FATIMA KỶ NIỆM 100 NĂM
(Trích trong audio book Đức Mẹ Đến Với Thế Gian)
Tôi đi Bồ Đào Nha (Portugal) tất cả là ba lần, nhưng chỉ ghé Fatima được hai lần. Bồ Đào Nha không có cộng đồng người Việt nên cơ hội đến đây rất hiếm. Ngược lại, ở Pháp nơi có đông đảo đồng hương, tôi thường hay sang trình diễn nên tiện dịp viếng thăm Đức Mẹ Lộ Đức (Lourdes) thường xuyên hơn. Từ Paris đi Lộ Đức bằng xe lửa tốc hành chỉ mất khoảng 4 tiếng nên vợ chồng tôi đã đến Lộ Đức 7 lần trong đó có mấy lần đi chung với phái đoàn nghệ sĩ.
Lần đầu tôi đến Bồ Đào Nha là năm 1989, tham dự Hội Nghị Văn Bút Quốc Tế trên đảo Madeira. Nơi đây, ông Christopher Columbus từng thực tập về hàng hải trước khi viễn du và tìm ra Mỹ Châu. Cùng với các nhà văn thế giới, tôi được vào thăm căn nhà của ông, nơi ông sống với cô vợ là Filippa người Bồ Đào Nha. Khi vợ ông chết để lại đứa con trai hơn 10 tuổi, ông Columbus đem gửi con cho nhà dòng để tính chuyện ra khơi. Nhưng ông vận động mãi không có triều đình nào ở Âu Châu tài trợ cho ông đi. Ở tuổi 23, ông đã mơ ước và trình bày với triều đình Bồ Đào Nha về kế hoạch lái tàu sang Á Châu. Vua Bồ từ chối. Ông sang Pháp, vua Pháp cũng từ chối. Ông về Tây Ban Nha (Spain), vua Tây Ban Nha bảo ông chờ, vua chưa có quyết định. May quá năm 1492 vua Tây Ban Nha Ferdinand và nữ hoàng Isabella The Catholic đánh bật được cứ điểm cuối cùng của quân Hồi Giáo ra khỏi Âu Châu. Là người cực kỳ sùng đạo, vua và hoàng hậu mừng quá, tạ ơn Chúa và sẵn sàng bỏ tiền cho Chrispher Columbus lên đường thám hiểm vì ông hứa sẽ đưa các linh hồn nơi xứ lạ trở về với Chúa. Lúc ấy ông Columbus đã 41 tuổi. Ông định khám phá Á Châu nhưng lạc đường sang tân thế giới mà ngày nay chúng ta gọi là Mỹ Châu.
Căn nhà nhỏ của ông Columbus bây giờ được giữ như một loại bảo tàng mini, có trưng bày mấy khẩu súng, những thanh gươm và ống nhòm viễn vọng kính, nói chung là những thứ mà tôi thường thấy trong các phim hải tặc thời xa xưa.
Được thăm viếng di tích của một nhân vật lịch sử là Chrispher Columbus, người tìm ra Mỹ Châu, tất nhiên rất thú vị, nhưng tôi lại cực kỳ nuối tiếc vì không được đến Fatima, địa danh linh thiêng đã ăn sâu trong trí tôi từ thuở nhỏ. Lịch trình làm việc của Văn Bút Quốc tế đã ấn định, tôi không thể tách riêng ra được!
Lần thứ hai tôi cùng bà xã và mấy người bạn ở Montreal chủ định đi hành hương nên bay qua Lisbon rồi có xe đưa thẳng đến Fatima.
Bồ Đào Nha là một nước nhỏ nằm sát cạnh Đại Tây Dương và gần Địa Trung Hải. Đã có một thời oanh liệt quốc gia này là tiền đồn chống đạo quân Hồi Giáo bảo vệ thành trì Công giáo Âu Châu. Rồi sau đó khi hết nạn Hồi giáo xâm lăng thì Bồ Đào Nha là nước tiên phong trong ngành hàng hải đi chinh phục thế giới. Vasco da Gama là người Tây phương đầu tiên tìm đến Ấn Độ, giấc mơ mà trước đó Chrispher Columbus đã thực hiện nhưng không thành. Vasco da Gama mở ra con đường giao thương, mang về những đặc sản lạ, giúp Bồ Đào Nha trở thành giàu có.
Người Bồ Đào Nha nói chung là hiền hòa và tôi có thiện cảm sẵn với nước này vì những giáo sĩ Tây phương đầu tiên đến truyền giáo ở Việt Nam đa số là người Bồ Đào Nha. Hoặc dù không phải là người Bồ Đào Nha thì họ vẫn phải xuất phát từ Lisbon, thủ đô Bồ Đào Nha, vì đó là đặc ân mà Đức Giáo Hoàng dành cho công lao của quốc gia sùng đạo này. Chẳng hạn như Thánh Phanxico Xavier hoặc giáo sĩ Alexandre De Rhodes mà chúng ta thường gọi là cha Đắc Lộ, cùng nhiều nhà truyền giáo khác, tất cả đều phải đến Lisbon trên đường sang Á Châu. Cha Đắc Lộ là người gốc Pháp, gia nhập Dòng Tên (Jesuits), có quốc tịch La Mã. Là người Pháp, đúng ra ngài có thể ra đi từ cảng Marseilles. Nhưng vì lệnh của Giáo Hoàng nên ngài phải tốn thêm thì giờ qua Bồ Đào Nha trước, rồi xuất phát từ thủ đô Lisbon.
Đến Bồ Đào Nha, điều đáng nhớ nhất là vật giá rất rẻ, kể cả hàng hiệu. Vào siêu thị mua nước, trái cây và những thứ lặt vặt, khi trả tiền, tôi cứ tưởng người ra tính lầm, phải hỏi lại! Ngay cả những địa điểm chuyên đón tiếp du khách, giá cả cũng vẫn rất rẻ, nghĩa là không phải vì biết mình là du khách mà người ta tăng giá! Cá sardine nướng là một trong những thứ nổi tiếng ở đây, bán trong tiệm ăn và ngay cả trên hè phố. Những loại seafood khác cũng nên thử cho biết vì rẻ hơn nhiều so với đồ biển của các tiệm Tàu tại Toronto!
Tại phi trường Lisbon chúng tôi thuê xe chạy vào Fatima. Khung cảnh Fatima trầm lắng, trang nghiêm, không phồn thịnh như Lộ Đức (Lourdes) bên Pháp. Nói chung là ít chất thương mại hơn, đúng nghĩa là đất hành hương để tĩnh tâm. Những cửa hàng bán ảnh tượng và đồ lưu niệm cũng có khá nhiều, nhưng nằm trên một con phố nhỏ bên ngoài. Khi đã đặt chân vào trên khuôn viên thánh địa thì không khí hoàn toàn vắng lặng, thậm chí người qua lại không ai nói chuyện và gây ồn ào nữa. Lần đầu đến Fatima, cách đây hơn 10 năm, tôi chỉ ở lại có một ngày rồi quay về Paris.
Lần thứ hai tôi trở lại Fatima mới đây thôi, giữa tháng 4 năm nay, nghĩa là cách đây 4 tháng. Vợ chồng tôi đi chung với một nhóm khá đông nghệ sĩ như Kỳ Duyên, Ngọc Anh, Trịnh Hội, Minh Tuyết, Đan Nguyên, Mai Thiên Vân cùng ban nhạc Hoàng Thi Thi, Trung Nghĩa, Peter và Hoàng Công Luận. Chuyến này chủ đích chúng tôi là hành hương để kỷ niệm 100 năm Fatima. Chúng tôi đi tháng 4 vì biết từ tháng 5 đến tháng 10, số người Công Giáo trên toàn cầu sẽ đổ về đây cả chục triệu, rất khó mướn khách sạn. Nhờ có người thân tại Paris đặt hotel cả năm trước, nên chúng tôi may mắn ở ngay trước đền thờ Fatima, ngày ngày chỉ việc đi bộ qua dự lễ hoặc cầu nguyện. Quảng trường trước cửa nhà thờ chính, như tôi vừa nói, rộng bao la, đủ sức chứa khoảng 1 triệu người đứng xem lễ. Vậy mà nhiều tín hữu thành khẩn đi bằng hai đầu gối từ ngoài cổng chính băng qua quảng trường vào tới nhà thờ! Cảnh tượng này tôi vẫn thường thấy ở những thánh địa như Rome, Lộ Đức và đền thánh St.Joseph tại Montreal.
Trong đoàn nghệ sĩ có nhiều người không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo, nên tôi kiêm nhiệm luôn công việc kể cho họ nghe diễn tiến câu chuyện Fatima 100 năm trước. Chủ trương của tôi là chỉ kể chuyện, không thuyết phục. Tôi thường thuật những gì đã thực sự xảy ra mà tài liệu còn ghi lại, không thêm bớt và nhất là không “giảng đạo” cho những người khác tôn giáo.
Nơi đây, quảng trường Fatima, chỗ chúng tôi đang đứng, 100 năm trước còn là một mảnh rừng thưa. Chính tại đây, trên ngọn đồi thấp gọi là Cova da Iria, một thôn nhỏ trong cùng Fatima, năm 1917, Đức Mẹ đã hiện ra với ba em chăn cừu là Lucia 10 tuổi và hai người em họ là Francisco 9 tuổi và Jacinta 7 tuổi. Cần nhắc lại, lúc ấy thế giới chiến thứ nhất đang diễn ra khốc liệt. Quan trọng hơn nữa, nước Nga đang biến thành Liên Bang Xô Viết, đặt nền móng đầu tiên cho chủ nghĩa Cộng sản vô thần, chống lại mọi tôn giáo, nhất là Công Giáo. Trong hoàn cảnh nhiễu nhương như thế, sự xuất hiện của Đức Mẹ tại Fatima mang một ý nghĩa rất sâu xa đối với 2 tỉ người Công Giáo trên toàn cầu.
Hôm ấy là chủ nhật 13 tháng 5 năm 1917. Tháng 5 là tháng của các loài hoa đua nở, là tháng dâng hoa kính Đức Mẹ. Sau khi ba em đi lễ về thì lùa đàn cừu ra khu rừng thưa như thường lệ. Bỗng có một luồng ánh sáng chói loà trên đầu. Các em tưởng là tia chớp, báo hiệu trời sắp mưa nên Lucia rủ hai em chuẩn bị đi về. Nhưng nhìn lên bầu trời thì không có dấu hiệu gì là trời sắp mưa. Rồi bỗng nhiên thấy trên cây sồi (oak) già, một thiếu nữ rất đẹp tuổi chỉ khoảng 16, mặc đồ trắng toát, sáng hơn mặt trời, tay cầm tràng hạt, toả hào quang rực rỡ chung quanh.
Nhìn thấy Đức Mẹ trên cây mà dĩ nhiên lúc đầu 3 em chưa biết là Đức Mẹ, cả 3 đứng chết lặng, á khẩu, và cùng chìm trong vùng ánh sáng bao la. Đức Mẹ dịu dàng cất tiếng nói để trấn an các em:
– Các con đừng sợ! Ta không làm gì các con đâu!
Đức Mẹ mỉm cười nhưng nét cười buồn. Tuy vậy nụ cười ấy đã giúp các em lấy lại phần nào sự điềm tĩnh.
Lucia lớn tuổi nhất, thu hết can đảm hỏi:
Đức Mẹ chỉ tay lên đám mây và đáp:
– Bà muốn chúng con làm gì?
– Ta yêu cầu các con, từ nay cứ ngày 13 mỗi tháng, cũng giờ này, các con đến đây gặp ta. Liên tục trong 6 tháng. Ta sẽ cho các con biết ta là ai và ta muốn gì.
Đó là lần đầu tiên ba em gặp Đức Mẹ. Chỉ có mình Lucia nói chuyện với Đức Mẹ, hai người kia tuy nghe được nhưng không nói gì. Đức Mẹ cho biết những ngày sắp tới các em sẽ phải hy sinh, sẽ gặp nhiều khổ đau. Rồi trước khi biến đi trong bóng mây sáng ngời, Đức Mẹ nói:
– Hãy lần hạt Mân Côi hằng ngày, để đem hòa bình cho thế giới và chấm dứt chiến tranh.
Lucia nhớ những lời ấy nhưng không có ý niệm gì về chiến tranh hay hòa bình vì đây là một vùng nhà quê hẻo lánh và an bình. Vốn là những đứa trẻ ngoan đạo, các em tin chắc là đó là Đức Mẹ Maria. Suốt ngày hôm đó các em bàn về người đàn bà đẹp và bảo nhau không nên kể chuyện này với người lớn. Cả ba đều đồng ý, nhưng buổi chiều trở về, cô bé Jacinta 7 tuổi nhịn không nổi, cô là người đầu tiên kể lại câu chuyện lạ cho mẹ mình nghe rồi nhấn mạnh:
– Mẹ ơi! Đức Mẹ dặn là phải lần hạt Mân Côi!
Nước Bồ Đào Nha gần như toàn dân đều theo đạo Công Giáo cho nên việc Đức Mẹ hiện ra không thể là câu chuyện đùa giỡn. Từ trong gia đình, câu chuyện ấy lan ra khắp làng. Đại đa số không ai tin. Người ra cật vấn rồi chế nhạo ba em. Bà Maria Rosa, mẹ của Lucia và cả ông bố đều bực bội vì con bịa đặt hoặc bị bệnh ảo giác. Ông bà càng bực bội hơn vì nhà đã nghèo mà hết người này tới người kia chạy lại hỏi thăm hỏi, không còn giờ để làm việc nhà.
Từ trong làng, tin đồn ba em chăn cừu gặp Đức Mẹ lan đi rất mau. Dĩ nhiên rất ít người tin. Họ cũng biết rõ cả ba em đều là những đứa trẻ chất phác, lại không biết chữ nghĩa thì làm sao có đủ trí khôn để chế ra những chuyện ghê gớm nhằm lường gạt thiên hạ. Nhưng đối với người Công Giáo, việc Đức Mẹ hiện ra là một hiện tượng siêu nhiên quá lớn, nên họ khó có thể tin được lời kể của các em. Đa số chỉ cho là các em bị quáng gà, bị ảo giác trong ánh nắng mặt trời mà thôi. Ba em nói nóng lòng chờ đợi ngày hẹn tháng tới. Ngày ngày đưa đàn cừu ra rừng, ba em thường quỳ dưới gốc cây nơi Đức Mẹ đã hiện ra, đọc kinh và lần chuỗi Mân Côi. Nhớ lời Đức Mẹ nói là phải hy sinh, các em không biết hy sinh thế nào nên đem hết phần ăn của mình ra cho đàn cừu ăn rồi nhịn đói cả ngày.
Ngày 13 tháng 6 gần kề. Các em rủ cha mẹ cùng đi với các em, nhưng chính cha mẹ các em lại ngăn cản. Vì hôm đó là lễ thánh Anthony, bổn mạng của giáo xứ. Đó là ngày hội lớn hằng năm, mọi người cùng đến nhà thờ tham dự thánh lễ rồi đi diễn hành ca hát trên con đường làng và cuối cùng ăn bữa tiệc tập thể rất hào hứng. Ba em nhỏ bỏ buổi lễ hội chính này là một sự hy sinh lớn lao rồi! Cuối cùng có khoảng 50 người theo ba em ra gốc cây sồi, đa số là trẻ em và những đứa bạn cùng rước lễ lần đầu với Lucia.
Đúng giờ hẹn, Đức Mẹ lại đến. Các em cảm động lắm. Ở lần gặp gỡ thứ hai này, Đức Mẹ nói riêng với Lucia một tin buồn: Chúa sẽ đưa Francisco và Jacinta về trời sớm. Còn Lucia sẽ ở lại lâu hơn vì Chúa muốn dùng Lucia để truyền rao các thông điệp của Chúa. Lucia hốt hoảng kêu lên:
– Thưa mẹ! Một mình con phải cô đơn ở lại thế gian này hay sao?
Đức Mẹ nói một câu rất quan trọng, không phải chỉ riêng với Lucia mà chắc chắn là cho cả nhân loại:
– Con không cô đơn! Trái tim mẹ sẽ là nơi nương náu của con và dẫn đưa con đến cùng Chúa.
Câu nói này của Đức Mẹ, hiện được khắc trên tấm bia dựng tại quảng trường Fatima.
Những người đi theo ba em hôm ấy, đứng hoặc quỳ chung quanh cây sồi, không nhìn thấy Đức Mẹ, cũng không nghe được lời đối thoại giữa Đức Mẹ và Lucia. Họ chỉ nghe vo ve như tiếng ong bay qua mà thôi. Vì vậy trong lòng họ tất nhiên vẫn nghi hoặc. Họ ra về, bàn cãi với nhau, người bênh người chống, và nhờ vậy tiếng đồn lại càng lan rộng hơn.
Đến tháng thứ 3 tức ngày 13 tháng 7 thì có đến 3000 người từ khắp nơi đổ về Fatima để chờ đợi chuyện lạ xảy ra. Và Đức Mẹ dĩ nhiên giữ lời hứa lại đến với ba em tại vị trí cũ. Ở lần gặp gỡ thứ ba này, Đức Mẹ cho Lucia biết một số điều bí mật mà sau này chúng ta gọi là “mệnh lệnh Fatima” nhưng dặn Lucia chưa được tiết lộ.
Mấy ngàn người hôm ấy đến vây quanh ba em, trở về đều thất vọng bởi có ai nhìn thấy gì đâu! Riêng các em thì vẫn xác quyết với họ là đã gặp Đức Mẹ. Linh mục sở tại gặp ba em, phân vân nghĩ rằng đó có lẽ là do quyền phép ma quỷ bởi Chúa cho Satan một số khả năng phi thường. Báo chí, các nhà khoa học, các học giả, thay phiên nhau chất vấn ba em và điều đó càng làm cho bà mẹ Lucia thêm giận đứa con gái bị bệnh hoang tưởng. Thậm chí có người lại cho rằng các em bị quỷ ám hoặc các em là phù thủy mà hễ là phù thủy thì sẽ bị thiêu sống.
Đáng nói nhất là ông thị trưởng Arthur Santos mới 26 tuổi. Ông thuộc Hội Tam Điểm, một phong trào đang lan rộng tại nhiều quốc gia lúc bây giờ. Nói về Hội Tam Điểm (Maconnerie) thì dài dòng và phức tạp lắm, chỉ xin tóm tắt: Hội này quy tụ nhiều nhân vật lỗi lạc và giàu có, mang tham vọng chi phối các chính quyền thế giới. Năm 1877 Hội Tam Điểm chính thức công bố điều lệ chối bỏ niềm tin vào Thượng Đế và chỉ tin vào quyền lực của chính mình. Bởi vậy khi nghe dư luận xôn xao trong địa hạt của mình về chuyện Đức Mẹ hiện ra, ông thị trưởng liền cho bắt cóc ba em, nhốt riêng và thẩm vấn từng em, bắt phải phủ nhận chuyện đó. Nhưng dĩ nhiên các em đã có niềm tin vào Đức Mẹ nên sẵn sàng chết vì đức tin, không thể chối bỏ được sự thật. Các linh mục, thậm chí Đức Giám Mục và các học giả cũng thay nhau chất vấn ba em, nhất là sau khi Lucia nói thật là Đức Mẹ cho em biết những điều bí mật mà em chưa được phép tiết lộ. Các em mệt nhoài vì những cuộc tra vấn gay gắt diễn ra không ngừng kèm theo những dọa nạt. Báo chí từ khắp nước đổ về tìm hiểu. Có người dị đoan đặt câu hỏi: Phải chăng cây sồi ấy có ma, và con ma ấy đã quyến rũ ba em? Nhưng cũng có ký giả phân tích cẩn trọng hơn. Họ thấy rõ cả ba em từ ngày được gặp Đức Mẹ, càng trở nên ngoan đạo hơn. Họ cũng thấy ba em dù bị thẩm vấn riêng rẽ, nhưng đều trả lời giống như nhau. Huống chi các em không biết đọc biết viết, đầu óc rất đơn giản, không thể bịa đặt được.
Ngày 13 tháng 8 thì cả nước Bồ Đào Nha đều đã biết tin hấp dẫn ở Fatima. Cả nước đều xôn xao bởi tất cả đều là người Công Giáo. Dù tin hay không, họ cũng hiếu kỳ kéo về hàng chục ngàn người. Nhưng họ vẫn chỉ nghe ba em kể lại sau khi các em gặp Đức Mẹ chứ chính bản thân họ thì không thấy gì cả! Vì vậy họ vẫn nửa tin nửa ngờ! Duy có điều khi họ được gặp trực tiếp ba em, nhìn những khuôn mặt ngây thơ và chân thành của ba em, niềm tin trong lòng họ tăng lên rất nhiều bởi họ thấy rõ ba em không thể là những đứa trẻ dối trá.
Ngày ngày đưa đàn cừu đi ăn, ba em thường quỳ dưới gốc cây nơi Đức Mẹ hiện ra, lần hạt Mân Côi như lời Đức Mẹ dạy. Tuy có niềm tin vững chắc vào Đức Mẹ, nhưng ba em phải trải qua những áp lực lớn lao từ trong nhà ra ngoài đường, nên chỉ biết cầu nguyện và an ủi lẫn nhau.
Ngày 13 tháng 9, cuộc hành hương từ khắp nơi đổ về Fatima ùn ùn như trẩy hội. Từ một hai hôm trước, người ta đã kéo đến, căng lều hoặc ở trọ người dân trong vùng, giống như Đại Hội Thánh Mẫu Missouri hằng năm ở Mỹ. Đặc biệt lần này, các linh mục, chủng sinh, tu sĩ nam nữ, tham gia rất đông đảo. Mọi con đường dẫn đến Fatima đều tắc nghẽn. Nhưng có một niềm vui là đại đa số dân chúng bắt đầu tin chuyện Đức Mẹ hiện ra là có thật, bởi vậy mọi người đều vừa đi vừa lần hạt Mân Côi theo yêu cầu của Đức Mẹ qua lời Lucia.
Gặp Đức Mẹ lần này, Lucia nóng ruột nói:
– Thưa Mẹ! Nhiều người cho rằng con đang lừa gạt họ. Họ đòi treo cổ hoặc thiêu sống chúng con. Xin Đức Mẹ làm một phép lạ để họ tin!
– Tháng tới tức là 13 tháng 10 mẹ sẽ làm phép lạ!
Lời hứa Đức Mẹ sẽ làm phép lạ vào tháng tới nhanh chóng loan ra trên cả nước. Khắp nơi nôn nóng chờ đợi. Báo chí từ thủ đô Lisbon và các thành phố khác đồng loạt đăng tải. Có tờ loan tin đứng đắn. Có tờ vẫn giễu cợt. Có tờ giữ thái độ chờ xem, không kết luận vội vã. Cho đến gần ngày 13, vẫn còn nhiều người hăm dọa gia đình ba em, nhất là Lucia. Họ nói thẳng với bà mẹ Lucia:
– Nếu không có phép lạ của Đức Mẹ ngày 13 tháng 10 sắp tới, thì cả nhà bà nên trốn đi, đừng để chúng tôi thấy mặt!
Bà Maria Rosa, mẹ của Lucia, đang buồn vì dân chúng kéo đến dẫm nát hết cả vườn rau nhà bà, nay lại thêm lời hăm dọa ấy làm bà càng chán nản. Ông bố cũng mắng con suốt ngày vì đã chế ra chuyện gặp Đức Mẹ. Cả cha xứ cũng khuyên Lucia nên tỉnh lại và thú nhận mình đã bịa đặt. Lucia chỉ biết khóc và quả quyết nói:
– Thưa cha! Con hoàn toàn tỉnh táo. Đức Mẹ dạy con làm sao thì con thưa lại với cha như vậy! Con không dám thêm bớt gì cả!
Tối ngày 12, cả nhà đã lên giường rồi thì bà Maria Rosa lật đật chui ra kéo con gái dậy và bảo:
– Mẹ con mình nên đi xưng tội! Bao nhiêu người đã nói với mẹ rằng họ sẽ giết cả nhà mình, sẽ đặt bom cho nổ tan tành nhà mình nếu ngày mai Đức Mẹ không làm phép lạ cho họ thấy! Con nên đi xưng tội, ăn năn hối cải và dọn mình chịu chết!
– Mẹ muốn con đi xưng tội với mẹ thì con đi, nhưng không phải về chuyện ấy. Con không sợ chết! Con tin chắc chắn rằng Đức Mẹ sẽ giữ lời hứa ngày mai.
Hôm sau, 13 tháng 10/1917, cảnh tượng chưa từng thấy trên khắp các nẻo đường dẫn về Fatima. Hai tờ báo lớn là O Dia và Seculo cùng mô tả như sau:
Người đi bộ, người cưỡi lừa, cưỡi ngựa, cưỡi trâu, xe bò, xe ngựa, xe hơi, xe đạp, mọi thứ phương tiện đều được tận dụng để đưa khách hành hương đến đón chờ phép lạ của Mẹ Maria. Đa số là đến từ ngày hôm trước để hy vọng chen chân vào gần chỗ Đức Mẹ hiện ra. Các cửa hàng quán xá, các tiệm buôn, các hãng xưởng đều đóng cửa vắng lặng vì người ta ùn ùn kéo nhau đi hết.
Mới sáng sớm ngày 13, bình minh vừa ló dạng, trời đã âm u, báo hiệu một ngày thời tiết xấu. Rồi đến khoảng 10 giờ thì mưa bắt đầu trút nước xuống.Trong khoảnh khắc, tất cả những con đường đất biến thành bùn lầy. Những chiếc váy dài của các bà các cô bây giờ ướt sũng, kéo lê trên mặt đường lầy lội. Gió vẫn thổi vù vù và đoàn người như thác lũ không còn nơi trú ẩn. Giáo sư Almaida Garrett, dạy đại học Coimbra University, có mặt hôm ấy, ước lượng số người là khoảng gần 100 ngàn. Báo chí thì đa số đều ghi nhận là trên dưới gần 70 ngàn. Trời mưa thì mặc trời mưa, đã đến đây rồi thì họ kiên trì ở lại, đứng dưới mưa, đồng thanh lần hạt Mân Côi.
Riêng gia đình Lucia thì sáng hôm ấy cả nhà đều khóc và đi theo đến địa điểm chờ đợi. Bà mẹ đi theo con vì bà tin chắc hôm nay là ngày cuối đời của con. Đức Mẹ không hiện ra và làm phép lạ thì họ sẽ giết con gái bà nên bà bảo con:
– Nếu con chết thì mẹ muốn chết theo con!
Ông bố cũng nói thế và mặc quần áo ra đi.
Giữa sự nôn nóng chờ đợi của rừng người, đúng 12 giờ trưa, Lucia kêu lớn:
– Xin mọi người im lặng! Đức Mẹ đang đến kìa!
Quả thực Đức Mẹ đã xuất hiện trên cây sồi mà cây sồi hôm nay đã được kết đầy hoa và những sợi ribbon rực rỡ chung quanh thân cây. Lucia chắp tay ngước nhìn Đức Mẹ và hỏi:
– Xin Mẹ cho con biết ý muốn của Mẹ?
– Ta muốn có một ngôi nhà nguyện ở đây để vinh danh ta là Đức Mẹ Mân Côi (Lady of The Rosary). Hãy lần hạt Mân Côi hằng ngày. Chiến tranh sẽ chấm dứt và người lính sẽ trở về nhà.
Quý độc giả chắc cũng biết hai chữ Mân Côi là cách phát âm từ tiếng Hán Việt nghĩa là Hoa Hồng (Rosa hoặc Rosary). Có nhiều nơi đọc là Môi Côi, Mai Côi hoặc Mai Khôi. Như vậy Đức Mẹ Fatima có tước hiệu là Đức Mẹ Mân Côi (Lady of The Rosary) bởi việc lần hạt Mân Côi được Mẹ nhắc đi nhắc lại đến ngày chót trước khi giã từ ba em mục đồng.
Đó là lần cuối cùng Đức Mẹ hiện ra với ba em nhỏ. Ngay sau đó, Đức Mẹ mở rộng hai bàn tay, những tia sáng chói lọi từ hai bàn tay Mẹ toả ra. Người bay bổng lên và những tia sáng ấy tập trung về phía mặt trời. Dân chúng không được nhìn thấy Đức Mẹ mà chỉ nôn nóng chờ đợi phép lạ. Bỗng Lucia kêu lớn:
– Mọi người hãy nhìn lên mặt trời!
Mọi người nhất loạt trông lên. Các trẻ em được nhìn thấy một cảnh tượng mà chúng chưa bao giờ dám mơ tưởng đến, đó là hình Thánh Gia gồm Thánh Giuse, Chúa Hài Đồng và Mẹ Maria. Thánh Giuse mặc áo trắng, một nửa ở trong mây, tay bồng chúa Hài Đồng mặc áo mầu đỏ được nhìn thấy toàn vẹn. Đức Mẹ thì đứng bên phải Mặt Trời, mặc áo choàng xanh phủ đầu và cái áo choàng ấy buông xuống quanh thân mình. Trước đám đông quỳ trước mặt, thánh Giuse đưa tay vẽ dấu hiệu Thánh Giá 3 lần như để chúc lành cho mọi người rồi toàn bộ hình ảnh ấy mờ dần đi.
Riêng người lớn thì được chứng kiến một phép lạ vĩ đại mà họ không thể hình dung nổi. Các ký giả hiện diện kể lại trên báo như sau:
Khoảng 1 giờ trưa thì trời bỗng tạnh mưa. Theo lời Lucia, chúng tôi nhìn thẳng lên mặt trời khổng lồ rực đỏ mà lạ lùng là không hề bị chói mắt. Mặt trời bỗng biến đổi, chiếu những tia sáng đủ hướng và đủ màu khác nhau, như sơn phết lên những bụi cây, tỏa trong không gian cũng như chan hòa trên đám đông. Điều kỳ diệu nhất là chúng tôi thấy mặt trời rất gần mà không hề làm nhức mắt chúng tôi. Mặt trời đang đứng yên, bỗng bất ngờ nhảy múa, quay vù vù và tưởng chừng như sắp rớt xuống đè lên chúng tôi. Cả một khối lửa vĩ đại ấy nếu rớt xuống thì không còn ai có thể sống được. Đó là giây phút kinh hãi nhất. Mọi người đồng loạt kêu rú lên:
– Chúng ta sắp chết hết rồi! Chết đến nơi rồi! Mặt trời sắp rơi xuống trên đầu chúng ta kìa!
Và họ làm dấu thánh giá, chắp tay thổn thức cầu xin Đức Mẹ cứu họ! Những tiếng khóc vang lên chen với tiếng cầu kinh của cả một rừng người.Mười phút sợ hãi qua đi, mặt trời trở lại vị trí cũ và đứng yên như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Đoàn người ồ lên thở phào, ngưng tiếng khóc để đổi sang lời cảm tạ và sám hối. Họ bịn rịn giải tán và càng ngạc nhiên hơn khi nhìn lại mình thì thấy quần áo mới lúc nãy còn ướt sũng, bây giờ đã khô hẳn. Họ kéo vào nhà thờ gần đó để đọc kinh cảm ơn Đức Mẹ, nhưng đã thấy chật ních người đang quỳ thành khẩn cầu nguyện và lần chuỗi. Từ ngày ấy người ta gọi đó là phép lạ Mặt Trời Nhảy Múa tại Fatima.
Cũng có những nhà trí thức đứng đắn, đặt câu hỏi: Biết đâu việc mặt trời nhảy múa ngày 13 tháng 10 năm 1917 tại Fatima chỉ là một hiện tượng khoa học giống như nhật thực hay nguyệt thực, làm sao dám kết luận ngay đó là phép lạ? Vâng! Chuyện ấy diễn ra trước mắt mấy chục ngàn người trong đó có đông đảo ký giả, giáo sư, các khoa học gia chứng kiến, và quan trọng hơn nữa là đã được Lucia báo trước, thế mà Tòa Thánh vẫn phải bỏ ra tới 13 năm điều tra rồi mới chính thức công nhận. Đó chính là sự cẩn trọng thường lệ của Giáo Hội.
Ngày nay, khi đến thánh địa Fatima, trước khi đặt chân vào quảng trường, du khách sẽ bắt gặp ngay những tấm hình ảnh chụp trắng đen được phóng rất lớn dựng ở cổng ra vào hoặc gắn trên tường các khách sạn gần đó. Đó chính là hình chụp ba em Lucia, Francisco và Jacinta, đứng hoặc quỳ chắp tay bên cây sồi. Bức hình chụp thứ hai quan trọng hơn cả một rừng người Bồ Đào Nha ngước lên nhìn mặt trời khi mặt trời đang nhảy múa trưa ngày 13 tháng 10 năm 1917.
Căn nhà gạch đỏ của gia đình Lucia cùng với căn nhà của gia đình Francisco, và Jacinta ngày nay vẫn còn giữ nguyên, mở cửa cho khách thập phương vào thăm viếng. Nhóm chúng tôi tất nhiên cũng xếp hàng cùng với bao nhiêu người hiếu kỳ khác, tò mò vô hẳn bên trong, nhìn khắp mọi ngõ ngách. Tất cả các dồ dùng như giường tủ, bàn ăn, bát chén, đều bày biện y như thuở trước. Hôm ghé vào căn nhà của Francisco, chúng tôi tình cờ gặp một phái đoàn hành hương từ San Jose. Đa số là người Mỹ, chỉ có khoảng 4 người Việt chạy lại chào chúng tôi.
Khi đặt chân vào quảng trường Fatima, sau khi nghe tôi kể chuyện, nghệ sĩ đã hỏi ngay:
– Cây sồi mà Đức Mẹ hiện ra 100 năm trước, chính xác là ở chỗ nào? Cây đó còn sống hay đã chết rồi?
Câu hỏi này tôi không trả lời được vì chả thấy sách vở nào nêu ra. Thấy bên cạnh nhà nguyện – nhà nguyện nhỏ bên cạnh thánh đường chính – có một cây sồi khá lớn, tôi đoán đó chính là nơi Đức Mẹ hiện ra, nhưng thật sự không phải. Tôi hỏi thăm mấy người chung quanh thì họ bảo cây sồi đó già quá, đã chết rồi, người ta trồng cây khác thay thế như một biểu tượng để du khách nhớ hình ảnh năm xưa!
Nhưng tôi chợt nghĩ: Tất cả những người mình gặp trên quảng trường, đều là du khách từ phương xa tới, nghĩa là đều như mình, thì thông tin làm sao chính xác được! Chỉ có người địa phương, cư trú lâu năm tại đây, mới có thể trả lời được câu hỏi đó. Nghĩ thế, tôi dự thánh lễ rồi chờ xong thánh lễ, chạy vào hỏi một vị linh mục lớn tuổi, hy vọng ngài ở đây lâu, sẽ tìm được câu trả lời cho tôi. Quả nhiên vị linh mục bảo tôi:
– Cây sồi không chết vì già! Ngay sau khi Đức Mẹ hiện ra lần cuối và làm phép lạ, những giáo dân sùng tín ở quanh vùng đã lẻn đến ban đêm và chặt mỗi người một nhánh đem về làm thánh giá! Ngày ấy Giáo Hội chưa chính thức công nhận nên chưa ai lo việc bảo quản cây sồi. Người ta đốn cành rồi cưa luôn thân cây và sau cũng đào cả rễ! Chỗ đó, bây giờ đã đổ nền lát gạch và xây nhà nguyện lên trên!
Những chuyện sau đó chắc chắn quý độc giả đều đã biết. Hội Tam Điểm ra ngay truyền đơn bài bác phép lạ, mặc dù chuyện xảy ra trước mắt ít nhất 70,000 người và quan trọng hơn nữa là phép lạ đã được Đức Mẹ báo trước. Nhưng không sao! Dân chúng Bồ Đào Nha đều bừng lên trong lòng niềm kính yêu Đức Mẹ sau biến cố lớn lao này.
Rồi Francisco và Jacinta được Chúa gọi về sớm như lời Đức Mẹ đã báo trước. Francisco 11 tuổi. Jacinta 10 tuổi. Đức Mẹ nói với Lucia:
– Mẹ sẽ đưa Francisco và Jacinta về trời sớm, còn con sẽ phải ở lại thế gian lâu hơn. Chúa Giêsu muốn dùng con để làm cho Mẹ được người ta nhận biết và yêu mến. Người muốn thiết lập lòng tôn Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ trên khắp thế giới.
Từ đó Lucia xin vào tu viện đem theo những mệnh lệnh của Đức Mẹ mà ta thường gọi là bí mật Fatima.
Đến giờ này cả ba điều gọi bí mật ấy đều đã được Giáo Hội công bố. Nói cho đúng thì chỉ có một bí mật nhưng chia làm ba phần:
1.Phần thứ nhất: Lucia được Đức Mẹ cho nhìn thấy hỏa ngục để nhắc nhở nhân loại ăn năn cầu nguyện, tránh tội lỗi.
2.Phần thứ hai là chuyện cụ thể nhất thế gian: Đức Mẹ loan báo Nước Nga sẽ trở lại và điều này đã ứng nghiệm. Đức Mẹ không nói là nước Nga sẽ được giải thoát khỏi chủ nghĩa Cộng Sản, mà bảo nước Nga sẽ trở lại, có nghĩa là thế giới tự do không giải phóng được Liên Xô, mà chính Liên Xô tự mình từ bỏ chủ nghĩa vô thần để trở lại thành nước Nga.
Đó là một phép mầu, một điều kỳ diệu hiếm hoi trong lịch sử nhân loại bởi làm gì có lãnh tụ nào đang cầm đầu một nước lớn, hay đúng hơn là cả một đế quốc Cộng Sản mà lại từ chức! Nhưng Chúa đã sắp đặt như thế cho nên mới có Đức Giáo Hoàng Gioan Phao lo đệ nhị gốc Ba Lan, mới có tổng thống Reagan và nhất là có Gorbachew nắm quyền ở Liên Xô. Ngày lễ Noel 25 tháng 12 năm 1991 ông rút lui kèm theo sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản. Đó là niềm vui lớn nhất của thế giới trong thế kỷ 20.
Bởi khi Đức Mẹ nói đến nước Nga thì không phải chỉ là riêng nước Nga mà là hệ thống Cộng Sản toàn cầu do Nga lãnh đạo. Các nước Cộng Sản tự ý từ bỏ chế độ chứng tỏ chủ nghĩa Cộng Sản là một sai lầm của lịch sử, cho nên nó không thể tồn tại được.
3.Phần thứ ba: Cốt lõi của hiện tượng Fatima nằm ở mệnh lệnh thứ ba mà mệnh lệnh này chỉ nhấn mạnh đến hai chữ “Sám Hối” mà Đức Mẹ yêu cầu nhân loại. Hai chữ này, Đức Mẹ cũng đã nhắc đến khi hiện ra với thánh nữ Bernadette ở Lộ Đức 59 năm trước, bây giờ Người nhắc lại một cách thống thiết hơn vì nhân loại càng ngày càng tội lỗi. Sơ Lucia ghi lại thị kiến mà sơ được nhìn thấy trước, có đoạn quan trọng nhất như sau:
“…Con thấy ở bên trái Đức Mẹ, đứng cao hơn một chút là một thiên thần tay trái cầm gươm mà lưỡi gươm ấy đang bốc cháy. Lửa từ thanh gươm bùng lên mạnh mẽ như muốn thiêu đốt thế gian, nhưng Đức Mẹ giơ bàn tay và những ánh quang rực rỡ từ bàn tay Đức Mẹ đã dập tắt ngọn lửa trên thánh gươm của thiên thần. Lập tức Thiên thần chỉ bàn tay phải xuống thế gian và kêu lớn ba lần: “Hãy ăn năn đền tội, hãy ăn năn đền tội, hãy ăn năn đền tội…”
Giáo Hội đã cắt nghĩa rất rõ ý nghĩa của đoạn này: Lửa từ lưỡi gươm của Thiên thần, tức là từ cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, toan thiêu đốt thế gian. Nhưng Đức Mẹ nhân từ đã ra tay ngăn lại. Để bù lại Người yêu cầu chúng ta phải ăn năn thống hối.
Sau đoạn mở đầu này, sơ Lucia viết tiếp về một thị kiến mơ hồ nhưng bi thảm mà sơ được nhìn thấy:
“Đức Giáo Hoàng dẫn đầu các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, đi qua một thành phố đổ nát xác người nằm rải rác khắp nơi, những người sống sót thì bước đi thất thểu. Đức Giáo Hoàng leo lên một ngọn núi dốc đứng. Khi lên tới đỉnh núi, ngài quỳ trước một cây thánh giá lớn thì bị đám lính bắn hàng loạt tên và đạn, ngài gục xuống chết cùng với tất cả những người đi theo ngài. Hai bên thánh giá có hai thiên thần, mỗi thiên thần cầm một bình nước thánh bằng pha lê để đựng máu các vị tử đạo. Và thiên thần vảy máu ấy lên các linh hồn đang tìm về với Chúa.”
Đó là tất cả những gì sơ Lucia đã công bố mà chúng ta thường gọi là mệnh lệnh Fatima thứ 3. Nhiều người đã thất vọng vì qua bao nhiêu năm tháng nóng lòng chờ đợi, cứ tưởng mệnh lệnh thứ 3 phải tiết lộ những gì ghê gớm và cụ thể hơn. Nhưng hoá ra chỉ có thế!
Mà như thế là quá đầy đủ rồi! Đức Mẹ chỉ yêu cầu một điều là muốn tránh sự trừng phạt của Thiên Chúa thì phải ăn năn thống hối, sống một đời sống đàng hoàng ngay thẳng. Nghe dễ nhưng không dễ gì thực hiện bởi con người vốn yếu đuối và hay quên!
Kỷ niệm 100 năm Fatima, tôi mạo muội ghi thuật lại câu chuyện cũ ở Bồ Đào Nha. Đối với người Công Giáo thì thông điệp Fatima được tóm gọn một cách minh bạch trong bài hát Lời Mẹ Nhắn Nhủ mà tôi chắc bất cứ người Công Giáo nào cũng thuộc làu. Chỉ có 3 điểm thôi:
Đối với quý độc giả không Công Giáo, nếu có đọc bài này, tôi hy vọng quý vị cứ coi đây như một tài liệu tham khảo, để biết qua về một hiện tượng siêu nhiên rất hiếm xảy ra mà người Công Giáo chúng tôi hết sức tin tưởng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét