn theo cảm hứng của ngôn từ Việt Nam khiến cho cả hội trường cười nghiêng ngửa. Đại diện Lộc tộc Việt Nam lên tiếng phản đối tác giả bản nhạc Nhảy Nai. Đại diện Lộc tộc Việt Nam cho nhạc sĩ Reindeer biết cụm từ Nhảy Nai có nghĩa rất xấu nếu không muốn nói là sự chế nhạo, khinh bỉ sự nhút nhát của Lộc tộc.
Cả hội trường im lặng. Tác giả bản nhạc thuộc tộc Reindeer sống trong vùng khí hậu ôn đới và hàn đới đứng lên xin lỗi đại diện Lộc tộc Việt Nam vì e ngại có sự hiểu lầm đáng tiếc giữa các dòng Lộc tộc khác nhau. Ông xác nhận có sự thiếu sót đáng tiếc về ngôn ngữ và văn hóa. Ông tưởng Nhảy Nai là một điệu khiêu vũ vui nhộn nên mới sáng tác bản nhạc vũ vui nhộn như vừa trình bày. Dưới hội trường các đại biểu không hiểu chuyện gì xảy ra mà chỉ nghe tiếng huýt sáo ầm ĩ đòi ban nhạc Reindeer hòa tấu lại bản Nhảy Nai.
Chuông reo báo hiệu đã đến giờ đại diện Lộc tộc và thân thuộc đọc tham luận. Đại diện Lộc tộc trên thế giới là một lão Tuần Lộc sống gần biên giới Na Uy và Thụy Điển. Lão thư thả bước lên diễn đàn. Theo các nhà báo các nước Bắc Âu, lão còn khỏe lắm vì thấy lão kéo xe trượt tuyết mùa Giáng Sinh vừa qua.
****
Dòng Lộc tộc chúng tôi là một dòng họ to lớn sống khắp các vùng khí hậu trên thế giới từ vùng khí hậu hàn đới, bán hàn đới Tây Bá Lợi Á, Bắc Âu, Bắc Mỹ đến khí hậu ôn đới Âu- Á- Phi, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan ngoại trừ Nam Băng Châu. Các anh chị Hươu, Mang, Mễn là những người bà con gần với chúng tôi. Chúng tôi thuộc gia đình Cervidae nổi tiếng trong cộng đồng động vật.
Tên Hán Việt của chúng tôi là Lộc. Tên Việt Nam là Nai. Người Pháp gọi chúng tôi là Cerf và Anh gọi là Deer. Anh Nai gọi là Buck; Chị Nai là Doe và các cháu là Fawns. Chúng tôi là động vật có vú, có xương sống, có máu đỏ, sinh con, ăn cỏ và nhai lại như các anh chị Ngưu và Thuỷ Ngưu. Tùy theo dòng Lộc tộc chúng tôi có chiều dài, chiều cao và trọng lượng tương đương với các anh chị Dê và Khuyển (Chó). Loài Nai chúng tôi đa số mặc áo màu vàng sậm trong khi Dê và Chó mặc áo trắng, đen. Vài anh chị Chó mặc áo vàng hay sọc đen và vàng. Nai có sừng. Chó không có sừng. Dê có râu. Nai không có râu. Dê và Nai đều có sừng. Sừng Dê ngắn và rỗng. Sừng Nai dài, đặc và có nhiều nhánh. Sừng Nai rụng định kỳ rồi mọc lại sừng khác. Sừng Nai là võ khí của Lộc tộc nhưng sừng dài và rộng gây trở ngại trong việc di chuyển trong rừng cũng như lúc chiến đấu tự vệ vì dễ bị vướng vào các cây nhỏ hay nhánh cây khiến Nai không chạy nhảy được. Nai chạy nhảy nhanh hơn Dê và Chó. Chân chúng tôi có móng chân: 02 móng to và 02 móng nhỏ.
Các anh Nai to lớn và nặng cân hơn các chị Nai. Các anh chị Nai đều có sừng. Cũng có vài tộc Nai trong đó các chị không có sừng. Nói tổng quát, sừng của các anh dài và có nhiều nhánh hơn sừng của các chị. Sừng các anh Tuần Lộc (Caribou; Reindeer) Rangifer tarandus rụng vào tháng 12 mỗi năm. Sừng của các chị Tuần Lộc rụng vào mùa hạ. Sừng các anh Tuần Lộc cao 1 m và tỏa ra lối 1.50 m.
Mắt và tai của Nai to. Nhờ thị giác, thính giác và khứu giác bén nhạy nai trốn tránh các loại thú ăn thịt sống đe dọa Nai như Sư Tử, Cọp, Beo, Gấu, Chó Sói, Cá Sấu v.v. Nai rất thích nước và có thể chạy nhanh với tốc độ xê dịch từ 40 đến 60 km/ giờ.
Nai ăn cỏ, lá cây, rêu, nấm, mầm non của cây, vỏ cây, cành cây nhỏ. Tuần Lộc chúng tôi ở vùng khí hậu bán hàn tới và hàn đới còn ăn cá và loài gặm nhấm nhỏ nữa.
Nhìn khái quát chúng ta thấy Lộc tộc hiền hòa, nhút nhát, là mồi của các loài dã thú ăn thịt sống.
Xã hội Lộc tộc là xã hội mẫu hệ và đa thê. Vào mùa động cỡn các anh Nai thường nhịn ăn và dùng sừng đâm chém nhau để giành quyền ái ân với các chị Nai. Nam, nữ Lộc tộc bắt đầu tuổi yêu đương từ 02 đến 03 tuổi. Thời gian mang thai, tùy theo tộc, kéo dài từ 06 đến 07 tháng. Mỗi chị Nai sinh từ 01 đến 03 con. Nai còn thơ bú sữa mẹ khi được 02 hay 03 tháng tuổi.
Rất khó ước lượng chiều dài, chiều cao, trọng lượng của Nai vì Lộc tộc có quá nhiều loại khác nhau. Tôi chỉ đưa vài số liệu để quí vị có một ít khái niệm về Tuần Lộc chúng tôi:
PháiChiều dàiChiều CaoTrọng Lượng
Nam1.8- 2.10 m80- 120 cm150- 180 ki- lô
Nữ1.6- 2.00 m 60- 100 cm80- 120 ki- lô

Trọng lượng cao nhất trong dòng Tuần Lộc chúng tôi là 370 ki- lô. Tuần Lộc chúng tôi có sừng có nhiều nhánh tua tủa. Chúng tôi mặc quần áo lông dày dễ chịu đúng với khí hậu hàn đới và bán hàn đới ở Tây Bá Lợi Á, Bắc Âu, Alaska, Canada, bắc Hoa Kỳ.  
Ở Nam Mỹ có Nai đầm nước mặn (Marsh deer) sừng nhỏ và nhọn. Nai đầm nước mặn nầy mang tên khoa học Blastocerus dichotomus mặc quần áo màu hung đỏ vào mùa hạ. Màu này chuyển sang màu đen nhạt vào mùa đông. Nai đầm nước mặn thường đi theo các dòng nước để kiếm ăn dưới nước.
Các anh chị Nai Sừng (Moose) Alces alces ở miền ôn đới và bán hàn đới to lớn đo được 2.50 m chưa tính đuôi; cao: 2.20 m và cân nặng từ 380 ki- lô đến 750 ki- lô.  
Nai Sika mang tên khoa học Cervus nippon được tìm thấy ở Việt Nam, Trung Hoa, Taiwan (Đài Loan), Triều Tiên, Nhật Bản dài từ 95 cm đến 180 cm; cao: 64 cm- 110 cm; cân nặng lối 70- 80 ki- lô.
Các anh chị Nai đuôi trắng Odocoileus virginianus hay Dama virginiaca được tìm thấy nhiều ở Bắc Mỹ, Trung Mỹ, Nam Mỹ và được đưa sang Tân Tây Lan, các hải đảo trong biển Caribbean và các nước Âu Châu. Các anh chị Nai đuôi trắng dài từ 1.60 m đến 2.20 m; trọng lượng: 50- 130 ki- lô. Gọi là Nai đuôi trắng vì phần cuối và phía dưới của đuôi của các anh chị ấy có lông màu trắng. Người ta cho rằng cái đuôi màu trắng này giúp cho các anh chị Nai phát giác điều gì sắp xảy ra.
Nai La (mule deer) Odocoileus hemionus mặc áo quần màu hung đỏ vào mùa hạ. Màu quần áo nầy thay đổi thành màu hung đỏ xám vào mùa đông. Gọi là Nai La (mule deer) vì Nai có hai tai to và thẳng như tai con la. Loài Nai La có đốm trắng trên cổ và trán. Phần cuối của đuôi có chòm lông đen. Nai La bắt đầu công tác truyền giống vào tháng 09 và chấm dứt vào tháng 11. Mỗi chị Nai La sinh 01 hay 02 con sau khi mang thai 200 ngày tức 06 tháng + 20 ngày. Nai La sống trong vùng khí hậu ôn đới.
Ở Ấn Độ và Sri Lanka có Nai đốm dài lối 60 cm (0.60 m). Tên khoa học của loài Nai đốm nầy là Tragulus meminna thuộc gia đình Tragulidae. Các anh Nai đốm có răng nanh bén nhọn. Đó là võ khí tự vệ của các anh chống lại các dã thú khác.
Nhỏ con nhất trong dòng Lộc tộc là các anh chị Nai Pudu mang tên khoa học Pudu puda hay Pudu mephistopheles. Nai Pudu (Pháp: Poudou) mặc quần áo đen xám; phần dưới của chân màu vàng. Nai Pudu tựa như các anh chị Khuyển. Các anh chị ấy cân nặng từ 6 ki- lô đến 13 ki- lô! Các anh chị cao từ 32 đến 44 cm; dài: 85 cm Địa bàn sống của các anh chị Nai Pudu là các quốc gia Nam Mỹ.  
Nai bờm (sambur) mang tên khoa học Cervus unicolor được tìm thấy ở Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á. Các chị Nai bờm không có sừng nhưng nổi tiếng bảo vệ con chống các loài dã thú rất kiên cường. Các anh Nai bờm dài từ 95 cm đến 180 cm; cao: 100 cm đến 160 cm; cân nặng: 100- 350 ki- lô. Nai bờm nặng nhất cân nặng 540 ki- lô. Đuôi dài từ 22- 35 cm. Vào mùa động cỡn các anh Nai bờm nhịn ăn và đầm mình dưới sình. Các anh kêu ầm lên và bờm xù lên.
Ở Trung Á, Afghanistan và trung bộ Trung Hoa có tộc Nai Xạ (Lộc Xạ) mang tên khoa học Moschus chrysogaster thuộc gia đình Moschidae.
Nai Linh Mục David tức Mi lu (Mĩ Lộc?)  (Nai Mĩ Lộc) theo cách gọi của người Trung Hoa, mang tên khoa học Elaphurus davidianusđược nuôi để giữ giống vì giống Nai này có nguy cơ tuyệt chủng. Nai linh mục David hay Nai Mĩ Lộc có lông dày màu hồng nhạt. Cổ của Nai Mĩ Lộc giống cổ Lạc Đà, sừng của Nai, móng của Bò, đuôi giống đuôi Lừa. Giống Nai Mĩ Lộc này sống ở vùng đầm lầy ở Trung Hoa. Thức ăn chính yếu là các loại thủy thảo dưới nước. Đặc điểm khác của Nai Mĩ Lộc là thay sừng hai lần trong năm.
Các anh chị Hươu, Mang, Hoẵng…đều là bà con thân thuộc với dòng Lộc tộc chúng tôi.
Hươu hồng (apiti; elk) có lông màu hung đỏ vào mùa hè. Màu lông nầy thay đổi vào mùa đông. Các anh chị Hươu hồng mang tên khoa học Cervus elaphus, sống ở Âu Châu, Tây Á, Trung Á và Đông Á. Người ta bắt và chở các anh chị ấy đưa sang Bắc Mỹ, Nam Ý, Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan ở Nam Bán Cầu.
Ở Ấn Độ, Bangladesh, Miến Điện có Hươu đốm Chita Axis axis có sừng thẳng, nhọn và ít nhánh. Hươu đốm này cân nặng từ 30 ki- lô đến 75 ki- lô.
Các anh chị Mang (Anh: Roe deer; Pháp: chevreuil) mặc quần áo màu đen- đỏ xám, mõm màu đen. Các anh chị Mang mang tên khoa học Capreolus capreolus vì các anh chị có hình dáng và quần áo giống Dê. Địa bàn sinh sống của các anh chị Mang chạy dài từ miền Địa Trung Hải lên đến các quốc gia Bắc Âu.
Các anh chị Hoẵng (Anh: dama, fallow deer; Pháp: daim) gốc ở Tây Á trên lục địa Á- Âu hiện nay hiếm dần. Các anh chị Hoẵng mặc áo màu vàng có nhiều đốm trắng.
****
Thưa quí vị, dòng họ chúng tôi đông đảo và sống khắp nơi trên thế giới. Giữa chúng tôi và loài người không có nhiều quan hệ mật thiết. Khác với các anh chị Mã, Ngưu, Thủy Ngưu, Lạc Đà, Lộc tộc chúng tôi không gần gũi cũng không giúp ích nhiều cho loài người ngoại trừ chi tộc Tuần Lộc chúng tôi kéo xe trượt tuyết, trượt băng cho loài người ở vùng khí hậu hàn tới và bán hàn đới như Alaska, Tây Bá Lợi Á, Bắc Âu, Greenland, bắc Canada. Vì Lộc tộc chúng tôi sống rải rác khắp các vùng khí hậu khác nhau trên thế giới, chúng tôi là nguồn thịt trong thiên nhiên đối với loài người. Đâu đâu loài người cũng săn Nai để ăn thịt, lấy da, xương và sừng.  
Người Esquimos săn Tuần Lộc để ăn thịt. Da dùng làm quần áo ấm để mặc hay kết làm lều để ở. Xương Nai dùng làm kim may vá hay lưỡi câu. Sừng Nai là vật trang trí trong các nhà giàu có sang trọng ngày xưa. Nó cũng phản ảnh tài thiện xạ của gia chủ cũng như ước vọng giàu có, tài sản dồi dào qua hình ảnh hay sừng của Nai vì theo Hán- Việt Nai tức là Lộc. Trong bức tranh Tam Đa (Phước, Lộc, Thọ), Ông Lộc được tượng trưng bằng hình ảnh của Nai.
Ở Trung Hoa người ta nuôi Nai để khai thác Lộc nhung. Việc khai thác Lộc nhung làm cho Nai đau đớn vô cùng. Lộc nhung là một vị thuốc quí và đắt tiền trong Đông Y. Một thời người ta quảng cáo Sâm (Panax quinquefolius) , Nhung, Hải Cẩu như là bài thuốc cường dương cực quí. Sâm, Nhung hiếm, đắt tiền nhưng vẫn có. Còn Hải Cẩu ở Bắc Cực làm sao có đủ để làm thuốc? Lộc nhung còn dùng để nấu cao. Đó là Lộc giác cao.  
Ở Tây Tạng, Si Chuan (Tứ Xuyên), Yunnan (Vân Nam), bắc Ấn Độ, Bhutan, Nepal, Sikkim, Miến Điện có Lộc Xạ (Nai Xạ: musk deer) mang tên khoa học Moschus chrysogaster thuộc gia đình Moschidae. Tộc Nai nầy sống trên cao độ. Người ta săn Lộc Xạ để lấy thịt, xương, da nhất là xạ của các anh dòng Moschus. Chỉ có các anh Lộc Xạ mới có xạ. Xạ được dùng làm thuốc, dầu thơm, xà bông và mỹ phẩm. Xạ của Lộc Xạ màu vàng có mùi rất nồng. Xạ khai thác từ tháng 11 đến tháng 04 màu trắng sữa không nồng. Đó là loại xạ có phẩm chất thấp. Xạ của Lộc Xạ rất dắt tiền. Mỗi ki- lô xạ trị giá 45,000 Mỹ kim. Mỗi anh Lộc Xạ chỉ cung cấp 25 grams xạ tức 1/40 ki- lô. Muốn có 01 ki- lô xạ phải khai thác ít ra 40 anh Lộc Xạ. Xạ của Nai càng ngày càng hiếm dần vì dòng Moschus bị săn bắt rất nhiều. Mỗi lần khai thác xạ thì có vài trường hợp tử vong xảy ra. Người ta nghĩ đến việc nuôi Lộc Xạ để khai thác xạ nhưng Lộc Xạ chết rất nhiều trong các trại chăn nuôi.
Mặc dù có vài dòng Lộc tộc giảm dần dân số như trường hợp các anh chị Hoẵng (fallow deer) ở vùng Lưỡng Hà Châu (Mesopotamia- châu thổ giữa hai sông Tigris và Euphrates) hiện nay hầu như tuyệt chủng, mặc dù loài người dùng mọi phương tiện sẵn có để săn bắn Nai, gia đình Cervidae vẫn tồn tại đông đảo trên thế giới. Ngày xưa thịt nai được xem là sơn hào với các môn khô nai, thịt nai xào lăn, thịt nai nhúng giấm v.v.
Các hình vẽ Bầu, Cua, Cá, Cọp, một dạng cờ bạc bình dân vào dịp Tết ở Việt Nam cho thấy:
1. Tiếng nói là Bầu Cua, Cá, Cọp thực tế không có Cọp mà có: Bầu, Cua, Cá, Tôm, Nai, Gà.  
2. Đó là bản tóm lược các thức ăn thường thấy trong dân gian. Thức ăn phổ biến ở nông thôn là canh bầu. Thức ăn ngon mà người bình dân có thể có là thức ăn có thịt gà. Nai là sơn hào. Cá, tôm, cua là hải vị.
Sòng cờ bạc bình dân trở thành bản thực đơn của các tửu lâu trong nước. Ước vọng sơn hào, hải vị này cho thấy tình trạng thiếu ăn và thiếu thức ăn ngon có đầy đủ chất dinh dưỡng trầm trọng ở nước ta ngày xưa.
Lộc tộc sống tự do trong rừng núi Hoa Kỳ. Người Hoa Kỳ thích săn Nai như là một sự giải trí dã ngoại hơn là để ăn thịt. Các cửa hàng thực phẩm ở Hoa Kỳ bán thịt Bò, Heo, Dê, Trừu, Gà, Vịt, Cá, Cua, Tôm, Mực, đùi Ếch… nhưng không thấy bán thịt Nai, sữa Nai. Có phải chăng việc lập trại chăn nuôi Nai không phát triển vì sự hiện diện của Ruồi Nai Chrysops discalis ? Các chị Ruồi Nai mang vi khuẩn Francisella tularensis từ các loài gặm nhấm như chuột, thỏ chích sang người hay các động vật khác để gây ra chứng bịnhtularemia (tên của thành phố Tulare ở California). Người bịnh bị lên cơn sốt dữ dội. Vết Ruồi Nai chích sưng phù, làm mủ nhức nhối vô cùng. Thực tế việc nuôi Nai không có lợi về phương diện kinh tế: lập trại, lo thức ăn và thuốc men cho Nai. Các dân tộc trên thế giới quen ăn thịt Bò, Heo, Gà, Vịt, Dê, Trừu, Thỏ nhưng chưa ưa thích thịt Nai. Riêng các dân tộc sống ở miền hàn đới và bán hàn đới nuôi Tuần Lộc để kéo xe, ăn thịt, khai thác sữa, xương và da.
Lộc tộc chúng tôi ăn cỏ, sống hiền hòa đến nhút nhát. Vậy mà loài người tìm mọi cách săn bắn, giết chúng tôi để ăn thịt và để làm vui. Trong ngôn từ của loài người dành cho chúng tôi chỉ có ý nghĩa xấu, chê bai, biếm nhẽ giữa lúc họ gọi Cop, Voi bằng Ông. Đó là thái độ trên đội dưới đạp, hiếp đáp hay khinh thường kẻ hiền hòa, lại phục lụy kẻ tàn ác đối với mình. Đó là chuyện thường thấy trong xã hội loài người.
Trong ngôn ngữ của loài người dòng tộc chúng tôi được đề cập rất nhiều.
Nhóm từ nồi da xáo thịt ám chỉ cảnh huynh đệ tương tàn gợi lại hình ảnh các thợ săn Nai nấu thịt nai trong cái nồi da của chính anh chị Nai bị bắn chết.
Nhảy Nai là cách nhảy trong tình trạng nguy khốn và hốt hoảng của Lộc tộc.
Nói Hươu nói Vượn là nói chuyện bịa đặt khó tin được.
Nai tơ ám chỉ thanh niên mới lớn lên còn thiếu nhiều kinh nghiệm nên bị người khác phái lợi dụng.
Nai đặc móng, chó lè lưỡi hàm ý chỉ cho những người thích tranh chấp thấy kẻ thắng hay kẻ thua đều bị thiệt hại.
Lộc nhung là gạc nai non rất quí giá trong Đông Y.
Lộc giác là sừng Nai.  
Lộc giác cao là cao nấu từ lộc nhung.
Khi nói đến Nai người ta nhớ đến hai câu thơ nổi tiếng của Lưu Trọng Lư:
Con Nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô.
Người ta cũng nhớ đến Lộc Dã tức Đồng Nai. Nhà văn Tô Văn Tuấn gốc ở Tân Uyên lấy bút hiệu Bình Nguyên Lộc để tưởng nhớ đến vùng đất sinh quán của ông.  (Bình nguyên: Đồng; Lộc: Nai. Bình Nguyên Lộc: Đồng Nai).
Đồng Nai là tên con sông chạy ngang qua Biên Hòa và cũng là tên của tỉnh Biên Hòa sau năm 1975. Đồng Nai là tên của một tờ báo ở Sài Gòn thời Pháp thuộc. Ông Phan Văn Hùm viết cho tờ báo này và được biết dưới biệt danh Cọp Đồng Nai (Hùm: Cọp; Đồng Nai: ám chỉ Nam Bộ). Ở Việt Nam có nhiều địa danh mang tên Lộc (Nai) như: Lộc Ninh (Bình Long), Hưng Lộc (Long Khánh), Xuân Lộc (Long Khánh), núi Lộc Trì (Kiên Giang), An Lộc (Bình Long), Lộc Châu (Lạng Sơn), Thạnh Lộc (Gia Định), Phúc Lộc (tên của Sơn Tây thời Văn Lang) v.v.
Ở Hoa Kỳ cũng có nhiều địa danh Deerfield (Đồng Nai). Ở Florida có Deer Beach. Trong tiểu bang Maine có hồ Moosehead Lake rộng 780 km2. Hoa Kỳ có một loại phi cơ mang tên Caribou (Tuần Lộc).
Ở trung bộ Canada có hồ Reindeer Lake rộng 6,300 km2. Canada có dãy núi Caribou Mountains và thành phố Moose Jaw ở phía nam Saskatchewan.  
Moose milk là một loại cocktail ở Canada. Đó là sữa pha với rượu whisky hay rượu rum.
Trong Cựu Ước Kinh, Nai được đề cập trong: Deuteronomy (Phúc Truyền Luật Lễ Ký) 14:5; Jeremiah 14: 5; Proverb (Châm Ngôn) 5: 19.
Trong thực vật học có:
- Cây Gạc Nai Xanthophyllum glaucum
- Cây Lộc Mộc ( Mossewood) Eucryphia lucida; Lộc Mộc (Moosewood) Dirca palustris. Cây này có vỏ chắc và dai. Vỏ và trái Lộc MộcDirca palustris có độc chất.
- Elk root (Lộc Căn) Echinacea augustifolia. Người Da Đỏ ăn củ này khi bị thương.
- Elk horn sea moss (Lộc Giác Hải Tảo) là rong Kappa kappaphycus alvarejii.
- Deer grass (nguyên từ: Cỏ Nai) trên thực tế người Việt Nam gọi là Cỏ Voi Scirpus grassus.
- Deer Nut là cây Jojoba Simmondsia californiaca
- Deer’s tongue (nguyên từ: Lộc Thiệt). Đó là dây Va- ni hoang Liatris odorissima vì lá của dây này giống lưỡi của Nai.
- Deer’s tree là Cây Dương hay Đào Thụ Broussonetia papyrifera
Trong Đề 40 con Lộc tộc chúng tôi mang số 34 sau anh chị Nhện (số 33) và trước anh chị Dê (số 35).
Trong Rig Veda của Ấn Độ chòm sao Orion được gọi là sao MRIGA tức Lộc Tinh gồm Đại Lộc Tinh và Tiểu Lộc Tinh (Nai mẹ và Nai con).
Người Seri ở Mễ Tây Cơ cũng có khái niệm tương tự khi xem chòm sao Orion có ba phần:
1. Sao HAP (Nai Lừa)
2. Sao HAAMOJA (Gạc Nai)
3. Sao MOJET (Trừu sừng to)
Lộc Trì Thôn Cú là nhan đề của một trong 10 bài thơ của Mạc Thiên Tứ vịnh thắng cảnh Hà Tiên (Lộc có hai nghĩa: 1. Lộc: con Nai 2. Lộc: của cải, tiền bạc).
Thực sự Lộc tộc chúng tôi có vai trò nhất định trong xã hội loài người. Hình ảnh chúng tôi là đề tài của thi ca, âm nhạc, hội hoạ, nhiếp ảnh. Tên gọi của chúng tôi trở thành niềm ước vọng muôn đời của loài người trên Trái Đất này. Thi sĩ của loài người ca ngợi đôi mắt ngây thơ và hiền hòa của Lộc tộc chúng tôi. Các nhạc sĩ sáng tác những bản nhạc về Lộc tộc cho nhi đồng hát. Bên cạnh những bản nhạc hiền hòa dễ thương lại có những bản nhạc hùng tráng về những cảnh săn đuổi, bắn giết Nai trong rừng.
Hôm nay, tại diễn đàn này, tôi, trưởng lão Tuần Lộc, đại diện Lộc tộc trên thế giới, yêu cầu loài người trả lời những thắc mắc sau đây của Lộc tộc trên hoàn vũ:
1. Có phải loài người quí vị là động vật thượng tầng, khôn ngoan, mâu thuẫn vừa khen ngợi Lộc tộc ngây thơ, hiền hòa, dễ thương vừa xách cung tên, súng lửa đi kiếm chúng tôi để giết? Quí vị giết sự ngây thơ? giết sự hiền hòa? giết cái gì mà quí vị từng ca ngợi? Vậy quí vị yêu thích và trân quí cái gì?
2. Quí vị chê Lộc tộc chúng tôi mang Ruồi Nai gây bịnh tật cho quí vị. Quí vị không ăn thịt chúng tôi vì sợ có trùng này, khuẩn nọ tại sao quí vị thích vác súng vào rừng bắn giết chúng tôi để làm gì? Quí vị thừa ăn, thừa mặc, sao còn xách súng đi tìm chúng tôi để bắn giết? Làm như vậy có phải vì óc hiếu sát tự nhiên của quí vị không? vì thích giết chóc và nhìn thấy máu đỏ?
3. Quí vị có nghĩ đến sự đau đớn của Lộc tộc khi quí vị dùng vật bén nhọn để cưa sừng non của dòng họ chúng tôi để lấy Lộc nhung?
Cũng tại diễn đàn này Lộc tộc chúng tôi cũng phản đối tính hung hãn và khát máu của các anh chị Hùm, Beo, Sư Tử, Chó Sói, Mèo Rừng… ỷ mạnh và có võ thuật hà hiếp, ăn tươi nuốt sống bao nhiêu động vật nhỏ bé và yếu ớt để nuôi thân mình. Các anh chị nghĩ sao khi các anh chị không thoát khỏi định luật sinh tồn bất di dịch:
Mạnh được yếu thua.
Khôn sống dại chết?
Tôi xin chấm dứt bài tham luận tại đây và mong rằng quí vị có những giây phút suy nghĩ thấm thía. Chúc quí vị một ngày vui, hạnh phúc và đầy ý nghĩa.
Dưới hội trường Cọp nói với Sư Tử: "Thằng Tuần Lộc này ở Bắc Âu nên không biết uy của tụi mình giống như mấy thằng điếc không sợ súng. Nó mà sống ở rừng hay thảo dã Á Châu, Phi Châu thì nó biết tay tôi.” Sư Tử ngồi im lặng với muôn ngàn suy nghĩ ngổn ngang trong đầu. Địa vị chúa sơn lâm của Cọp và Sư Tử bắt đầu lung lay. Có phải chăng đã đến lúc Cọp dữ không cự nổi Chó bầy?
Để phá tan bầu không khí nặng nề bao trùm quanh hội trường, ban nhạc Cervus trổi bản Deer Lick.
Trưởng lão Tuần Lộc Bắc Âu Rangifer tarandus.
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét