Bài đăng nổi bật

Nghe 100 Truyện ngắn của Tràm Cà Mau

  Nghe 100 Truyen Ngan Cua Tram Ca Mau ( Tac gia không giữ bản quyền.) bấm mỗi dòng dưới đây để nghe một truyện: Tuoi Gia La Tuoi Sung Suong...

Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

Khi Mùa Giáng Sinh Ðến…Tác Giả: Nguyễn Thị Thanh Dương


Khi Mùa Giáng Sinh Ðến…

By   /  December 9, 2016  /  No Comments
Share     Print       Email
Tác Giả: Nguyễn Thị Thanh Dương
Ðã tới giờ đi ngủ, tôi dắt cu Bí lên giường. Tôi nằm cạnh nó, vỗ nhẹ vào lưng và kể một câu chuyện thần tiên giản dị, nhưng mãi nó vẫn chưa ngủ còn quay ra hỏi tôi:
– Bố sắp về chưa mẹ?
– Lúc chiều bố đã nói chuyện phone với con là một tuần nữa bố sẽ về rồi mà.
Trong ánh sáng mờ của ngọn đèn ngủ cu Bí giơ cả hai bàn tay lên xòe đủ mười ngón nhỏ xíu ra trước mặt tôi rồi hỏi:
– Một tuần nữa là mấy ngày? Mẹ đếm đi…
Tôi đếm từng ngón tay xinh của Bí:
– Ðây này, 1, 2,3,4,5,6,7. Tới ngày này bố sẽ về.
Cu Bí reo lên:
– Con thích qúa, Bố về với mẹ vói con để đi mua Christmas tree nhé?
– Ðúng vậy, mùa lễ Gíang Sinh này chúng ta sẽ có một Christmas tree đẹp ơi là đẹp như những năm trước. Bây giờ con hãy ngủ đi nhé.
Thằng bé sung sướng mỉm cười và khép mắt lại. Tôi tin rằng một giấc mơ đẹp đang đến với nó. Nhưng ngay trong giây phút này một giấc mơ buồn của tuổi thơ tôi hiện ra, khi vừa rồi tôi nhìn thấy con tôi xòe những ngón tay để đếm từng ngày đợi mong bố về sau một chuyến công tác xa nhà?
* * *
Tôi chỉ còn nhớ những hình ảnh mơ hồ không theo thứ tự kể từ khi tôi lên 7 tuổi, tôi thấy bố mẹ tôi thường xuyên cãi nhau và có khi đánh nhau, mẹ ném một cái gì đó vào bố và bố cũng ném lại vào mẹ. Những lúc đó tôi sợ hãi khóc ré lên, nhưng mặc cho tôi gào khóc bố mẹ vẫn tiếp tục cãi nhau.
Một lần, khi thấy tôi khóc mẹ đã tức giận tát túi bụi vào mặt tôi làm tôi sợ hãi thêm và nín khóc ngay, từ đó trở đi tôi không dám khóc nữa, mỗi lần bố mẹ bắt đầu to tiếng thì tôi len lén chui vào closet, đóng cửa lại, tôi tìm thấy nơi đó một sự trú ẩn bình an. Có hôm tôi ngủ quên trong đó, có hôm tôi chờ đợi sự im ắng thì chui ra, hoặc bố hoặc mẹ đã ra khỏi nhà. Tôi đã biết tự lo cho chính mình, mở tủ lạnh tìm đồ ăn, là một vài miếng cheese khô hay cái hotdog đã mở bọc nằm lăn lóc trong góc tủ. Vì sau trận cãi nhau chẳng ai ngó ngàng đến tôi, tôi cũng biết thân phận chẳng dám kêu réo hay đòi hỏi gì.
Rồi một ngày tôi thức dậy thì biết mình mất mẹ, bố tôi ngồi thừ người ở ghế. Mẹ tôi đã ra đi và bỏ tôi ở lại như một trong các món đồ cũ mẹ không cần dùng.
Bố tôi nói dửng dưng như thông báo một chuyện vừa xảy ra ở nhà hàng xóm:
– Mẹ đi rồi, từ nay con ở với bố.
Tôi oà lên khóc, có lẽ vì sợ hãi cô đơn hơn là thương nhớ mẹ, tôi rất ít khi nhận được sự chiều chuộng âu yếm nơi mẹ, thì giờ chính của mẹ ở nhà là uống bia, uống rượu như bố, rồi mẹ ngủ vùi hoặc đi ra ngoài vui chơi hay đánh bài bạc. Những bữa ăn của tôi thường là những lát bánh mì, gà chiên sẵn mua ở tiệm hay hotdog. Ðôi khi bố mẹ vui vẻ tôi được dẫn đi ăn nhà hàng, đó là những ngày hạnh phúc nhất đời tôi, vì được thấy bố mẹ thân thiện và được ăn đồ nóng sốt ngon lành. Tôi từng cầu mong những giây phút hạnh phúc đó kéo dài vô tận, nhưng thực tế thì quá ngắn ngủi, tôi không hiểu sao mới hôm qua họ còn cười nói, ôm hôn nhau, hôm sau họ đã cãi nhau, chửi nhau đầy vẻ hận thù. Tôi đã mong tôi lớn mau để hỏi bố hỏi mẹ điều này.
Bố để mặc tôi khóc một lúc rồi gắt:
– Thôi nín đi, không có mẹ cũng không sao.
– Tại sao mẹ bỏ đi? rồi mẹ ở nhà ai?
– Bố không biết!
 bố tôi trả lời cụt ngủn và lạnh lùng.
Tôi tưởng mẹ đi mấy ngày rồi trở về như vài lần trước, nhưng bố đã nói:
– Mẹ không bao giờ trở về đâu, bố sẽ gởi con cho baby sit để bố còn đi làm.
Từ ngày mẹ đi không còn ai để cãi nhau nên thì giờ của bố chỉ để uống rượu bia, hết uống với bạn bè ngoài đường về đến nhà lại uống. Tôi không chui vào closet để trốn nữa mà chỉ ngồi ru rú trong phòng coi ti vi một mình.
Bố gởi tôi cho một gia đình Việt Nam, sáng trước khi đi làm bố mang tôi đến, chiều về làm ghé vào đón tôi. Bác Kha trai làm việc cùng hãng với bố, bác Kha gái ở nhà trông con, họ có một đứa con gái bằng tuổi tôi tên Linh. Chính ở nơi đây tôi được ăn những bữa cơm ngon lành, được hưởng lây không khí gia đình ấm cúng, hai vợ chồng bác Kha không cãi nhau như bố mẹ tôi nên cái Linh ngạc nhiên khi nghe tôi kể phải trốn vào closet.
Vài tháng trôi qua, tôi thực sự yêu thích ngôi nhà êm ấm của bác Kha, nhưng một đôi lần bố không đón tôi đúng hẹn, bác Kha trai đã về đến nhà ăn xong bữa cơm chiều mà bố vẫn chưa đến, tôi đã thấy khi bác Kha trai về, nhà vui vẻ, rộn ràng hẳn lên, khi ấy Linh quên tôi, nó nhảy nhót lên lòng bố, kể chuỵện nọ kia, bác Kha gái vừa dọn cơm vừa nói chuyện vói chồng. Tôi như người thừa, bị bỏ rơi, cảm thấy tủi thân và ganh tị với Linh, chỉ mong mau chóng rời khỏi đây, dù chỉ là về nhà với bố ăn một cái bánh mì nguội kẹp hotdog và uống một ly sữa là xong bữa ăn chiều thường lệ.
Bố thường xuyên đón tôi trễ, tôi càng ngày càng mặc cảm, tủi thân với gia đình bác Kha, mỗi buổi chiều tôi đều ngó ra cửa sổ mong đợi bóng dáng bố đang từ ngoài sân bước vào, tôi vui khi thấy bố, tôi thất vọng khi bóng chiều ngả màu tối mà bố chưa đến. Thế là tôi lỉnh vào phòng trong vờ coi tivi để khỏi trông thấy cảnh Linh đang ríu rít bên bố mẹ nó.
Bác Kha gái hay nói với tôi như đùa và như thật:
– Bố cháu có bồ rồi, bố quên đón cháu rồi.
Tôi đã nhìn bác Kha với vẻ tức giận, bố có bồ chỉ là một ý nghĩ bố đang gần gũi một người nào đó, chứ tôi chẳng hiểu? bồ? là gì cả. Tôi không muốn tin điều bác Kha nói là sự thật.
Tôi hay khóc thút thít mỗi khi bố đón tôi trễ, đó là một sự phản đối, sự trách móc duy nhất tôi có thể làm, vì nếu tôi nói lên một điều gì đó sẽ bị cắt ngang ngay bằng lời gắt gỏng của bố, cho đến khi ăn xong bữa tối với bố ai về phòng nấy tôi lại khóc tiếp trong đống chăn gối quấn quanh tôi và ngủ thiếp đi.
Dù nhà bác Kha vẫn có những bữa cơm trưa ngon lành, vẫn là cảnh gia đình ấm cúng, nhưng tôi biết những cảnh đó không thuộc về tôi, tôi vẫn chỉ là đứa trẻ đứng bên ngoài, tôi càng ngày càng ganh ghét với Linh, tôi không thích đến nhà bác Kha nữa, dù ở nhà tôi cũng có gì vui đâu!
Một chiều đi làm về, bố sửa soạn quần áo của bố và tôi vào hai cái valy. Tôi lẩn quẩn bên chân bố và luôn miệng hỏi:
– Chúng ta sẽ đi xa hở bố?
– Ừ, chúng ta sẽ về Texas thăm bà nội và cô Nga.
Tôi ngạc nhiên lẫn tò mò:
– Con không biết là mình có bà nội và cô Nga, con tưởng rằng trên cõi đời này nhà mình chỉ có bố, mẹ và con.
Bố tôi cười buồn:
– Ai cũng có họ hàng gần xa chứ, con có cả ông bà ngoại, nhưng họ đã từ bỏ mẹ con, nên họ chẳng bao giờ biết đến con đâu, còn bên nội con có bà nội và cô Nga, nhưng bố ít khi về thăm họ. Thôi, mai bố sẽ đưa con về.
Ðêm ấy tôi đã ngủ với một giấc mơ thật đẹp, hai bố con tôi về một vùng đất xa xôi nào đó bên Texas, tôi sẽ có bà nội có cô Nga, mọi người sẽ sống gần nhau chắc là vui lắm. Dù tôi đã mơ thế, nhưng lần đầu gặp bà nội và cô Nga tôi vẫn rụt rè xa lạ. Tôi luôn nắm lấy áo bố hay bàn tay bố trong khi bà và cô quấn quýt hỏi han bố đủ thứ, rồi bà và cô đều khóc, không biết họ hờn trách hay sung sướng khi gặp bố?
Xong bà nội ôm tôi vào lòng, bà ngắm nghía, vuốt ve từng lọn tóc, từng bàn tay tôi, bà bảo tôi con gái mà giống cha như đúc. Bà hôn lên má tôi, tôi cảm nhận được tình thương bà dành cho tôi, cả cô Nga cũng thế, cô trìu mến chăm sóc tôi, nên tôi bớt thấy xa lạ và quen dần với họ.
Hai ngày sau, tôi thấy bố sắp quần áo vào valy, tôi lo âu hỏi:
– Chúng ta lại về chốn cũ hở bố?
– Chỉ mình bố về thôi, con ở lại đây.

Tôi càng lo sợ hơn, tôi nói mà sắp khóc:
– Bố đừng đi, con muốn ở với bố.
– Bà nội và cô Nga thương con, con đừng sợ.
 Bố khuyên tôi thế.
– Nhưng con không muốn xa bố. Tại sao chúng ta không sống như thế này mãi?
– Bố phải về đi làm để có tiền nuôi con chứ.
Bà nội tôi nước mắt ràn rụa cầm lấy tay bố tôi:
– Con cuả con mới 7 tuổi còn bé bỏng, nó đã không có mẹ chỉ còn cha thôi, hãy vì nó mà ở lại, công việc lao động của con ở đâu mà chẳng có, mấy năm nay mẹ cũng không được gần con, đừng đi đâu nữa.
Cô Nga cũng khóc theo và nói:
– Anh hãy ở lại đây, mẹ và em sẽ đỡ đần anh để cùng lo cho cháu.
Nhưng những giọt nước mắt chẳng làm bố tôi thay đổi. Mới 2 ngày ở với bà và cô, dù tôi đang cảm thấy thân thương, nhưng bố vẫn là người gần tôi nhất. Tôi đã quen thuộc với bố từng lúc vui buồn, những lần giận dữ, từng câu nói giọng cười, từng bữa ăn ngon hiếm hoi, từng ngày dài bị bỏ đói.
Tôi vui khi ở với bà nội, cô Nga, nhưng tôi vẫn không muốn xa bố, hình như tình máu mủ ruột thịt làm tôi hiểu bố là người thân nhất, là nơi tôi cần nương tựa nhất. Tôi ôm chầm lấy bố gào lên:
– Con không cho bố đi! Con không cho bố đi!
Bố hất mạnh tay tôi ra, tôi ngã lăn quay trên nền nhà. Bố thương hại đỡ tôi dậy, giọng dịu lại:
– Rồi bố sẽ về thăm con, bố hứa sẽ về thăm con.
Tôi nghẹn ngào hỏi:
– Bao giờ bố về?
Bố nhìn lên tờ lịch trên tường:
– Bây giờ là tháng Mười, hai tháng nữa bố sẽ về, vào ngày Christmas, con thích ngày lễ Giáng Sinh lắm mà, nhất định bố sẽ về?
Tôi đã xoè tất cả những ngón tay của mình ra và hỏi:
– Hai tháng là bao nhiêu ngày? Có lâu không? Con sẽ đếm bằng những ngón tay này
– Là 60 ngày, mau lắm. Bố sẽ mang về một Christmas tree để trang hoàng cho con xem, chịu không?
Mùa Giáng Sinh năm qua tôi đã say mê thích thú khi được ngắm những cây thông trang hoàng rực rỡ trong những cửa tiệm hay trên đường phố, đôi mắt trẻ thơ của tôi đã mở to ra như muốn mang tất cả những hình ảnh lung linh huyền diệu đó vào trong tâm hồn. Với đầu óc còn non nớt nhưng tôi vẫn cảm biết hình như tôi chưa bao giờ có một cây Giáng Sinh trong nhà khi mùa lễ đến và bố mẹ tôi chưa bao giờ mua sắm qùa Giáng Sinh cho tôi. Tất cả tôi chỉ nghe trong truyện hay gặp trong những giấc mơ.
Tôi vừa chùi nước mắt vừa mỉm cười hi vọng:
– Bố nhớ nhé, rồi chúng ta sẽ có một cây Christmas, con sẽ phụ bố để treo đèn. Bố ơi, có phải là đêm Giáng Sinh ông già Noen sẽ chui từ ống khói để vào nhà và cho quà trẻ con để dưới gốc cây thông không?
– Có đấy, nhưng bây giờ con phải ngoan để cho bố đi.

Tôi vẫn níu kéo bố:
– Nhưng bố ơi, bố có mua qùa Giáng Sinh tặng con không?
– Có chứ, nhưng bây giờ con phải ngoan để cho bố đi.
Tôi lại chùi nước mắt lần nữa để cho bố vui lòng, vì lời hứa hẹn trở về của bố vào mùa lễ Giáng Sinh với cây thông xinh đẹp.
– Vâng, bố xem này, con không khóc nữa đâu.
Vậy mà chỉ mười phút sau khi bố vừa xách valy đi ra cửa tôi bỗng cảm thấy hụt hẫng và sợ hãi trở lại, tôi chạy theo bố nước mắt lại rơi ra:
– Bố ơi! đừng đi…
– Vào nhà với bà nội đi. Bố tôi gắt
– 60 ngày nữa bố về nhé?
– Ừ, bố hứa rồi mà.

Tôi vẫn không muốn rời bố:
– Nhưng?. nhưng?. nếu bố quên, làm sao con nhắc bố được? Bố cho con số điện thoại của bố đi…
Bị níu kéo bố tôi bực mình đặt valy xuống đất, rút túi xé một mảnh giấy trắng nhỏ bằng bàn tay viết vội vài con số rồi đưa cho tôi:
– Số điện thoại đây, thôi để bố đi.
Tôi nắm chặt tờ giấy như nắm chặt một báu vật, làm như tờ giấy mất thì tôi mất luôn cả bố. Bà nội đã ôm tôi cả hai bà cháu đều khóc.
Tối hôm ấy tôi hỏi bà nội: Bây giờ bố về đến nơi kia chưa? Bà nói rồi là tôi len lén vào phòng đóng cửa lại. Cầm phone lên tôi bấm đủ các số bố đã ghi trên mảnh giấy với lòng rạo rực được nghe thấy bố nói, nhưng không ai trả lời, cõi lòng mơ hồ thất vọng tôi nghĩ là bố đang trên đường trở về nhà hay bố đang ngủ nên không biết là tôi đã gọi.
Ngày mỗi ngày tôi đều lén vào phòng gọi phone cho bố nhưng chẳng lần nào được gặp bố, tôi xấu hổ sợ bà nội và vợ chồng cô Nga đọc thấy nỗi lòng mong đợi của tôi.
Tôi là đứa trẻ mỏng manh, yếu đuối, không đủ kiên nhẫn chờ đợi 60 ngày sau bố sẽ trở về.
Ngày nào tôi cũng hỏi bà nội còn bao nhiêu ngày nữa là Christmas, hình ảnh bố về với cây thông làm tôi náo nức.
Cho đến ngày cuối cùng thì cõi lòng tôi tan nát như một cái ly thuỷ tinh vừa bị đánh rơi trên nền gạch. Bố không về như đã hứa, chỉ có cây thông của vợ chồng cô Nga, cây thông to đẹp, được trang hoàng đủ màu sắc nhưng vẫn không làm tôi vui.
Tôi cảm thấy bị tổn thương, bị bỏ rơi. Bố đã quên tôi.
Tôi vẫn muốn liên lạc được với bố để nghe bố nói hay giải thích tại sao, miễn là tôi vẫn cảm thấy bố đang ở bên cạnh tôi. Tôi sợ mình đã không biết cách gọi phone, cuối cùng tôi đưa mảnh giấy ra nhờ bà nội và vợ chồng cô Nga gọi giùm, vẫn biệt tăm biệt tích, không biết bố ở đâu!
Bà nội thở dài:
– Cháu ơi, chắc bố cháu bận làm việc đấy. Thôi đừng gọi nữa, không Christmas này thì Christmas sau bố sẽ về.
Lòng tôi đã bớt náo nức chờ mong vì mùa sau xa xôi quá, 60 ngày qua tôi đã chờ đợi biết bao lâu! Tôi cũng không xoè cả hai bàn tay ra để đếm nữa, dù trong lòng vẫn hi vọng vào lời ước đoán của bà, nhưng mảnh giấy mà bố tôi xé vội để ghi số điện thoại tôi vẫn giữ kỹ, vẫn tin đó là nhịp cầu duy nhất để nối liền tôi với bố, để tôi có thể gặp bố.
Chẳng phải chỉ mình tôi mong bố về mà bà nội và cô Nga cũng mong. Nhưng đứa con hư của bà nội chẳng bao giờ trở về.
Mấy năm trời biệt tăm biệt tích, bà nội mới nhận được tin bố từ một người tình khác của bố, họ báo tin bố tôi đã chết vì trúng gió, họ chỉ nói đơn giản thế.
Năm ấy tôi mới 10 tuổi, về sau tôi càng lớn càng biết nhiều về bố do bà nội và cô Nga kể lại.
Bà nội chỉ có hai người con là bố và cô Nga, vì bố là con trai nên bà nội rất cưng chiều, bố chẳng lo học hành chỉ rong chơi cho tới lớn, rượu chè, cờ bạc và bồ bịch với đủ hạng người. Bố ăn ở với một cô gái dân chơi bụi đời, bà nội ngăn cản không được đành chịu thua số mệnh, bố mang người yêu đi sống ở một phương trời khác và từ đó chẳng hề liên lạc với bà nội cho tới ngày mang tôi về.
Tôi quả là một đứa trẻ bất hạnh khi có cả cha lẫn mẹ đều hư hỏng, nhưng tôi may mắn có bà nội và vợ chồng cô Nga.
Tôi đã xé nát mảnh giấy năm xưa có ghi số điện thoại của bố, mảnh giấy tôi đã giữ kỹ suốt 3 năm trời. Ðó chỉ là một sự lừa dối khủng khiếp và tàn nhẫn, những con số điện thoại đó không có thật, do bố bịa đặt ra, những lời hứa hẹn ngon ngọt chỉ để làm xiêu lòng một đứa trẻ lên 7, để bố được thoải mái ra đi sống theo con đường của mình.
Theo lời chỉ dạy của bà nội, của vợ chồng cô Nga, tôi đã chăm chỉ học hành. Tôi nhận thấy đây là mái ấm gia đình của tôi, vợ chồng cô Nga đã liên tiếp có 2 đứa con, dù chúng cách tuổi tôi khá xa nhưng chúng tôi vẫn thương yêu gắn bó nhau như chị em ruột. Mỗi khi rảnh tôi hay ôm bà nội, thủ thỉ:
– Bà ơi, sau này cháu sẽ đi làm nuôi bà, cháu sẽ làm ra nhiều tiền để cho bà sung sướng.
Bà nội vuốt đầu tôi, âu yếm:
– Bà chỉ mong mỗi một điều được thấy cháu ăn học nên người không hư hỏng như bố cháu thì chết bà cũng vui.
Bà đã đạt được ước nguyện đó và còn chứng kiến ngày tôi lên xe hoa với một người chồng hiền lành tử tế, anh đến với tôi bằng tình yêu và được cả gia đình tôi hài lòng tin tưởng, Bà nội tôi từ trần khi con tôi vừa một tuổi, trên gương mặt bà giây phút cuối còn hiện lên vẻ thanh thản mãn nguyện.
* * * * * *
Cây thông tươi xanh được trang hoàng thật đẹp, những đèn đủ màu sắc, những sợi dây kim tuyến lấp lánh, và những tấm thiệp hớn hở treo đầy cành. Vợ chồng tôi đều thích chưng cây thông tươi vào mỗi mùa lễ Giáng Sinh như mang cả thiên nhiên vào căn nhà ấm cúng khi ngoài trời gió lạnh đầy. Có lẽ đây là cây Christmas mà thuở lên 7 tôi đã mong mỏi đợi chờ nơi bố thì bây giờ tôi mang niềm vui và hạnh phúc đó cho con tôi, những gì mà khi xưa tôi không có tôi đều bù đắp cho con nhiều lên.
Con tôi đâu hiểu rằng nó đang sống giùm tôi một quãng đời tuổi thơ thiếu thốn và mơ ước khát khao.
Ðêm Chúa Giáng Sinh hai vợ chồng và con tôi quây quần bên gốc cây thông để mở những gói quà xinh đẹp, Tôi đọc thấy trong mắt con tôi cả một khoảng trời xanh ngây thơ và hạnh phúc, lòng tôi rạt rào niềm vui, niềm hãnh diện.
Nhưng tôi vẫn không bao giờ quên quá khứ của tôi, không phải để oán trách bố mẹ, mà để thương cho những cảnh ngộ trẻ thơ như tôi. Có biết bao đứa trẻ đã bị ghẻ lạnh, bị bỏ rơi trong những ngày lễ tết cuối năm đầy màu sắc tươi vui và nhộn nhịp này!!
Khi treo những cánh thiệp mang đầy lời cầu chúc, lời ước nguyện tốt lành trên cành cây Christmas tôi đã nghĩ đến chúng.
Nguyễn Thị Thanh Dương

 OOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOOO



 
|
Today, 09:34
You;
Ngoc Thach Truong (hp.tntruong@gmail.com);

TRI - NHAN - DUNG - THANH
www.tdhctct.com


CHUYỆN TÌNH ĐÊM GIAO THỪA 

Hồi ức của Nguyễn Thanh Phong

       (Đây là hồi ức của tôi ghi lại “Chuyện tình đêm giao thừa giữa thế kỷ 20″ vào đêm 30 tháng Chạp năm Kỷ Sửu 1949, ngày Dương lịch là 16 tháng 2 năm 1950).

       Một nén hương lòng kính dâng hương hồn L.T.T., một Trinh nữ kiều diễm, đài các, giàu sang và trí thức, đã vô tình trải thảm nhung cho tôi êm ái bước vào một cuộc tình đầy hoa mộng, nhưng là cuộc tình hoàn toàn thanh cao và trinh bạch….

***********

     Tôi biết yêu vào tuổi mười sáu, nhiều lúc ngẫm nghĩ, không biết với tuổi tròn trăng biết yêu là sớm quá không? Sau nầy, qua sách vở, tôi mới biết có một thi sĩ biết yêu vào tuổi mười ba, đó là thi sĩ Hoàng Cầm.
H.C.sanh năm 1922, tên thật là Bùi Tằng Việt, quán thôn Lạc Thổ, xã Sông Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Bài thơ“Lá Diêu Bông” sáng tác vào khoảng năm 1959 trong loại hồi ức những kỷ niệm xưa với một người con gái lớn  hơn ông tám tuổi mà ông gọi là chị, mà sóng đời tình cờ đưa đẩy nàng về sống ở quê Bắc Ninh của ông. Cái tình ngây thơ được H.C. mô tả rất sống động và rất thực. Cậu bé thương cô gái lớn tuổi bằng một mối tình đơn phương và chân phương. Cô gái có thể biết, nhưng giả vờ không biết, vì biết rằng không thể kết hợp được. Tuy ở tuổi 14, 15, tâm hồn như trang giấy trắng, nhưng cô đa tình, đa cảm và cũng giàu tưởng tượng, nên mới đặt ra cái trò thách đố đi tìm một loài lá tưởng tượng là “Lá Diêu Bông”. Cái khó ấy là để thử lòng cậu bé coi cô là thần tượng. Có điều cô không ngờ, thế mà có một cậu bé tin là thật đi tìm cho được Lá Diêu Bông, và trọn đời bị ám ảnh bởi chiếc lá “Huyền thoại” nầy. Lá Diêu Bông từ đó tiêu biểu cho một thứ tình yêu ngây thơ nhất, câm nín nhất và cũng chung thủy nhất,(tài liệu Hoàng Yên Lưu)
LÁ DIÊU BÔNG
                  Hoàng Cầm (1959)

Váy Đinh Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
Cuống rạ…
Chị bảo :
– Đứa nào tìm được lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng
Hai ngày sau
Em tìm thấy lá
Chị chau mày
– Đâu phải lá Diêu Bông
Muà Đông sau
Em tìm thấy lá
Chị lắc đầu
Trông nắng vãn bên sông
Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười
Xe chỉ ấm trôn kim
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xòe tay phủ mặt
Chị không nhìn
Từ thuở ấy…
Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
– Diêu Bông hời
Ới ! Diêu Bông…!!!

     Bài thơ nầy đuợc phổ nhạc “Sao em nỡ vội lấy chồng”.

Theo tiểu sử, H.C. sanh năm 1922, biết yêu vào năm 13 tuổi tức năm 1935, mải đến 24 năm sau, ông mới thố lộ tâm tình qua bài thơ trên. Còn tôi, chuyện tình của tôi giữ kín trên nửa thế kỷ, tôi mới thố lộ tâm tình, vì hiện giờ nàng đã vĩnh viễn lìa xa trần thế hơn 4 tháng nay. Chuyện tình giữa tôi và nàng rất âm thầm kín đáo, chỉ có 3 người được biết, nhưng các nguời ấy vẫn giữ kín và cũng không bao giờ hạch sách tôi, sự kiện nầy khiến tôi rất đổi ngạc nhiên, vì 3 người ấy là Bà Nội và Ba Má tôi.

Như tựa đề, câu chuyện chỉ là hồi ức, vì vậy tôi không dài dòng đưa thêm vào những đoạn đời ít liên quan đến tiêu chí. Gia đình tôi trú quán tại làng Tân Vĩnh Hòa, tỉnh Sađéc. Năm 1947, Ba tôi rời gia đình lên Saigon tìm theo vết chân một người tình mà chứng nhân lịch sử đến nay vẫn còn hiện hữu, nên tôi xin miễn nêu tên hầu tránh làm thương tổn đến hương hồn của Ba tôi, và làm vẩn đục danh giá của người tình ở tuổi xế chiều.

Cuối niên học năm 1948, tôi thi đỗ bằng Sơ học, còn gọi là bằng C.E.P.C.I., tôi phải lên Saigon ở với Ba tôi để tiếp tục vào trường Trung học. Kịp lúc nhân duyên giữa Ba tôi và người tình cũ đã đi vào đoạn kết, Ba tôi mướn một căn nhà – nói là căn nhà cho ra vẻ – thực ra nó chỉ là một nhà chứa củi, chiều dài lối 4 mét rưỡi và chiều ngang lối 2 mét rưỡi, xung quanh là vách ván ọp ẹp chỉ cao khoảng 1 mét rưỡi, đứng trong nhà có thể nhìn bao quát bên ngoài. Nhà ngăn ra bởi một tấm vách chia ra 2 phòng, phía trước Ba tôi đặt chiếc ghế bố là nơi nghỉ ngơi của Ba tôi. Phần trong buồng, lót 1 chiếc chõng bằng tre là nơi tôi ngủ. Một cánh cửa sau thông ra nhà bếp lợp lá, rộng vừa đủ đặt một cái bàn nhỏ, trên để 2 hỏa lò dùng nấu ăn.
Từ ngày lên chung sống với Ba, tôi trở thành người nội trợ đắc lực và đảm đang, nào vừa học, vừa đi chợ, nấu ăn, chẻ củi, xách nước giếng, giặt gỵa, thời gian rảnh rỗi của tôi dường như biến mất. Mỗi sáng, sau khi Ba tôi đạp xe đi làm, tôi phải ăn một bát cơm nguội còn dư chiều hôm trước, rồi đạp xe đến trường, đoạn đường từ Bà Chiểu (Gia Định) ra đến trường dài ngót 5 cây số. Buổi trưa tôi phải nhịn đói, để rồi buổi chiều tan học, tôi phải bươn chãi ra chợ mua thức ăn về nhà nấu đợi Ba đi làm về ăn.
Dòng đời vẫn âm thầm đều đặn trôi chảy với tâm trạng bi quan, nhưng tôi không bao giờ than vãn, vẫn một lòng kính mến người cha và lo làm tròn bổn phận đứa con hiếu thảo. Lúc bấy giờ, nền hành chánh còn thuộc người Pháp điều hành, vì nước Việt Nam còn thuộc quyền đô hộ của Pháp. Ba tôi là công chức làm việc tại sở Trường Tiền còn gọi là Travaux Publics, sau nầy đổi lại là Công Chánh. Là công chức, nên chánh phủ Pháp ưu đãi đến đời sống, nào cấp thẻ mua lương thực, vải vóc với giá chánh thức. Thị trường lúc bấy giờ có 2 giá : 1 giá trợ cấp và 1 giá chợ đen, còn gọi là “Marché noir”. Ba tôi được cấp 1 thẻ mua bánh mì, mỗi ngày 1 ổ rưỡi, do lò bánh mì người Pháp làm, hiệu Poitou rất ngon. Ba tôi giao thẻ nầy cho tôi, để mỗi buổi sáng sớm, đạp xe ra mua rồi đem đến một tiệm café bán lại kiếm lời được 5 đồng. Ba cho tôi để đi học ăn quà, nhưng với điều kiện là phải mua sữa bò pha café cho Ba tôi uống mỗi sáng.
Ngày nắng gió, đêm trăng sao, vu trụ vẫn đều đều tiếp diễn theo chu trình của năm tháng.Với cuộc sống tựa hồ kẻ yếm thế, thật ra, nhiều lúc nằm một mình ở nhà, giữa khoảng không gian trống vắng, tôi cảm nhận mình đang lạc loài giữa dòng đời nghiệt ngã. Từ thuở còn thơ, sống chung với mái gia đình, nay ôm vào lòng nỗi buồn xa quê hương, nơi còn một mẹ già với bầy em thơ dại!!!.
Tưởng rằng cái buồn chán vẫn mải đeo đuổi, bỗng một hôm, Ba bảo tôi sửa soạn để Ba đưa đi thăm gia đình một người thân, nhà tọa lạc gần cổng vườn Tao Đàn hướng ra đường Verdun, nay là Lê Văn Duyệt. Lần đầu đến nhà người lạ, tôi rất bỡ ngỡ, mà Ba giới thiệu là bà con. Trong nhà ngoài người giúp việc, còn lại chỉ có hai mẹ con mà thôi. Và cái người mẹ Ba tôi gọi bằng “Bà”, còn cô con gái, Ba tôi gọi bằng “Dì”, tuy rằng tuổi nàng chỉ mới hai mươi mốt.
Sau lần diện kiến với gia đình nầy, nhứt là người con gái tôi phải gọi bằng “Bà”, tôi suy nghĩ mãi sợi dây liên hệ bà con giữa 2 gia đình, mà đến nay, trải qua suốt trên năm mươi lần Xuân hồng Hạ trắng, tôi cũng chưa truy ra nguồn gốc thân tộc nầy. Mẹ nàng tôi gọi bằng “Bà Sáu”, còn nàng tôi gọi bằng “Bà Hai”, Nàng mồ côi cha, và khi lọt lòng mẹ, nàng mới được 7 tháng. Vì thế, thể trạng nàng trông có vẻ yếu ớt, nhưng cái yếu ấy không hẳn là cái yếu của người bệnh, mà cái yếu trong dáng vẻ một tiểu thơ đài các, sống trên nhung lụa của một gia đình thượng lưu.
Mẹ nàng trông bệ vệ như mệnh phụ, nghe nói bà có chồng là quan đốc học có quốc tịch Pháp tên Coulet, nên danh xưng của bà là bà Đốc Lê. Còn nàng là cựu nữ sinh trường Marie Curie, một trường Pháp dành cho con cháu của người Pháp theo học. Tuy tuổi hai mươi mốt, nhưng nàng là con người tháo vát, có óc chỉ huy, mọi việc trong nhà đều do một tay nàng quán xuyến. Nàng có nét đẹp dịu hiền, dáng đi khoan thai, giọng nói thanh thoát, êm ái như ru hồn người vào mộng. Trông nàng quý phái lắm, vẻ ra con người có cốt cách một vị công chúa Tây phương.

Kể từ khi được biết gia đình nàng, mỗi ngày tôi đều đến nhà buổi trưa để nghỉ, chứ không về cái nhà chứa củi thê lương ảm đạm ấy. Và với thời gian gần gũi, nàng tỏ ra thân mật, hay gợi chuyện để cho tôi bớt vẻ rụt rè. Biết buổi trưa tôi phải nhịn đói, nàng bảo tôi phải đến nhà ăn cơm. Ban đầu còn ngại ngùng, nhưng với sự ân cần, sốt sắng của nàng, tôi dần dần trở nên là một thành viên tin cẩn của gia đình nàng.
Thói thường, hễ ăn cơm vua thì vùa việc nước, tôi ăn nghỉ ở nhà nàng, nên tôi tự mình kiếm những việc làm, như quét dọn, lau chùi, hoặc giúp nàng tươm tất những việc gì nàng nhờ đến. Nhà nàng, và đa số các nhà kế cận, tường nhà thường đóng bằng ván gỗ, luôn cả trên trần nhà cũng vậy. Có một hôm tôi nhìn lên trần, thấy mấy cọng cỏ rác nhô ra, tôi vội bắt thang leo lên để xem thử. Ôi, thật không ngờ, trên ấy chứa cả gần hết khung trần bằng cỏ và cành khô, do bầy sáo tha về làm tổ. Tôi bèn đem giỏ tre lên hốt đống rác đó, từng hồi đến dọn sạch hết. Vì việc làm nầy mà cả nhà, nhứt là nàng rất thương tôi, và nói rằng, tôi là đứa bé rất tháo vát, kỹ lưỡng và siêng năng.
Ở lâu mới biết tánh người, gia đình nàng rất kỹ lưỡng, sạch sẻ và ngăn nắp. Áo, khăn, quần, đều phải giặt riêng mỗi thứ. Thậm chí, sợi dây lưng quần cũng phải rút ra đem giặt riêng, rồi ủi thẳng, ghim một cây kim tây vào, treo trong ngăn tủ, mỗi lần mặc thì luồn vào quần. Kỹ đến độ – nói ra không phải tò mò – tôi chưa hề nhìn thấy chiếc quần lót phơi chung trên dây cùng với quần áo, mà người làm công phải đem vào một góc khuất trong phòng tắm để phơi.
Thời gian dài chung sống với gia đình nàng, tôi trở nên quen thuộc. Nàng thường vò đầu tôi mỗi khi tôi thốt một lời nói ngu ngơ, thế rồi nàng cười, nụ cười hồn nhiên, như ẩn một vẻ trìu mến. Nàng gọi tôi là “Bé Ba” và nàng bảo tôi gọi nàng bằng “Cô”, vì kêu bằng “Bà” nghe có vẻ…già quá. Mà thực như vậy, nàng chỉ lớn hơn tôi 5 tuổi, nếu đứng trước một vị khách nào mà nghe tôi gọi nàng bằng “Bà”, trông có vẻ hơi khôi hài, vậy gọi nàng bằng “Cô”, có lẽ thanh và trẻ trung hơn.
Nàng rất thông thạo tiếng Pháp, và bạn nàng thỉnh thoảng đến chơi, đều đàm thoại bằng ngôn ngữ ấy. Mỗi tuần vào thứ tư, tôi hay đi mua cho nàng một tạp chí “Nous deux” để nàng xem. Chủ trương tạp chí nầy hướng về văn phong của câu chuyện tình yêu. Khi nào nàng xem có chuyện nào hay – nói về hệ lụy của tình yêu – thì nàng thuật lại cho tôi nghe.
Có một chuyện mà đến nay mỗi lần hồi tưởng, tôi mỉm cười nhớ lại cái khờ khạo, ngu ngơ của mình. Một hôm, nàng trao tôi mảnh giấy và tiền, bảo tôi đến nhà thuốc La Thành,  đưa ra tấm giấy nầy để mua một món hàng. Người bán hàng là một thiếu nữ trẻ, xem tấm giấy nầy rồi ngước lên nhìn tôi nhoẽn cười, dường như trong nụ cười ẩn chứa sự chế nhạo. Thì ra món hàng mà nàng nhờ tôi đi mua, chỉ là một hộp băng vệ sinh. Về nhà, tôi thuật chuyện lại cái cười chế nhạo của cô thiếu nữ ấy, nàng cười ngặt nghẽo, rồi vò đầu tôi vuốt ve, tỏ vẻ an ủi, hầu xoa dịu cái bộ tịch “ngáo ộp” của tôi trước trò đùa tinh nghịch nàng bày ra để mà…cười.
Gần gũi trò chuyện với nàng lâu dần, tôi bỗng thấy lòng mình chợt nhớm chút “thích thích” và “thương thương”. Thật ra, thích, thương, hay “yêu”, tôi chưa định nghiã. Nhưng, những khi vì bận việc, không đến nhà nàng một ngày. là một ngày tôi thấy lòng mình bâng khuâng, luyến nhớ. Tôi bỗng nhớ đến đoạn thơ của Xuân Diệu :

Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu…

Như đã nói, vốn nàng bị sanh thiếu tháng, nên có một thể trạng yếu. Vì thế, thỉnh thoảng đang làm một việc gì đó, bỗng nàng cảm thấy mệt, rồi vội vã lên giường nằm nghỉ. Phòng nàng kê 2 chiếc giường đồng sáng loáng, nệm dầy phủ tấm “Drap” trắng thật sang trọng. Lúc bấy giờ rụt rè, nhẹ bước, tôi đến bên giường nàng và hỏi :
– Cô thấy trong người ra sao?
Nàng mỉm cười, rồi bảo tôi rót cho nàng một ly nuớc lã. Sau đó, nàng bảo tôi đến tủ lấy lọ dầu thơm cho nàng thoa lên mũi, vì hễ mỗi lần nàng cảm thấy mệt, thì nàng hay xức dầu thơm cho khỏe. Và chính cái mùi dầu thơm hiệu “Jackie” nầy, mà về sau mới xảy ra một thiên tình sử…
Nhìn nàng nằm im lìm với hơi thở dồn dập, chiếc mền đắp ngang bụng, hai tay chắp lại che phũ lên ngực, tôi thấy lòng mình nao nao. Tôi nói :
– Tôi quạt cho cô nhé?
Nàng gật đầu. Thế là tôi quỳ cạnh bên nàng, tay cầm quạt phe phẩy, mong làn gió nhẹ của chiếc quạt thoảng qua, đem lại cho nàng sự thư thái trong cơn mệt.
Được tình nguyện hầu cạnh bên nàng, tôi cảm thấy sung sướng trong lòng, và dường như trước cử chỉ ân cần của tôi, nhìn ánh mắt nàng, tôi thấy tỏa ra một niềm vui pha chút cảm động. Mẹ nàng rất nghiêm nghị và nề nếp, nhưng trong nhà mọi quyền hành đều giao hết cho nàng. Tuy vậy, dù có tác phong oai vệ, nàng không bao giờ thốt lời nặng nhẹ với ai. Trang phục nàng thật giản dị, thường là áo cổ “Bà lai” tay xòe, hoặc áo vạt xéo cài khuy bên hông, quần thì lụa màu ngà ống hơi rộng. Thỉnh thoảng nàng cũng mặc đồ bộ, mà tôi thích nhất là loại vải voan dún màu rượu chát, điểm toàn hình mắt mèo trông thật sang trọng. Cho đến nay, nghĩ nhớ về nàng, tôi vẫn còn hình dung dáng nhỏ của nàng trong bộ đồ mắt mèo ấy.
Là một thiếu nữ đài các, nhưng tôi không thấy nàng trang điểm, kẽ mày, hoặc tô hồng đôi má. Chỉ khi nào đi đâu, thì nàng mới phớt nhẹ một làn son mỏng trên môi. Nàng thích nuôi mèo, lúc rảnh, nàng thường ôm nó vào lòng nựng nịu. Gia đình nàng chuyên buôn bán kim cương, nên thường có khách đến trao đổi sự việc. Tôi sợ nhứt là khách ở miệt hậu giang hay lục tỉnh lên chơi, mà mỗi lần lên nhà, thì ở đôi ba bữa. Những lúc ấy, là lúc tôi cảm thấy cô đơn vì không có dịp gần gũi chuyện trò với nàng, và bận khách, nàng cũng chả tiếp xúc với tôi. Vì vậy, khoảng thời gian – tuy gần mà xa – tôi ví mình như một món hàng quá hạn bị bỏ rơi vậy.
Sanh sống bằng nghề buôn kim cương, nên nàng rất sành trong việc định chuẩn món hàng. Có lúc thư thả rảnh rang, tôi hỏi nàng về cách nào để nhận định giá trị viên kim cương. Nàng giải thích thế nào là hột còn non, là có bọt, có than là hột già. Còn các “nước”,  thì tốt nhứt là trắng xanh (Blanc bleu), hột “Lài” màu dầu hôi, dù phản chiếu đèn, nhưng mất giá. Ngoài các điểm trên, còn phải xem vết cắt, “Bông cúc” hay “Lá tre”, mặt trăng nhỏ hay lớn, nhỏ thì chiếu nhiều. Hột phải dầy và không bị “Tim” đít, nghiã là đít thật nhọn không có vết cắt vv…
Từ nhà bếp thông ra bên phải là phòng ăn, cách nhau một khoảng trống rộng lối 1.50 m. Từ cổng rào phiá trước, muốn vào nhà phải đi theo khoảng đường nầy vào, vì cửa trước thường khép kín. Phòng ăn đặt cái bàn và 6 chiếc ghế cạnh cửa sổ. Phía trong để một bộ ván nhỏ vừa cho một người nằm, nơi nầy cũng là chỗ tôi thường nghỉ trưa sau buổi học. Còn nhớ một lần tôi ngủ trưa, lúc thức dậy, thấy trên ngón tay có một chiếc nhẫn xoàn hột thật to, tôi ngạc nhiên quá. Bước lên phòng thấy nàng đang ngủ, tôi phải ngồi đợi cho nàng thức dậy để hỏi cớ sự. Thời gian trôi qua với tâm trạng lo âu, nghĩ mình còn trẻ lòng non dạ, tại sao một vật quý giá từ đâu lại dính chặt trên tay mình ? Vậy mà lúc thức dậy, tiếp xúc với tôi, nàng thản nhiên với vẻ mặt nghiêm nghị, nàng nói :
– Đó là của nàng tiên trên trời xuống tặng cho Bé Ba đó…
Tôi trả lời : “Không có chuyện huyền thoại như vậy đâu cô”.
Thế rồi bỗng nàng cười thích chí và nói rằng : “Lúc Bé Ba ngủ, có người đến giao nhẫn nầy cho cô, tiện thể, cô đeo vào tay Bé Ba, chớ cô làm biếng mở tủ cất vào, vì cô tin Bé Ba nên cô làm vậy, chớ vật quý giá – 5 ngàn đó – nếu ai khác, cô đâu dám gởi giữ giùm”.
Phía trước là phòng khách, có lót một chiếc “Divan” bằng gỗ, chạm 4 chân thật đẹp. Chính giữa, cái bàn thờ cẩn ốc xà cừ. Bên hông cạnh cửa sổ, là chiếc ghế trường kỷ và một cái bàn viết đặt cạnh tường nơi cửa trước, trên bàn có chưng khung ảnh chụp hình con mèo, vì nàng tuổi Đinh Mão sanh năm 1927, một nghiêng mực và bút. Nàng thích dùng mực màu xanh lá mạ, loại mực nầy sản xuất từ bên Pháp, và chỉ có bày bán tại một cửa hàng của Pháp tọa lạc tại đường Catinat, bây giờ là đường Tự Do. Nàng có nét chữ viết cứng, đẹp, nhưng trông uyển chuyển như dáng người con gái. Một đặc điểm lạ, là chữ “G”, nét sổ xuống nàng xoay ngược vòng 2 lần, thành hình tam giác, chứ không kéo nét vòng lên, để tạo hình tròn, và chữ “N”, thì hình dáng như chữ “U”.
Ngày tháng lặng lẽ trôi qua theo mùa trời thay đổi kéo dài ngót 2 năm, tấm tình yêu nàng tôi vẫn giấu kín tận đáy lòng. Để rồi giữa đêm giao thừa ngày 16 tháng 2 năm Kỷ Sửu, mối tình thầm lặng trong phút chốc, bỗng biến thành hiện thực, để rồi từ đó, hai chúng tôi thả hồn trôi theo giòng cảm xúc êm ái và dịu hiền như nắng sớm đầu Xuân…
Mọi năm vào dịp giáp Tết, là Ba tôi và tôi đều về quê ăn Tết, nhưng năm nay, chỉ mình Ba về, còn tôi – đang vương vấn chút tình đầu “Non trẻ” – tôi xin Ba được ở lại với lý do trông nom nhà cửa. Đêm 30 tháng chạp đó, tôi ra ngủ tại nhà nàng. Tôi đem ghế bố đặt nơi khoảng trống giữa nhà bếp và phòng ăn để ngủ. Bà Sáu – mẹ nàng – theo lệ, cứ vào đêm giao thừa đến hết ngày mùng 1 Tết, bà “tịnh khẩu”, tức không nói chuyện. Đêm ấy, nằm một mình để ru giấc ngủ, nhưng nào có ngủ được đâu, lòng ngổn ngang trăm mối, nửa nhớ quê nhà, nửa bận bịu tình yêu – một tình yêu đơn phương – nhưng êm ái như rót mật vào lòng.
Đến đây mới là đoạn thú tội của tôi. Còn khoảng độ 1 giờ nữa là giao thừa, bỗng cửa bếp soạt mở. Bàng hoàng, tôi vội ngồi phắt dậy, thì ra là nàng đang lách mình bước ra, rồi đến ngồi trên ghế bố cạnh tôi. Cử chỉ thản nhiên như ngày thường, nàng kéo gối kê đầu rồi nằm xuống. Ngạc nhiên trước thái độ bất ngờ ấy, tôi im lặng không dám nằm, chỉ ngồi cạnh bên nàng. Nàng nói :
– Đúng giao thừa, Hoàng Đế Bảo Đại sẽ đọc thông điệp gởi toàn dân. Bà Sáu đang tịnh khẩu, cô cũng không ngủ đuợc, nên ra đây nói chuyện với Bé Ba cho đỡ buồn.
Nghe nhắc đến tiếng buồn, tôi đâm ra buồn thật, rồi liên tưởng đến đêm giao thừa, cả gia đình sum họp đang quây quần đón Xuân, tôi chạnh lòng rồi sụt sùi khóc. Thấy vậy, nàng bèn hỏi :”Tại sao tôi lại khóc?”. Tôi trả lời :”Tôi nhớ nhà“. Nàng nói :”Nếu nhớ nhà sao không theo Ba về quê?”. Tôi lặng thinh. Bỗng nàng nắm tay tôi :
– Thôi, Bé Ba nín đi đừng khóc nữa, giao thừa sắp đến, vui lên để nghe vua Bảo Đại chúc Xuân.
Lần đầu tiên trong đời, tôi được một thiếu nữ nắm tay an ủi, lòng thấy khoan khoái lạ thường. Mùi dầu thơm “Jackie” thoang thoảng, như giục tôi mạnh dạn để bước vào con đường tình, mà gần 2 năm âm thầm lặng lẽ trôi qua, tôi chưa một lần dám đặt chân đến ngưỡng cửa.
Một phút chần chờ trong suy tính, tôi bỗng mạnh dạn hỏi xin nàng :
– Cô dùng dầu loại gì mà thơm dịu quá, cô cho tôi cầm tay để ngửi được không?
Nàng gật đầu, chìa tay ra cho tôi nắm. Trời ! Bàn tay nàng sao mềm dịu quá. Hai tay tôi “ôm” bàn tay nàng vuốt ve bằng một cử chỉ trìu mến, nhẹ nhàng, tôi từ từ đưa lên mũi. Nói là tiếng “ngửi”, chứ thật ra “ngửi” và “hôn”, chỉ cần một động tác nhẹ, là bàn tay dịu mềm sẽ nằm ngay nơi mũi. Cái gan ban đầu đã dám thốt ra, thì tội tình gì không mạnh dạn làm gan giẫm chân lên vết hằn của bánh xe trước, tôi bèn hỏi : “Cô cho tôi hôn bàn tay cô nhé?”.
Nàng gật đầu, và kể từ giờ phút nầy, nàng thuộc về sở hữu của tôi. Thôi thì hôn, hít, nựng nịu, tình yêu bấy lâu dồn nén, nay được dịp, mặc tình thưởng thức. Say đắm trong lượn sóng tình, tôi chẳng còn để ý nghe lời chúc Xuân của vua Bảo Đại nữa.
Tay trong tay, 2 người vẫn lặng thinh, mặc cho thời khắc dần trôi, không còn nghĩ gì đến việc bàn giao từ năm cũ sang năm mới giữa 2 con vật Trâu và Cọp. Lâu lắm, lâu lắm, tôi không còn xác định cái giây phút hiện tại của đêm giao thừa, đang nhường bước cho cái đắm đuối, say mê giữa 2 tâm hồn đang lặn ngụp trong cơn xoáy của ái tình vừa chớm. Có lẽ nàng cảm nhận câu châm ngôn “Khi vui không nên hưởng hết, hãy để cho nó thòm thèm”, rồi nàng chợt ngồi dậy nói :
– Thôi! Bé Ba hãy buông tay cô ra cho cô đi nghỉ, giờ cũng khuya lắm rồi…
Tôi dìu nàng bước xuống, nhưng đôi tay còn như luyến tiếc cái âu yếm say sưa, do sự va chạm giữa 2 làn da thịt, tôi vẫn còn cố níu kéo cái giây phút thần tiên thêm phút nào hay phút ấy. Nhưng rồi một giọng nhỏ nhẹ, như ẩn chứa lời van xin :
– Thôi để cho cô đi vô…
Đến lúc nầy, tôi mới thực sự rời tay nàng, và tiếc rẻ, nhìn theo nàng dần khuất vào sau khung cửa.
Nàng đi rồi, nhưng cái dư vị vẫn còn vương vấn đâu đây. Mùi nước hoa lẩn mùi da thịt của nàng vẫn luôn chờn vờn trong con tim non nớt, lần đầu hưởng được cái hương vị của yêu đương, khíến suốt đêm, tôi không hề chợp mắt. Dường như để đền bù cái khoảnh khắc tựa hồ ngắn ngủi của đêm qua, sáng sớm hôm sau, nàng đến bên rủ tôi đạp xe chở nàng đi chơi. Đầu tiên, hai chúng tôi đèo nhau trên xe đạp về thăm nhà, mà suốt đêm qua bỏ ngỏ. Vào nhà, nàng vội nằm lên chiếc ghế bố của Ba tôi. Đây là lần đầu nàng vào căn nhà củi, tôi thấy hơi ngượng cho cuộc sống quá đạm bạc như thế nầy. Tôi khép hờ cửa lại rồi đến ngồi cạnh nàng và hỏi :
– Bộ cô mệt hay sao?
Nàng không trả lời, nhưng lại nắm tay tôi và bảo tôi nằm xuống cạnh bên nàng. Trước cử chỉ táo bạo mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến, mặc dù đêm qua, bạo dạn lắm, chỉ là cái nắm tay, kèm theo cái âu yếm ngoài da thịt, bỗng nhiên tôi bối rối lạ thường. Nhưng mà lòng ham muốn được kề cận bên nàng đã trỗi lên, xua tan cái rụt rè cố hữu của một đứa con trai vừa bước qua tuổi 16.
Nàng nằm đó, đôi mắt nhìn lên mái nhà, hai tay khoanh trên ngực. Tôi nằm cạnh bên, lòng vừa bỡ ngỡ, bồi hồi, vừa xao xuyến, rạo rực. Nhưng cái phút rụt rè buổi sơ khai mình đã đánh đổ, thì còn ngại ngùng gì không mạnh dạn dấn bước theo cái đà đương nhiên và tất nhiên của nó ? Nghĩ vậy, tôi xoay mình choàng tay ôm lấy tấm thân êm ấm của nàng. Ôi! Không biết trong con tim người con gái tuổi vừa hàm tiếu như đóa hoa khoe sắc buổi bình minh, nàng đã cảm nhận thế nào cái va chạm giữa 2 người khác phái ? Tôi nắm bàn tay nõn nà, vô tình để tay chạm vào ngực nàng. Không thấy nàng phản ứng, tôi nhỏ nhẹ và đột ngột hỏi :
– Cô cho tôi sờ ngực cô được không?
Nàng gật đầu, thế là tay tôi lần lần mở khuy áo, và đưa tay vờn nhẹ trên 2 trái đồi hoa mộng. Nàng vẫn nằm im, hơi thở dồn dập. Đối với tôi, lúc bấy giờ tôi nghĩ rằng tôi được nàng ban cho cái ân huệ tuyệt vời đó, chớ lòng tôi không dám tiến xa đến việc “Bẻ cành cấu cuống” hay “Mở khóa then cài”. Dù nghĩ vậy, nhưng trước tình thế nguy hiểm, linh hồn tôi bỗng bừng tỉnh, đánh thức cái lương tri vốn “Bản thiện” của “Nhân chi sơ”, nên tôi vội lấy chiếc mền ngăn cách giữa 2 người.
Nằm đó mà lòng thì chợt nhớ đến câu “Không thiện không ác, vốn là bản thể của tâm. Sanh ra có thiện có ác là động tác của ý. Biết rõ thiện ác là lương tri. Bỏ điều ác làm điều thiện là “Cách vật” vậy“. Có người liều lĩnh, cuồng nhiệt, rồi biện minh lý lẽ của con tim. Nhìn nàng, một trinh nữ ở tuổi hoa niên, mà vai vế tôi phải gọi bằng “Bà”, tôi tự trách mình vì hành vi tội lỗi. Tôi bèn xoay mình nằm ngửa, gác tay lên trán, đầu óc mang một ý nghĩ mông lung. Có lẽ hiểu ý, nên nàng bảo :
– Thôi chúng ta vô Chợ Lớn ăn cơm chay
Tôi bước xuống đỡ nàng ngồi dậy rồi sửa soạn ra đi. Vào đến Chợ Lớn, nàng đưa tôi đến tiệm ăn chay “Phật Hữu Duyên” ăn trưa. Ngồi đối diện với nàng, tôi len lén nhìn nàng xem sắc diện có chút gì thay đổi không, nhưng tuyệt nhiên, vẫn vẻ mặt dịu hiền tự thuở nào, như lúc trước khi chúng tôi chưa lao vào vòng hệ lụy.
Thực ra, trong con người, ngoài con tim, còn có lý trí và lương tri. Chính Pascal đã nói :”Con người là cây sậy yếu nhứt trong Tạo Hóa, nhưng là cây sậy có tư tưởng“. Chính vì cái tư tưởng đó, làm cho con người biết thế nào là phải, là trái. Trong xã hội loài người có 2 hạng, hạng thiên về tâm hồn, hạng thiên về vật chất, mà vật chất lại bị điều khiển bởi con tim, và con tim lúc nào cũng rất tàn nhẫn. Meilhan đã nói :”Ái tình là 1 chứng bệnh có 3 giai đoạn: khao khát, chiếm đoạt và chê chán”. Đó là cái ái tình của hạng người thiên về thuyết hiện sinh, yêu cuồng sống vội, như xã hội Việt Nam ngày nay, núp dưới cái ái tình thời thượng, phía sau có bóng dáng của hơi “Đồng”. Vừa lớn lên qua tuổi 16, ái tình đối với tôi còn xa lạ, ở ngưỡng cửa nầy, tôi như kẻ lạc bước đang dò dẫm tìm về nơi quang đãng. Nhưng cái nơi mà tôi gọi là quang đãng nầy, chỉ là trừu tượng. Mới bước vào yêu, ái tình ở xa nhìn lấp lánh như hạt kim cương, nhưng đến gần chỉ là giọt nước mắt…
Cách nay trên 40 năm, tôi còn nhớ một thi sĩ thi vị tình yêu với lời lẽ rất chân thành, dù rằng họ đang yêu :

Anh không đáp nhu cầu bằng cặp mắt
Thì ngại ngùng gì em chẳng ngó ngay anh
Cho anh thưởng thức hai mắt ngọc trong lành
Và làn mi chớp làm đôi pha lê vỡ
Anh không nói đôi ta vì duyên nợ
Như thế còn gì ý nghiã của yêu đương
Hãy sát vào đây đôi má lẫn cặp môi hường
Cho anh chọn lựa giữa hai màu rực rỡ
Anh không đo vòng ngực em bằng chiều dài hai tay vạm vở
Vì ngại hãy còn thú tánh buổi sơ khai
Mười ngón tay rừng rú phá vỡ then cài
Và dày xéo cả núi đồi hoa mộng
Anh không đáp nhu cầu bằng hai thân xác nóng
Để lúc xa nhau em hối hận nghìn đời
Và mai sau trên phố sá đông người
Quen từng kích thước mà em vẫn làm mặt lạ
Anh không muốn em bị đời sỉ vả
Mang đường nét đàn bà trên thể xác ngây thơ
Hãy cho anh yêu trong khao khát đợi chờ
Đừng khêu gợi vì anh sẽ hoàn bản thể
Đừng cống hiến nếu mai ngày hôn lễ
Dâu là em mà rể chẳng là anh
Cuộc đời em con gái chỉ một lần
Đừng nhầm lẫn trọn đường trần tủi nhục

Tôi rất yêu nàng và cũng được đáp trả, nhưng dù được nàng đáp trả, tôi chỉ dám mạo hiểm khám phá phân nửa thể xác của phần trên, đó là cái tư tưởng mà Pascal đã dạy. Dù sao, những đêm trăng tà xế bóng, cơn mưa ngoài ngõ, hay gió thổi bên rèm, nghĩ lại lúc kề vai cọ má, tôi cũng tự trách vì cái hiếu thắng, bồng bột, mà phá vỡ cái đạo đức và luân lý trong gia đình, vì theo vai vế, nàng là “Bà” của tôi!
Nhưng nghĩ là nghĩ, chứ đã bước vào yêu rồi, như kẻ nhắp rượu ngọt, càng nhắp càng say, mà vũ trụ tựa hồ thu nhỏ trong tầm tay. Chẳng thế thì làm sao hằng đêm, tôi và nàng đèo xe đi chơi. Nàng rất thích nhai Chocolat, nên mỗi lần đi chơi với tôi, nàng đều ghé tiệm mua một thẻ. Như đã kể, cái cốt cách của nàng rất oai vệ, đến trước cửa tiệm, nàng không để tôi vào mua, mà nàng đứng ngoài dõng dạc như ra lịnh người bán hàng thuộc sắc dân Ấn Độ :”Eh bien! Une tablette de chocolat à croquer Meunier” (Nầy! Cho một thẻ Chocolat Meunier). Meunier là thương hiệu của Pháp, có hai loại : loại có sữa gọi là Chocolat au lait, hơi mềm, còn loại Croquer không có sữa, nhai giòn, lúc bấy giờ chỉ có 3 đồng mà thôi.
Một đêm, hai chúng tôi ra bờ sông Saigon, gần sở đóng tàu “Ba Son” hóng mát. Hôm ấy là đêm 16, ngồi trên bờ đê thõng hai chân xuống, vai tựa kề nhau ngắm ánh trăng vàng. Nàng nói :
– Để cô hát bài “Vầng trăng sáng” cho Bé Ba nghe…Bằng một giọng êm như ru, ngọt như mật, nàng cất tiếng :

Kià vầng trăng sáng chiếu in trên hồ
Gió vờn trăng nước thoáng loang nhấp nhô
Mặt hồ lung linh lướt trên làn nước có anh cùng em
…………….
Mà giờ đây nguời yêu ta đã xa ta rồi
Cũng trên hồ ấy mây lững lờ trôi, gió vi vu hoài
Vầng trăng úa phai tơ liễu buồn đứng
Bên hồ im vắng
Tối nay đà hết riêng có mình tôi
Buồn đứng trông trăng….
Giọng oanh thỏ thẻ như ru hồn tôi vào mộng, nhưng nội dung và âm vang bài ca sao dường như ẩn chứa một cuộc chia lià thoát ý một đoạn thơ của Xuân Diệu :
Rồi một ngày mai cô sẽ đi
Vì sao ai nỡ hỏi làm chi
Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ quá
Chỉ biết yêu thôi, chẳng hiểu gì…

Ai đem phân tách một mùi hương
Hay bản cầm ca ! Tôi chỉ thương
Chỉ lặng chuồi theo giòng cảm xúc
Như thuyền ngư phủ lạc trong sương….

Rồi cũng có đêm, chúng tôi lại vào Thảo cầm viên, đến ngồi khuất bên thềm nhà chứa đồ cổ. Cảnh vật về đêm thật tĩnh mịch, tôi ngồi đó, nàng nằm ngả mình trên đùi tôi. Trong bối cảnh du dương êm đềm ấy, tấn kịch yêu đương cũng diễn như kịch bản sáng ngày mùng 1 Tết tại nhà chứa củi của tôi. Say sưa trong men yêu, đến lúc người gác cổng vào yêu cầu chúng tôi về, vì đã đến giờ đóng cửa.
Chúng tôi cố giữ kín chuyện yêu đương nầy, nhưng có một buổi trưa, nàng nằm trên “Divan” ở phòng khách, tôi quan sát chung quanh, rồi rón rén bước ra kề mũi hôn lên má nàng. Bà Nội tôi, lúc bấy giờ đang ở chơi với gia đình nầy, đi ngang qua cửa sổ chợt trông thấy hoạt cảnh, nên gọi tôi khuyên :
– Bà “Hai” là bà con, là “Bà” của cháu, cháu đừng làm vậy coi không được… Thật là ngượng ngùng

Tưởng rằng đường vắng hát chơi
Ngờ đâu đường vắng có người vãng lai !…
                               (Ca dao)

     Và có lẽ Bà Nội nói lại với Ba, rồi Ba nói lại cho Má tôi biết, nhưng các người ấy đều giữ kín.
Tuy nàng chiều tôi mọi sở thích, nhưng lắm lúc, nàng như gián tiếp khuyên nhủ tôi một cách tế nhị, như nàng cắt một đoạn trong báo đưa tôi xem “Il ne faut pas se badiner avec l’amour” (Không nên bỡn cợt với ái tình), hay “Aimer c’est souffrir, l’amour c’est l’enfer” (Yêu là khổ đau, ái tình là địa ngục). Cũng có lần trước mặt tôi, nàng giơ ngón tay út lên nói:”Attention ! Un tout petit comme çà” (Coi chừng! bé xíu như vầy). Câu nầy tôi hiểu ngụ ý của nàng, là lời nhắc nhở tôi đừng quá đắm say đốt cháy giai đoạn, rồi nàng sẽ có “Bébé”, mà thể trạng nàng vốn yếu ớt, “Bébé” chỉ nhỏ xíu như thế nầy nầy…
Nhiều khi tôi tự hỏi, tình cảm của nàng đối với tôi có gì mâu thuẫn không ?. “Cho” đó rồi “Răn” đó. Thật ra, tâm trạng nàng có giống như tâm trạng các phi tần trong cung cấm, âm thầm lặng lẽ, mòn mỏi trong quên lãng, vì chưa một lần được thắm nhuần ơn mưa móc của quân vương?…
Đây là đoạn cuối tình yêu, nó làm cõi lòng tôi tan nát. Một buổi sáng, nàng kêu tôi nói riêng:”Bé Ba về nhà đi, cô sẽ đến có chuyện muốn nói với Bé Ba”. Tôi hơi ngạc nhiên và cũng không đoán được là chuyện gì? Thế là tôi đạp xe về trước đợi nàng. Chặp sau, nàng đến ngồi trên giường cạnh tôi, trịnh trọng nói :
– Bấy lâu nay, cô biết Bé Ba yêu cô lắm, thấy Bé Ba còn trẻ mới bước vào con đường tình, cô không nỡ làm cho Bé Ba buồn, nên cô để cho Bé Ba được trọn vẹn vui hưởng những gì Bé Ba thích, mà cô không trách. Bé Ba thử nghĩ, cô và Bé Ba có thể nào kết hợp được không? Không thể nào đâu!. Hôm nay, cô gọi Bé Ba vào đây là muốn cho Bé Ba biết một tin, có lẽ Bé Ba buồn lắm, nhưng cô phải nói, là trong vài ngày nữa, cô sẽ rời gia đình đi qua Pháp. Cô không muốn giấu, chỉ làm khổ thêm cho Bé Ba mà thôi. Làm trai, trước tiên nên tạo dựng một sự nghiệp, rồi Bé Ba sẽ lập gia đình. Cô rất thương Bé Ba, nhưng thương là một lẽ. Cô biết ở Biên Hòa, Bé Ba có ông cậu là Pharmacien, vậy cô khuyên Bé Ba hãy lên trên đó xin với ông cậu học lấy một nghề để lo cho tương lai.
Tôi buồn rầu nói :”Cô đừng đi có đuợc không?”
Nàng nghiêm nghị nói bằng một câu tiếng Pháp:”Non, c’est un voyage et une séparation inévitable” (Không, đây là cuộc hành trình và cuộc phân ly không thể tránh được). Rồi nàng cầm 200 đồng đặt vào tay tôi, với khung ảnh chụp hình con mèo mà nàng chưng ở bàn viết:
– Cô đi không có gì để lại cho Bé Ba, cô xin biếu Bé Ba 200 để chi dùng và làm lộ phí lên Biên Hòa học. Còn đây là hình con mèo mà cô rất quý, cô tặng lại Bé Ba, nhớ tưng tiu nó, giữ gìn và thương yêu nó như Bé Ba đã từng thương cô vậy.
Nghĩ đến cảnh chia ly và lời nói chân thành, tôi bỗng khóc òa. Nàng vẫn để yên cho tôi khóc, chặp sau nàng tiếp:
– Cô để cho Bé Ba khóc, những giọt nước mắt nầy sẽ làm vơi đi trong lòng Bé Ba niềm đau khổ, nhưng rồi thời gian là liều thuốc nhiệm mầu làm cho Bé Ba sẽ quên cô, Bé Ba nên cố quên cô đi, để mà lo gầy dựng tương lai cho chính bản thân và cho gia đình sau nầy.
Ngày nàng ra đi, tôi muốn xin đưa tiễn, nhưng nàng không cho “Bé Ba đưa tiễn làm chi cho lòng thêm bịn rịn!”. Tôi cũng nghĩ như vậy, biết đâu, khi cánh chim bằng lướt gió đưa nàng về một phương trời viễn xứ, biết tôi có cầm lòng được không? Hay là lúc ấy nghẹn ngào, xúc động, mấy giọt lệ thương tâm sẽ tuôn rơi, thì chuyện tình thầm kín giữa hai người, vô tình sẽ bị phát hiện, và biết đâu, cánh chim sắt chở nàng ra đi biền biệt, ví như con dao đâm thẳng vào tim tôi cắt đứt đoạn tơ lòng !… Ôi, thật đau đớn thay…..
Là nguời theo Tây học, có phải tâm trạng nàng mang một tâm trạng của Sully Prud’homme trong đoạn thơ Chiếc bình vỡ :
……………………………….

(Tay người yêu cũng có khi
Phớt qua tim để tim vì ai đau
Rồi tim tự nó rạn sau
Đóa hoa tình ái héo rầu chết đi
Mắt đời nào có thấy gì
Vết thương u uất tỉ tê lệ nhòa
Lần lần lan rộng ai ngờ
Tim kia đã vỡ, đừng sờ đến chi…)

Thế là kết thúc một vở bi hài kịch kéo dài vỏn vẹn có 2 năm. Thật đúng với câu thơ của Hàn Mặc Tử:

Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn kia bỗng dại khờ.

ĐOẠN KẾT :

Hồi tưởng lại tổ tiên ông bà, không hiểu cuộc tình của tiền nhân ra sao?. Thời đó, ảnh hưởng luân thường đạo lý của học thuyết Khổng Mạnh, việc hôn nhân đều do cha mẹ định đoạt, vì “Áo mặc sao qua khỏi đầu” hay “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, tình yêu đối với họ không bao giờ có, chỉ sống thuần bằng “Nghĩa” mà thôi. Riêng tôi hơn 54 năm trôi qua, lắm lúc ngồi suy ngẫm, tôi thực sự rất thương nhớ nàng, nhưng khung ảnh con mèo mà nàng tặng tôi làm kỷ niệm, đã bị người vợ tôi ném vỡ, vì cơn ghen khi đọc dòng chữ “ Cô Hai tặng Bé Ba con mèo nầy, Bé Ba hãy yêu thương nó như Bé Ba đãthương yêu cô vậy “, ký tên L.T.T.

Nàng trở lại quê hương lúc nào tôi không biết, nhưng vào năm 1990, tôi có đến thăm nàng. Lúc bấy giờ nàng đã 63 tuổi, tóc đã điểm sương. Nàng đang ngồi dùng cơm trưa. Từ phòng khách tôi đi thẳng vào trong, vẫn chiếc giường đồng sáng loáng tự thuở nào mà tôi ngồi cạnh quạt cho nàng, khiến lòng tôi xúc động. Đến ngồi cạnh bên nàng, nét mặt nàng vẫn như ngày xưa, tuy vài vết nhăn thoáng nhẹ, hằn lên làn da mịn màng của năm xưa, mà nơi đó tôi đã ngất lịm với những chiếc hôn nồng cháy. Lòng thương còn vương vấn không tự chủ, tôi bỗng nắm chặt cánh tay nàng: “Cô có khỏe không?”. Nàng vẫn để yên cho tôi nắm tay, ôn tồn nói :” Cô bị bệnh loãng xương, già rồi, qua thời kỳ hết kinh nguyệtngười đàn bà thiếu chất “Nữ kích thích tố”, ai cũng phải bệnh, có khi còn dẫn đến ung thư nữa“. Nàng cũng hỏi thăm sức khỏe tôi và biết tôi bị cao huyết áp, nàng dạy tôi ăn kiêng và dùng loại thuốc dân gian mà nàng đã đọc được trong sách. Sau bữa cơm, ra phòng khách hai người trao đổi nhau về chuyện thời sự, chánh trị mà tôi còn nhớ câu nàng nói: “Theo một chu kỳ 60 năm, chánh trị và chế độ có thay đổi và Russie sẽ có biến chuyển“. Thấy nhà vắng vẻ, quạnh hiu, tôi hỏi :”Cô ở một mình?. Nàng đáp :”Có một đứa cháu gái ở đây lo cơm nước, giặt giũ cho cô“. Bà Sáu – mẹ nàng – chết đã lâu, và nàng vẫn còn là một “Trinh nữ” sống cuộc đời đơn côi lẻ bóng!!!…
Ngày nay, tôi đã tạo một gia đình hạnh phúc, con cháu đã thành tài, đó là do công ơn của nàng đã khuyên tôi nên theo con đường “Âu dược”. Một lần nữa, tôi thành kính dâng nén hương lòng để tưởng niệm đến nàng, một “Trinh nữ” giờ đây nàng đã hóa ra người thiên cổ, và đã mang theo xuống tuyền đài tất cả “Chuyện tình đêm giao thừa giữa thế kỷ 20″.
Mối tình đầu tôi đã trao trọn cho nàng, và tôi chỉ yêu một mình nàng thôi. La Bruyère đã nói :” Người ta chỉ yêu một lần thôi, những mối tình kế tiếp là những mối tình miễn cưỡng”.

     Hỡi các con cháu – kẻ hậu sanh – của tôi, tôi dàn trải ra đây tâm sự một hồi ức, để lại cho hậu thế một kỷ niệm đượm nhiều đau thương và nước mắt, để viết nên dòng lưu niệm nầy. Rồi đây, sau khi tôi đã nghìn thu vĩnh biệt, những đêm gió gác, trăng thềm, ngày giỗ quải hay giữa đêm giao thừa, khi gia đình sum họp đón Xuân, nên đem “Hồi ức” ra đọc để tưởng niệm tiền nhân, và luôn cả cho nàng, người đã ung đúc tinh thần tôi tạo nên sự nghiệp cho gia đình và con cháu được như ngày nay. Rồi đây, kẻ dương gian người âm cảnh, biết có ai lo đắp điếm nấm mồ chơ vơ giữa nghĩa trang hoang vắng, một nén hương lòng, để sưởi ấm một linh hồn người “Trinh nữ” đã vĩnh viễn mang khối tình của tôi xuống tận chốn tuyền đài!!!…
Chút lòng tưởng nhớ nguời xưa – có thể gọi là “Người tôi yêu”…và xem đây cũng là một “Hoài niệm” của tôi vậy… Hỡi các con cháu hãy ghi nhớ : Nàng tuổi Đinh Mão, sanh năm 1927, từ trần ngày 10 tháng 8 năm 2004, nhằm ngày 25 tháng 6 âm lịch (tháng đủ) năm Giáp Thân.


Viết xong đêm Giáng Sinh năm 2004 để hồi tưởng đêm giao thừa năm Kỷ Sửu 1949.


Nguyễn Thanh Phong

MMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMMM




From: Son Nguyen [mailto:ntsonk19@yahoo.com]
Sent: Tuesday, January 03, 2017 5:06 AM
Subject: Fw: Fwd: TÔI GHÉT TÔI ( Bùi Bảo Trúc )











TÔI GHÉT TÔI

   Trích Lửa Việt  số 51
   Bộ mới, Giáng Sinh 1991

      Một người bạn Mỹ cuả tôi vừa có đại tang. Ông cụ thân sinh bạn tôi
đã ngoài 80 tuổi, sống một mình ở Charleston, tính tình rất độc lập như
những nhân vật miền Nam trong các tiểu thuyết cuả William Faulkner,
John Steinbeck ... Người bạn Mỹ là một chuyên viên tài chính cho một
công ty thương mại lớn ở Hoa Thịnh Đốn. Công việc làm anh ta bù đầu,
mỗi tuần chỉ ở Hoa Thịnh Đốn có hai ngày. Những ngày còn lại, anh ta ở
Nữu Ước, nơi có actions, như bạn tôi vẫn nói. Đại lộ số 5, đại lộ Madison
thị trường chứng khoán.....Những thứ đó làm bạn tôi không lúc nào ngơi
tay, rảnh trí để nhớ đến ông bố sống một mình ở Charleston.
        Bạn tôi thực ra, vẫn hay nói đến ông cụ, trên bàn giấy làm việc có cả
một bức hình cuả ông cụ, điều rất hiếm thấy nơi những người Mỹ, hình ảnh
thường chỉ là vợ, con hay bạn gái....Cụ đội mũ Panama, hút xì gà, sơ mi
sọc, quần mở gà, nơ đỏ, hai sợi dây đeo rất đỏm dáng. Trong hình, cụ cười
hể hả như Theodore Roosevelt vưà hạ được một con sư tử ở Phi Châu. Cụ
bà qua đời hơn hai chục năm trước. Cụ ông sống một mình vì bạn tôi đã lớn
và công việc đưa anh càng ngày càng xa Charleston.
     Thình lình, cụ bị đột qụy, lúc đang làm vườn và ra đi nhanh chóng. Bạn tôi
cuống cuồng bay từ Nữu Ước xuống Charleston, nhưng không kịp. Tang lễ
xong, bạn tôi trở về Hoa Thịnh Đốn, rủ tôi đi ăn. Buổi tối hôm ấy bạn tôi buồn
bã kinh khủng . Ở Mỹ, những chuyện ra đi như vậy không làm người ta xúc
động quá nhiều. Ông Baker trong lúc đang ở Trung Đông trong chuyến đi vận
động hoà bình thì cụ bà mất. Ông bỏ ngang chuyến đi để trở về Mỹ, Ngoại Trưởng
Mỹ lại bình thường xuất hiện ở cuộc họp báo. Nhiều người xúc động, đau đớn khi
con chó, con mèo trong nhà chết còn hơn là khi những người thân như ông bố,
bà mẹ qua đời. Nhiều ngươi tiêu rất nhiều tiền cho tang lễ (?) cuả những con chó,
con mèo và căn dặn khi chết, xin đem cải táng những con vật nầy và đem chôn
bên cạnh cho cuộc đời sắp tới đỡ cô đơn.
       Lúc ăn xong, ngồi uống cà phê, bạn tôi mới cho biết tại sao cái chết cuả ông
cụ lại làm anh đau đớn quá đáng như vậy. Anh đưa cho xem một trang sách, có lẽ được xé từ một cuốn thơ nào đó, với một bài thơ như thế nầy:
       Nếu người có bao giờ yêu ta
       Hãy yêu ta vào lúc nầy, lúc ta còn
       biết được những tình cảm dịu dàng, đầm thấm
       chảy tuôn từ trái tim tình cảm đích thực
       Hãy yêu ta vào lúc này,
       Khi ta còn đang sống.
       Đừng đợi đến lúc ta đã ra đi,
       rồi mới khắc những lời âu yếm đó lên bia đá
       những lời nói ngọt ngào trên bia đá lạnh băng.
       Nếu người định nói những điều trìu mến,
       Hãy nói cho ta nghe ngay bây giờ
       Nếu đợi đến khi ta yên ngủ,
       Không bao giờ thức dậy.
       Thì lúc đó giữa chúng ta đã có cái chết len vào giữa và
       Ta sẽ không còn nghe được tiếng của người.
       Vì thế nên, nếu người có yêu ta, cho dù là một chút thôi,
       Hãy cho ta biết trong lúc ta còn sống,
       Để ta có thể trân quý những tình cảm ấy .
        
                 THE TIME IS NOW

       If you are going to love  me
       Love me now, while i can  know
       The sweet and tender feelings
       Which from true affaction flow
       Love me now
       While I am living
       Do not wait until I' m gone
       And then have it chiseled in marble
       Sweet words on ice -cold stone
       If you have tender thoughts of me
       Please tell me now,
       If you wait until I am sleeping
       
       Never to awaken,
       There will be death between us
       And I won' t hear you then,
       So if you love me even a little bit
       Let me know it while I am living
       So I can treasure it
           
            Author Unknown
             1991 Crestors Syndicare


      Tờ giấy có in bài thơ ấy, bạn tôi nói được tìm thấy trong một cuốn
thánh kinh ở đầu giường cuả ông cụ và kẹp cùng với trang sách đó, là
bức hình cuả bạn tôi khi anh tốt nghiệp đại học.
      Không phải là bạn tôi, tôi có thể tưởng tượng ra được những điều chạy
 qua đầu ông cụ. Người đàn ông đầy tự ái, độc lập đó vẫn không giấu được
những tình cảm cuả ông. Ông vẫn thèm có được tình cảm của đứa con trai
duy nhất. Nhưng ông lại rất là một người đàn ông. Ông cụ có thể chỉ cần nhấc
cái điện thoại lên, bấm vài con số là nghe được tiếng con trai đâu đó ở Hoa
Thịnh Đốn. Nhưng ông cụ đã không làm thế. Ông ngồi chờ..... Và bạn tôi, lúc đó
có thể anh đang còn ở bàn ăn tối với một khách hàng, có thể anh đang đưa cô
bạn gái về nhà, có thể anh đang loay hoay trong bếp với bữa tối..... Và chuyến
về Charleston thăm ông cụ đã bị trì hoãn đi, hoãn lại mấy lần.
         Chuyến về Charleston đã quá muộn ! Bạn tôi nói anh sẵn sàng đổi bất cứ
gì anh có trên đời chỉ để được câu nói anh đã quá bận , quá vô tình, quá lười
biếng nên đã không nói kịp.
        Tôi mà là anh bạn Mỹ nầy, tôi cũng sẽ ghét tôi y hệt như vậy.

                                    BÙI BẢO TRÚC





Sent from Outlook



From: Cao Tri Phan <than.phong.vic@gmail.com>
Sent: 04 January 2017 12:02
Subject: Fwd: Chuyện Xứ (Mỹ) Của Tôi
 



Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài Gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, một trung đội trưởng tác chiến. Hồi cuối cuộc chiến, chàng là một thương binh và buổi sáng ngày 1 tháng Năm 1975, bị đuổi ra khỏi quân y viện... Bài viết mới là tự sự về chuyện chọn vùng an cư trên đất Mỹ.
* * *
Gia đình tôi đến Mỹ năm 1993 đến nay 2016 đã được 23 năm, vì hoàn cảnh sinh sống chúng tôi phải di chuyển qua nhiều nơi chốn, thế nên biết thêm được nhiều điều về nước Mỹ.

Thoạt đầu đến Mỹ chúng tôi cư ngụ tại thành phố Hawthorne - nam Cali vì do bà chị giúp đở sponsor cho. Ở đây chúng tôi share phòng với nhà chị, vợ chồng con cái dồn vào một phòng nhỏ tí thật bất tiện rồi dần dà cũng quen. Ở Hawthorne, vợ chồng tôi đi đến trường chuyên dạy nghề nail để học lấy cái bằng. Rồi kể từ năm 1995 chúng tôi sinh sống bằng nghề này, một nghề duy nhất cho đến bây giờ.

Cali là nơi sinh sống lý tưởng cho người Việt Nam khí hậu mát mẻ quanh năm như Đà Lạt. Ở VN có món ngon gì thì Cali cũng có đủ, có khi còn ngon tuyệt hơn nữa vả lại thực phẩm được kiểm tra rất nghiêm ngặt nên không sợ độc hại như bên nhà. Ra đường gặp toàn người Việt đi đâu cũng nói tiếng Việt thoải mái, sống trên đất Mỹ mà hoàn cảnh sống gần như VN.

Chỉ kẹt một điều nghề Nail ở Cali bị cạnh tranh rất dữ, nên giá "bèo" hơn các Tiểu bang khác nhiều lắm nhất là so với các Tiểu bang miền Bắc. Thứ hai nhà cửa Cali lại rất mắc mỏ, có người ví von bán một căn nhà ở Cali đem tiền qua Tiểu bang khác mua được hai căn nhà. Vợ chồng tôi lúc đó đã trung niên e rằng khó lòng mua nổi một căn nhà cho dù trả góp.

Sau 4 năm ở Cali vợ chồng con cái lại đùm túm qua Tiểu bang khác, về thành phồ Joliet thuộc TB Illinois, một thành phố nhỏ gần Chicago cách đó khoảng 1 giờ lái xe. Chúng tôi đến Joliet vào mùa đông thấy tuyết bay đầy trời mà lòng kinh hãi. Tất cả cảnh vật đều phủ một màu trắng toát và lạnh kinh hồn. Cảm nghĩ đầu tiên của tôi về Joliet đây là nơi chốn không thể sống lâu dài được, chỉ sống tạm bợ để kiếm tiền rồi chuồn thẳng.

Có lẽ hầu hết người VN đều rất sợ lạnh đồng thời lại rất sợ cái khung cảnh u buồn của mùa đông, cảnh buồn người có vui đâu bao giờ, bầu trời âm u màu chì kéo dài suốt 6 tháng khiến người ta cảm thấy chán chường, không còn cảm thấy muốn sống háo hức nữa cho dù nơi đây chúng tôi kiếm rất nhiều tiền. Sau 5 năm, chờ cho con gái học xong lớp 12 chúng tôi quyết định đi về miền nắng ấm tiểu bang Florida. Ngày đi, bao nhiều đồ đạc sắm sửa tạm bợ vất đi hết chỉ mang theo quần áo và đồ dùng cần thiết. Xong xuôi, chúng tôi lên xe bấm 3 hồi còi dài để giã từ Joliet, giã từ vùng tuyết trắng lạnh lùng. Sau đó giong ruổi qua một quãng đường dài 1200 miles để đến Jacksonville - Florida.

Tôi chọn Jacksonville vì muốn trốn cái lạnh cái buồn nơi miền Bắc và xuôi nam để hưởng nắng ấm mặt trời quanh năm. Ngoài ra, ở đây tôi còn có một người bạn rất thân từ hồi Trung học, muốn gần gủi bạn bè cho vui. Té ra không phải vậy chúng tội bận rộn tíu tít với công việc, đâu có thời gian mà gặp gỡ nhau nhiều. Lâu lâu tiệc tùng họp mặt uống vài chai bia và tán gẫu dăm ba câu chuyện, rồi chia tay ai về nhà nấy.

Chúng tôi ở Jacksonville thấm thoát được 13 năm một thời gian khá dài cho một nơi chốn. Trước nay chưa khi nào chúng tôi ở một chổ lâu đến như vậy. Hàng năm vào ngày Labor Day chúng tôi thường hay kéo xuống Tampa, thăm gia đình người em trai của tôi cách đó 4 giờ lái xe.

Có một lần không biết nghĩ sao, em tôi nói:" Khi nào anh chị về hưu, xuống đây mua một ngôi nhà, có mảnh vườn bao quanh, tha hồ mà trồng trọt vui với tuổi già. Tampa khí hậu nóng ẩm quanh năm, trồng cây gì cũng được." Nghe nói như thế, giống như mọt tia chớp lóe lên trong đầu tôi:" nếu có thú vui này, sao không về Tampa sinh sống, càng sớm càng tốt !" Ở Jacksonville, mùa đông đôi khi lạnh dưới không độ C, trồng cây gì cũng chết, ngoại trừ cam bưởi.

Thế rồi một lần nữa và có lẽ lần cuối cùng, chúng tôi quyết định dời về Tampa. Sau đó, chúng tôi tiến hành hai công việc, mua ngay một căn nhà tại Tampa và sau đó bán căn nhà tại Jacksonville. Công việc mua bán không đơn giản, cũng may em dâu tôi làm nghề địa ốc, nên mọi chuyện rồi cũng suôn sẻ. Đồng thời đóng cửa tiêm Nail gọi người đến cho hết đồ đạc.

Rồi ngày dọn nhà cũng đã đến, công việc dọn nhà lần này nhọc nhằn hơn hai lần trước. Bởi lẽ các lần trước, chúng tôi chủ trương sống tạm bợ nên không sắm sửa gì nhiều bây giờ ngổn ngang trăm thứ. Suốt một tuần lễ, cả nhà tập trung cao độ đóng gói đồ đạc vào các thùng giấy, rồi bưng bê ra gara chất đống chờ người đến bốc dỡ. Có chuyện khôi hài khi dọn nhà, ngày nào vợ chồng cũng cãi nhau, ông muốn vất hết những đồ không dùng đến, còn bà thì cứ ôm theo hết, nhất quyết không buông bỏ. Có người ví von rằng, một lần cháy nhà bằng hai lần dọn nhà, để nhằm nói lên nỗi nhọc nhằn khiếp đảm của việc dọn nhà. Cho đến nỗi, có người dọn nhà chỉ một vài lần là đủ tởn, thề không bao giờ dọn nữa, trong đó có tôi.

Tampa nằm ở khoảng giữa và thuộc bên bờ Tây của Florida, nó nằm trên một vịnh nhỏ có tên là Tampa Bay, vịnh này thông ra vịnh Mexico khổng lồ. Tampa có dân số trên 1 triệu người, đứng hàng thứ 3 tại Florida, sau Miami và Orlando. Tuy có dân số cao nhưng diện tích lại nhỏ hơn các thành phố khác cho nên dân cư cảm thấy đông đúc hơn, luôn luôn lúc nào cũng thấy xe cộ chạy dày đặc trên đường. Thời tiết Tampa có bốn mùa rõ rệt, mùa Thu cũng quét lá mệt nghỉ, mùa Đông cũng hơi hơi lạnh khoảng 50 độ F (khoảng 10 độ C) mùa Hè nóng hừng hực trên 90 độ F (32 độC).

Căn nhà ở Tampa của chúng tôi đã trên 30 tuổi, nhà nhỏ chỉ có 1,100 sqf (khoảng 100 mét vuông), cũng có 3 phòng ngủ và 2 phòng tắm, giá mua là 129K. Căn nhà sơn 2 màu xanh trắng, mặt ngó thẳng ra hướng Đông, đúng cái hướng mà các Thầy Tử vi khuyên tôi nên chọn cho hạp tuổi, không biết có đúng như vậy không, thôi thì có kiêng thì có lành. Trước và sau nhà có 2 cây sồi (oak) cổ thụ tỏa bóng mát trông thật đẹp, nhưng ngặt một điều là không trồng trọt gì được dưới tàn cây của chúng. Cây sồi được coi là tài sản cảu Florida, tỉa nhánh mé cành thì không sao, còn muốn đốn bỏ phải xin phép.

Khi dọn nhà đi thì chứa đồ đạc ở trong thùng, khi đến chổ mới thì dỡ đồ đạc ra để xếp vào các nơi, cả nhà xúm lại làm suốt ngày, khoảng 2 tuần sau thì tạm ổn. Đến cuối tháng, có bửa nghe điện thoại reo, tôi nhấc lên thì được biết có người chủ tiệm Nail được bạn bè giới thiệu bèn gọi đến mời vợ chồng tôi đi làm. Thế là yên phận sống trong căn nhà mới.

Bước ra mảnh vườn, chủ trước họ trồng cây kiểng um tùm trông phát ớn. Tôi kêu một anh Mể tới dọn dẹp, anh chàng này ngơ ngác không biết nói tiếng Anh, muốn bàn công việc phải nói qua điện thoại với vợ hắn. Anh Mể ra giá tiền công là 500 đô, tôi chẳng biết gì nên cứ gật đầu bừa cho xong. Trước nay tôi có nghe nói đàn ông Mể có sức khỏe kinh người, bây giờ khi tận mắt chứng kiến cái cảnh anh Mể này làm việc mà kinh sợ, sợ anh ta ngã lăn ra chết bất tử. Anh ta làm việc dưới trời nắng như đổ lửa và ghê gớm ở chổ, suốt từ sáng tới chiều anh ta chớ hề nghỉ tay. Tới trưa tôi chạy đi mua cho anh một cái bánh hamburger, anh ta nhai nhồm nhàm xong nốc cạn lon Coca, rồi hì hục làm tiếp. Anh ta cứ làm như thế suốt 3 ngày trời, khuôn mặt bình thản, không than vắn thở dài gì hết, mọi chuyện đều bình thường đối với anh ta. Thiệt đáng nể.

Dọn dẹp mảnh vườn xong, tôi chưa biết chỗ nào bán cây ăn trái để mua về nhà trồng. Thời may con gái có người bạn giới thiệu cho Khu Chợ Trời bên thành phố St Petersburg. Nằm kề cận Tampa có 2 thành phố vệ tinh là St. Petersburg và Clearwater. Cả ba tạo thành một hình tam giác, từ nhà đi qua hai nơi này khoảng nửa tiếng.

Theo sự hiểu biết của tôi, thành phố St. Petersburg gọi tắt là St. Pete. (phe ta kêu là Săn Pí) tuy nhỏ hơn Tampa, nhưng không hiểu sao người Việt lại quần tụ đông hơn, chợ búa và nhà hàng Việt Nam đông hơn bên Tampa. Chợ tuy nhỏ cũng có bán đủ thứ hàng, cũng có quày thịt cá tươi sống, cũng có đủ các loại to go như bún mì phở... còn các loại ăn chơi thì ê hề. Nhà hàng VN cũng nho nhỏ, có nhiều nơi cũng có thức ăn ngon nổi tiếng. Tóm lại sinh hoạt của người Việt nơi St. Pete khá nhộn nhịp.

Từ Tampa qua St. Pete phải chạy qua cây cầu Howard dài 6 dặm, cây cầu rất đẹp, đẹp ở chỗ cầu chạy sát mặt biển, khiến ta có cảm giác sóng biển đang vờn bên má mình, đến giữa thì cầu nhô lên cao cho tàu thuyền qua lại. Sáng sớm chúng tôi chạy qua cây cầu này, rồi nhìn qua hai bên, mặt biển lặng im xanh ngắt và trải rộng mênh mông tới chân trời, có những chiếc thuyền rẽ sóng ở xa xa, đã tạo nên một khung cảnh kỳ thú tuyệt đẹp. Từ đó mỗi sáng sớm Chủ nhật, chúng tôi đi qua cây cầu để đến Chợ Trời, chưa bỏ qua một lần nào hết.

Khu Chợ Trời (Flea Market) St. Pete, nằm trên một khu đất rộng, khung cảnh nhộn nhịp bát nháo như bất cứ Khu Chợ Trời nào khác, tuy nhiên mọi nơi đều sạch sẽ, không hề thấy ai xả rác. Những người bán hàng, họ dựng lều hoặc che dù san sát nhau, người người đi lại tấp nập. Vợ chồng tôi khi lần đầu tiên đến đây, chỉ đi dạo một vòng là trong lòng bỗng nhiên cảm thấy vui thích lắm.

Theo tôi, Chợ Trời St. Pete là một nét văn hóa đặc sắc của vùng vịnh Tampa. Sau này khi có bạn bè đến thăm viếng, chúng tôi đều đưa đi thăm Chợ Trời và mọi người đều rất thích thú, kể cả người từ VN qua. Tôi thấy người mua kẻ bán ở đây rất đông người Việt và kỳ lạ một điều, những người Việt hiện diện tại đây đều có gốc gác từ miệt Đồng bằng sông Cửu Long, không hề thấy ai nói giọng Bắc giọng Trung ( hay là có nói mà tôi chưa gặp) Phần lớn những người này lại xuất thân từ vùng đồng quê chứ không ai xuất thân từ thành phố, cho nên giọng nói của họ nghe quê rặc và rất thiệt thà chơn chất, nói sao bán vậy, chứ không hề nói thách một tiếng nào.

Tôi hỏi cô bán hàng trái cây: "Nhãn này giá bao nhiêu tiền một pound vậy cô?" Cô cười đáp: "Dạ, 3 đồng "gửi" một pound". Tôi nói giỡn: "Sao mắc vậy?" Cô ta cười lỏn lẻn: "Em bán "ghẻ ghề" mà anh chê mắc !" Tôi cười lớn: "Cha! cái giọng này sao nghe giống dân Rạch giá quá vậy ta?" Cô ta cũng cười theo: " Dạ đúng vậy, em quê Giồng Riềng- Rạch Giá đây anh".

Có một số người Việt lớn tuổi ở St. Pete không xin đi làm hãng được, bèn ở nhà trồng rau, nuôi gà vịt rồi mang ra chợ trời bán. Nhà cửa ở vùng này rất cũ kĩ và nhỏ xíu, nhưng được cái là có đất khá rộng chung quanh nhà, cho nên thoải mái trồng trọt. Ngoài những thứ thường thấy như rau cải, bầu bí, khổ qua... người ta còn thấy bày bán ở đây những thứ khó tìm như: rau càng cua, bông so đủa, bông điên điển, cọng bồn bồn, rau nhút, rau muống nước (loại rau này tôi chưa từng thấy ở những nơi khác)... Có nhà nuôi gà vịt "đi bộ", hay ấp trứng vịt lộn cũng mang ra chợ bán. Trái cây thì tràn ngập các loại trái cây VN, vùng đất này trồng mãng cầu, nhãn, thanh long rất tốt, ngoài ra còn có ổi xá lị, trái li ki ma, mít, xoài...

Xoài ở St. Pete có loại trái mập ú, trông ô dề xấu xí, nhưng khi ăn thì có mùi vị thơm ngon, hột lại nhỏ xíu, rất đặc sắc. Vú sữa cũng có, nhưng trái nhỏ tí như trái chanh, ai cũng chê chẳng thấy ai mua. Hầu hết các loại cây trái VN đều trồng được ở vùng này, ngoại trừ sầu riêng, chôm chôm và măng cụt.

Chúng tôi đi dạo qua khu bán cây ăn trái. Anh chủ khu này tên Sang, khoảng 40 tuổi người quê Bạc Liêu, hiện làm chủ một nông trại khoảng 20 acres (acre - mẫu Anh, cở 4000 mét vuông). Anh Sang chuyên nghề ghép cây ăn trái. Mấy cây nhãn, bưởi, cam, quít... cây thấp lè tè mà trái treo lúc lỉu trông thật "đã" mắt. Anh chàng này bán cây nổi tiếng khắp vùng Tampa. Những cây ăn trái của Sang thuộc loại hàng "độc". Anh ta có những loại xoài mà không chỗ nào có được, như một loại xoài lạ, khi trái còn xanh thì chua tê lưỡi, nhưng khi chín thì thơm ngon không thể tả, và lạ lùng không biết làm sao anh ta cũng có xoài cát Hòa Lộc của Mỹ Tho. Có loài mận VN, khi còn non trái có màu xanh, khi chín tới có màu hồng đào, cắn vào miệng nghe dòn tan ngọt lịm. Anh ta có đủ thứ cây ăn trái khác như hồng dòn, hồng mềm, cây bơ quả nhỏ mà béo ngậy, quít đường Cần thơ, bưởi Biên Hòa... tất cả đã được anh ta tuyển chọn công phu nên mua cây của anh ta chúng tôi đều rất yên tâm về chất lượng.

Đi dọc dài, người đi lại nhộn nhịp vui chưa từng thấy. Ngoài người Việt, còn có một sắc dân đặc biệt khác cũng chiếm số đông ở đây, đó là người H'mong, xuất phát từ vùng núi non của nước Lào ( lạ nhỉ ! không hiểu sao họ lại ở đây) Trong khi người Việt nói chuyện với nhau huyên thuyên bằng tiếng Việt, thì người H'mong cũng không kém ồn ào bằng tiếng nước họ.

Chỗ kia, có một anh người Việt chở nguyên một xe truck dừa xiêm đổ xuống một đống lớn, ai thích trái nào anh ta sẽ chặt dừa, xong cắm ống hút vào đưa cho khách, khách vừa đi vừa uống trông rất vui. Nơi khác người ta xúm xít quanh một cái bàn, chờ mua gỏi Thái Lan của hai vợ chồng người Thái, gỏi làm bằng đu đủ bào, cà pháo tươi, đậu phọng rang, trộn với nước chanh và mắm ba khía, mùi vị ngon khá lạ. Có người Việt kia đi chày tôm ngoài sông rồi đem ra chợ bán, tôm chứa trong thùng cooler, nghe anh ta rao hàng, tôm nhỏ giá 2 đô rưởi, tôm lớn 7 đô một pound. Có chỗ bán cá, bán hoa lan, bán nước mía tươi ép tại chỗ... Tất cả đã tạo nên một bức tranh hết sức sinh động và hấp dẫn của Chợ Trời St. Pete.

Lần hồi, tôi khuân về nhà lũ khủ các loại cây ăn trái, mỗi thứ một cây: xoài, nhãn, bơ, trái vải, quít đường, bưởi... rồi chạy ra chợ mua mấy bao phân bón vào gốc. Hàng ngày tôi ra vườn tưới tắm cho cây, cây lớn lên như thổi, đâm chồi ra lá xum xuê, một thời gian ngắn sau cây ra hoa kết trái, trái nhỏ tí trông dễ thương làm sao.

Trồng cây là một thú vui thanh tao, bởi vì không phải là mong tới ngày ăn quả, mà vì một niềm vui khác, khi trong lòng cảm thấy có một sợi dây tương thông thân ái với cây trái trong vườn nhà. "Cám ơn hoa đã vì ta nở. Thế giới vui từ mỗi lẻ loi". (Tô Thùy Yên)

Thành phố vệ tinh thứ hai của Tampa là Clearwater, một thành phố du lịch, nhà cửa mắc mỏ nên dân Việt ít người dám sống ở đây. Con đường dẫn vào thành phố tuyệt đẹp cũng có một cây cầu dài khác chạy sát mặt biển băng qua vịnh Tampa, trên đường có những lối rẽ cho ai muốn câu cá thì ghé vào. Hai bên đường có trồng hai hàng cây cọ trông rất thơ mộng, con đường chạy thẳng ra vịnh Mexico. Ngày cuối tuần, người ta ở các nơi kéo đến tắm biển đông nghịt như ở Nha trang bên quê nhà. Lúc đầu chúng tôi cũng ngại ngần chuyện tắm biển, nhưng sau đó thấy người người thản nhiên xuống tắm, đủ sắc dân, đủ dạng người, đủ lứa tuổi... nên chúng tôi cũng kéo xuống tắm cho vui. Té ra biển ở đây rất tuyệt, nước biển trong xanh và phẳng lì chứ không hề có sóng dữ, nước biển lại ấm áp, chứ không lạnh cóng như biển Cali. Khi đã tắm được một lần là coi như vượt qua rào cản ngại ngùng, từ đó cứ dăm ba tuần chúng tôi lại kéo đi tắm biển, rất khoan khoái và thư giản.

Tôi về Tampa đến nay đã được gần hai năm. Không biết có phải vì đất trời phong thủy vận hợp với mình hay sao, mà từ khi về đây tôi thấy trong người sảng khoái lắm. Đêm về, lên giường là ngủ một mạch đến sáng, điều này trước kia chưa hề có nơi tôi. Trong thời gian ở Jacksonville vì nặng nợ cơm áo gạo tiền, đêm đến tôi trằn trọc mãi thuốc ngủ lúc nào cũng thủ trên đầu giường, cho nên có thời gian dài tôi mang bệnh anxiety (bịnh lo sợ). Tôi cũng có đọc nhiều bài viết khuyên người ta nên biết buông sả khi lớn tuổi, phải tu đạo này hay theo đạo nọ, theo vị Thầy này hay theo vị thiền sư kia. Nhưng theo tôi tất cả chỉ là vô ích, khi người ta chưa tìm được một hoàn cảnh sống thích hợp thì khó mà tìm được sự an lạc trong đời thường. Đêm về tôi lắng nghe toàn thân, nghe nỗi sung sướng khoan khoái lan tỏa khắp người mình, hình như Thiên đường ở ngay trong lòng mình chứ không phải đâu xa xôi. Cám ơn Nước Mỹ, đã tạo cho tôi điều kiện tìm thấy hạnh phúc đích thực ngay trong đời thường.

Tôi lại nghĩ lan man sang chuyện khác. Trên cõi đời này có hàng triệu triệu người mong ước được đến sinh sống trên đất Mỹ. Đồng thời cũng có triệu triệu người căm ghét nước Mỹ. Tôi còn nhớ biến cố 911 khủng bố tấn công nước Mỹ, phần lớn loài người đều sững sờ kinh ngạc và biểu lộ lòng thương xót đến nước Mỹ. Nhưng không phải là tất cả, trong những giờ phút đầu tiên của biến cố, người Palestine đã đổ ra đường hò reo mừng rỡ cho thắng lợi của những người tử vì đạo. Có một phái đoàn báo chí một nước Á Châu lúc đó được mời đến thăm viếng Mỹ. Khi biến cố xảy ra họ đang đứng trong Trung tâm Báo chí, và đã có thái độ hân hoan vui mừng trong khi đất nước này đang chìm trong đau khổ. Ngay lập tức họ đã bị trục xuất ra khỏi nước Mỹ và vĩnh viễn những con người này không bao giờ được phép đặt chân đến Mỹ. Vui mừng trước nỗi đau của đồng loại là hành vi man rợ, cho nên họ rất xứng đáng nhận lãnh hình phạt này. Nước Mỹ không hề đụng chạm đến đất nước họ, chỉ vì nước Mỹ giàu mạnh hơn, và dân Mỹ sống sung sướng hơn dân nước họ, chỉ đơn giản vậy thôi. Nhà văn NNN đã viết một câu rất hay:"... Có những người không chịu nỗi sự thành công của người khác. Bởi vì họ cứ coi sự thành công của người khác là sự thất bại của chính mình."

Người Việt cũng vậy, có rất nhiều người mê Mỹ và cũng có rất nhiều người ghét Mỹ. Từ sau biến cố 1975 người Việt đã tìm mọi cách để đến Mỹ. Sau khi phong trào vượt biên chấm dứt người ta tiếp tuc ra đi bằng nhiều cách, hợp pháp hay bất hợp pháp. Hợp pháp là đi theo con đường bảo lãnh thân nhân, cha mẹ, vợ con, hôn thê, hôn phu và sau này thêm diện đầu tư. Bất hợp pháp bằng cách du học du lịch rồi ở lại luôn, hay tìm cách kết hôn giả với người có quốc tịch. Giả thử có người mất vài chục ngàn đô cho công việc bất hợp pháp này, thì suy cho cùng họ còn quá lời. Cái lời trước mắt là con cái được hấp thụ một nền giáo dục ưu tú nhất thế giới, nếu còn ở trong nước mà muốn cho con đến Mỹ du học hàng năm phải tốn khoảng 20 ngàn đô. Còn nữa, món lời lớn nhất không thể tính bằng tiền bởi vì nó vô giá, đó là được sống trong môi trường xã hội quá lý tưởng, mà người Mỹ đã cố công gầy dựng từ hồi mới lập quốc cho đến bây giờ.

Một xã hội nề nếp, tất cả mọi đường lối chính sách đều rất minh bạch. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không có giai cấp nào, một thế lực hay đảng phái nào được đứng ngoài và đứng trên pháp luật. Mọi người sinh ra đời đều được tôn trọng như nhau, đều có cùng một cơ hội tiến thân như nhau. Cho nên nếu anh nghèo, anh thất bại, anh học hành ngu dốt, là do anh chứ không phải do lỗi của xã hội, không hề có cảnh con quan thì được làm quan, con sãi ở chùa thì quét lá đa. Một xã hội có tính ưu việt vượt trội quá xa những xã hội khác, tôi không dám kể ra đây nhiều nữa sợ nhiều người chạnh lòng.

Có người Việt chưa hề đặt chân đến nước Mỹ ngày nào, nhưng cũng ghét nước Mỹ thậm tệ. Hàng ngày họ xem phim ảnh, thời sự tin tức, họ thấy những cảnh bạo lực ghê rợn cướp của giết người hay sexy khêu gợi, hay mấy vụ cảnh sát bắn chết người da đen... xem riết rồi họ đâm ra ghê tởm nước Mỹ, và còn cho rằng những người Việt qua tới Mỹ rồi đi làm những chuyện xấu xa, là do:" Quít trồng ở Giang Nam thì ngọt, mang trồng ở Giang Bắc thì chua..." đúng là dạng người ếch ngồi đáy giếng.

Có người cứ mở miệng ra là chửi Mỹ như tạo ra cho mình một style lạ, hay chứng tỏ ta đây cũng có một thời "chống Mỹ cứu nước" nhưng thật ra không phải vậy, họ nói một đằng làm một nẻo. Đây là một trường hợp điển hình, hãy nghe nghệ sĩ Kim Tuyến nhận xét về nghệ sĩ Bạch Tuyết: "BT thù ghét nước Mỹ nhưng tại sao lại thích đi Mỹ. Cho con học ở Mỹ rồi lại lấy vợ Mỹ. Phải chăng BT muốn tìm một bãi đáp an toàn sau này ở Mỹ..."

Trong cộng đồng người Việt tại Mỹ có một hạng người không giống ai. Nếu họ là người homeless, hay cuộc đời gặp toàn thất bại thì không có gì đáng nói. Đàng này họ sống trên đất Mỹ đã vài chục năm, làm ăn sinh sống khá thành đạt cũng có của ăn của để, con cái học hành thành tài. Vậy mà hễ cứ có dịp là họ chửi Mỹ, nào là làm ra bao nhiêu tiền, bảo hiểm và sở thuế ăn hết, chủ tư bản bóc lột đến tận xương tủy (câu này sao nghe quen quen!) Có người thấy vậy chướng mắt bèn nói móc họng: "Nếu ông thấy sống ở Mỹ có quá nhiều điều không ưng ý, thì ông nên về Việt Nam sinh sống để khỏi vướng mắt đến những điều này." Lặng thinh! không nghe câu trả lời, những người này rất xứng đáng mang cái tên là "ăn cháo đá bát".

Suy cho cùng, để cảm nhận thật sự nước Mỹ phải có thời gian để cho cái "chất Mỹ" nó ngấm vào người. Chứ còn chỉ đi du lịch hay thăm thân nhân vài ba tháng, hay được bảo lãnh qua Mỹ sống vài năm, thì thật tình chưa biết gì nhiều về nước Mỹ. Những người đó cảm thấy nước Mỹ sao chán ngắt, vừa buồn hiu vừa lạnh lùng. Đi đâu cảnh vật cũng từa tựa như nhau, giống y như câu thơ của Nguyên Sa:" Trời trên đất khách buồn vô hạn. Trăng rất quen mà vẫn chẳng quen.". Thời giờ lúc nào cũng eo hẹp, cặp mắt cứ láo liên ngó đồng hồ. Không hề có cảnh sáng cà phê cà pháo cả tiếng đồng hồ, chiều lai rai bia bọt, kiếm người tán gẫu không phải dễ. Cái xứ gì mà người ta phải ôm đồm đủ thứ nợ: nợ nhà, nợ xe, nợ thuế, nợ bảo hiểm, nợ thẻ tín dụng... Cho nên có rất nhiều người Việt qua Mỹ một thời gian rồi lại quay về cố quốc.

Muốn cái "chất Mỹ" nó ngấm vào người theo tôi nghĩ cũng phải mất cỡ 5 năm. Khi nào người ta thấy nỗi nhớ nhà nó dịu lại, nhìn cảnh vật chung quanh không còn thấy buồn như trước. Vào mùa Đông trời chớm lạnh ra đường thản nhiên vận áo T shirt, điều đó có nghĩa là không còn sợ lạnh như những năm tháng đầu đến Mỹ. Ra đường gặp ai bất kể lạ hay quen đều gật đầu chào:" Hello! How are you doing". Nói chuyện với người Mỹ không còn dùng body language nữa. Ăn uống không còn thuần túy: bún bò Huế, hủ tíu, mì phở... mà còn thích hamburger, hog dog, pizza, sushi, pasta... Khi nào cảm thấy vui với cái vui của nước Mỹ và buồn với cái buồn của người Mỹ, là coi như không còn có thái độ bàng quang như trước kia, là biết con người mình đã đổi khác. Cuối cùng một điều quan trọng nhất, là khi ta quay về cố quốc, lòng chợt bàng hoàng thảng thốt, đất nước không còn giống như trong tâm tưởng nữa rồi, mọi chuyện đời đều đã thay đổi... và một ý nghĩa buồn rầu nẩy ra là mong sao sớm trở về nước Mỹ. Như ai đó đã nói một câu như là chân lý: "Nước Mỹ không phải là Thiên đường, nhưng là một nơi đáng sống nhất trên cõi đời này".

Ngô Đình Châu

Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài Gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội ...






--
Phan Cao Tri

Visit Thần Phong TaeKwonDo Australia  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét