Bài đăng nổi bật

Nghe 100 Truyện ngắn của Tràm Cà Mau

  Nghe 100 Truyen Ngan Cua Tram Ca Mau ( Tac gia không giữ bản quyền.) bấm mỗi dòng dưới đây để nghe một truyện: Tuoi Gia La Tuoi Sung Suong...

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

HAI NHÀ CÁCH MẠNG KHẢ KÍNH HỌ PHAN - PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.


http://art2all.net/tho/phamdinhlan/hainhacachmanghophan.html


 
HAI NHÀ CÁCH MẠNG KHẢ KÍNH HỌ PHAN *
 
    
Phan Châu Trinh       -      Phan Bội Châu
 
          Là người Việt Nam có học và ưu ái đến lịch sử nước nhà không ai không biết đến hai nhà cách mạng Việt Nam thời cận đại: Phan Bội Châu (1867- 1940) và Phan Châu Trinh.(1872- 1926). Cả hai đều là người miền Trung, khoa bảng xuất thân nhưng không theo nghiệp quan trường mà dấn thân vào đường cách mạng.

Phan Bội Châu đậu giải nguyên hương thí năm 1900.

Phan Châu Trinh đậu phó bảng năm 1901. Ông làm Hành Khiển trong bộ Lễ dưới triều vua Thành Thái và dưới quyền của thượng thơ Ngô Đình Khả, thân sinh của ông Ngô Đình Diệm sau này là tổng thống Việt Nam Cộng Hòa. Không bao lâu ông rũ áo từ quan để dấn thân vào đường cách mạng vì chán ghét cảnh quan trường thời phong kiến và bảo hộ Pháp.

Phan Bội Châu cùng Tiểu La Nguyễn Thành, Đỗ Đăng Tuyển thành lập Việt Nam Duy Tân Hội năm 1904. Năm 1905 ông là linh hồn của Phong Trào Đông Du. Hoạt động cách mạng ở hải ngoại, Phan Bội Châu quen biết với Leang Ki- chao (Lương Khải Siêu), Sun Yat Sen (Tôn Dật Tiên), các chánh khách Nhật Bản như Okuma Shighenobu (1838- 1922- Đại Ôi Trọng Tín), Inukai Tsuyoshi (1855- 1932- Khuyến Dưỡng Nghị), thủ lãnh đảng Rikken Seiyukai (Thân Hữu Chánh Quyền Lập Hiến từ năm 1924 đến khi bị ám sát chết năm 1932). Okuma từng là thủ tướng Nhật Bản năm 1898 và 1914- 1916. Inukai là thủ tướng Nhật vào năm 1931- 32, thời kỳ chế độ quân phiệt đang trỗi dậy mạnh ở Nhật. Ông bị ám sát chết vào năm 1932, năm Nhật Bản cho ra đời Mãn Châu Quốc và đưa vị hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh là Pu Yi (Phổ Nghi) về làm vua. Leang Ki-chao (1873- 1929) và thầy là Kang Yu-wei (1858- 1927-Khang Hữu Vi) là cố vấn của hoàng đế Kuang Hsu (Quang Tự) trong cuộc canh tân 100 ngày năm 1898. Thất bại Leang sống lưu vong ở Nhật. Sun Yat- sen (1866- 1925) là linh hồn của cách mạng Tân Hợi (1911) gặp Phan Bội Châu ở Nhật trước khi cách mạng Tân Hợi thành công.

Phan Châu Trinh được xem như linh hồn của Phong Trào Duy Tân. Ông là nhà nho không mặn nồng với tư tưởng phong kiến Trung Hoa mà say sưa với tư tưởng dân chủ Tây Phương. Ông biết Contrat Social của Jean Jacques Rousseau hay Esprit des Lois của Montesquieu qua các sách dịch chữ Hán của các nhà tư tưởng Trung Hoa. Trong xã hội phong kiến chịu ảnh hưởng của Khổng Giáo học hành, thi cử là phương thức tiến thân và cải thiện cuộc sống nên người ăn học phải:
Dồi mài kinh sử để chờ kịp khoa.

Nhiều phụ nữ lao động cực nhọc để cho chồng dồi mài kinh sử với hy vọng chồng đỗ đạt để có cảnh:
Võng anh đi trước
Võng nàng theo sau.

Lúc làm việc trong bộ Lễ, Phan Châu Trinh thấy vài quan lại trong triều đạt đỉnh cao danh vọng nhờ tiếng Pháp, chữ quốc ngữ và đạo Thiên Chúa như trường hợp thượng thơ Nguyễn Hữu Bài và Ngô Đình Khả chẳng hạn. Phan Châu Trinh chấp nhận tầm quan trọng của tiếng Pháp và chữ quốc ngữ không phải để được tiến thân trên hoạn lộ mà để học hỏi dân chủ, khoa học kỹ thuật và để tách rời khỏi ảnh hưởng văn hóa phong kiến Trung Hoa ăn gốc rễ ở nước ta hàng ngàn năm qua.

Phan Bội Châu là một nhà nho từ mái tóc, bộ râu cho đến áo quần và đôi dép dưới chân.

Phan Châu Trinh là nhà nho hớt tóc ngắn, để râu kiểu Napoleon III, Nicholas II hay Meiji tenno (Minh Trị), mặc Âu phục có cà vạt và mang giày da.

Phan Bội Châu chủ trương theo chế độ quân chủ lập hiến với Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, hậu duệ của dòng hoàng tử Cảnh, làm minh chủ. Chủ trương của Phan Bội Châu cho thấy ông chịu ảnh hưởng sâu đậm của Khổng Giáo gắn liền sự trung quân với lòng yêu nước. Vào năm 1885 Phan Bội Châu từng hưởng ứng Phong Trào Cần Vương do vua Hàm Nghi phát động mặc dù lúc ấy ông mới 18 tuổi. Khi lãnh đạo Phong Trào Đông Du Phan Bội Châu tranh thủ sự giúp đỡ của Nhật. Việc tôn vinh Cường Để nhằm mục đích làm vừa lòng Nhật vì nước này theo chế độ quân chủ lập hiến dù rằng hiến pháp 1889 không do các dân biểu quốc hội làm ra mà là sản phẩm nghiên cứu của Ito và các nhà luật học Nhật dựa vào hiến pháp của Đức dưới thời Bismarck.

Vì say mê dân chủ Phan Châu Trinh hoàn toàn thất vọng với Cường Để khi đến Nhật. Trên đất khách Kỳ Ngoại Hầu Cường Để xưng là vua Gia Thanh và bắt các sinh viên Đông Du dự lễ thiết triều mỗi ngày Một cuộc tranh cãi dữ dội diễn ra giữa Phan Châu Trinh và Cường Để năm 1906 trên đất Nhật. Phan Châu Trinh trở thành nhà nho Việt Nam đầu tiên công khai chống chế độ quân chủ. Ông đả kích vua Khải Định khi sang Pháp dự cuộc đấu xảo ở Marseille năm 1922. Năm 1925 ông về Sài Gòn từ Pháp chớ không về tỉnh Quảng Nam, sinh quán của ông vì tỉnh nằm trên vùng đất bảo hộ nơi còn ảnh hưởng của vua quan Nam triều.

Trong cuộc đấu tranh giành độc lập Phan Bội Châu nghĩ đến việc cầu viện Nhật khi lãnh đạo Phong Trào Đông Du. Chiến thắng của Nhật trước hạm đội Baltic của Nga năm 1905 tại eo biển Tsushima (eo Đối Mã) trong vòng 38 phút gây phấn khởi cho nhà cách mạng Phan Bội Châu với ý nghĩ đơn giản rằng ta có thể cầu viện Nhật, một quốc gia đồng châu, đồng hoàng chủng để đánh đuổi Pháp giành độc lập. Nhật không giúp đỡ lại còn yêu cầu ông rời khỏi nước Nhật sau khi nước này ký hiệp ước với Pháp năm 1907 để được nước này cho vay 300,000,000 francs mà Nhật cần sau khi chiến thắng Nga. Rời Nhật, Phan Bội Châu đi Trung Hoa rồi Xiêm La (Thái Lan sau này). Khi hay tin Sun Yat- sen cầm quyền sau khi cách mạng Tân Hợi thành công Phan Bội Châu rời Xiêm La đi sang Trung Hoa với hy vọng được sự giúp đỡ của Trung Hoa. Một lần nữa ông bị thất vọng vì địa vị của Sun Yat-sen ở Trung Hoa bấp bênh trước sự đe dọa của Yuan Shi-kai (Viên Thế Khải). Phe cách mạng của Sun Yat-sen chỉ mạnh ở miền Nam. Trái lại ở miền Bắc nhà Thanh vẫn còn mạnh. Yuan Shi- kai (Viên Thế Khải) là tướng người Hán từng được Cixi (Từ Hi) tin cậy cho nắm quân đội trong tay. Yuan Shi-kai cho Sun Yat-sen biết ông có quân đội và sẽ làm áp lực cho Pu- yi (Phổ Nghi) thoái vị với điều kiện Sun Yat-sen trao quyền tổng thống cho ông. Nếu không, ông sẽ dùng quân đội đánh dẹp phe cách mạng của Sun Yat-sen. Vì không có lực lượng quân sự mạnh, Sun Yat-sen đành phải nhượng bộ Yuan Shi- kai. Lần này Phan Bội Châu chịu ảnh hưởng của Quốc Dân Đảng (Kuomintang) do Sun Yat-sen thành lập khi lập ra Việt Nam Quang Phục Hội (1912). Ông chọn chánh thể Cộng Hòa thay vì chế độ quân chủ lập hiến. Cường Để sẽ là tổng thống và ông là thủ tướng.

Phan Châu Trinh có vẻ thực tế hơn. Ông không nghĩ đến việc cầu viện nước khác trong mưu cầu độc lập của quê hương mình. Sự suy nghĩ của ông rất thực. Ông mường tượng đến cảnh đuổi cọp rước beo vào nhà hay cảnh nhờ kẻ cướp đánh kẻ cướp khác đang ở trong nhà để rồi nhà sẽ mất vì kẻ cướp mà mình nhờ vả.

Phan Bội Châu có vọng động trước chiến thắng của Nhật (hoàng chủng) trước Nga (bạch chủng) và trước sự thành công của cách mạng Tân Hợi. Ông phấn khởi vì mâu thuẫn giữa Pháp và Đức nên năm 1913, trong lúc ở trong ngục thất Guangzhou (Quảng Châu), ông ra lịnh Nguyễn Thượng Hiền sang Bangkok liên lạc với viên đại sứ Đức để nhận một số tiền giúp đỡ để mua võ khí.

Phan Châu Trinh là một nhà nho không bị xao động trước cách mạng Tân Hợi của Trung Hoa năm 1911. Đó là năm ông được sang Pháp để có cơ hội tìm hiểu thêm về dân chủ Tây Phương. Sống nghèo khổ và thiếu thốn và từng ở tù ở Paris vì bị nghi ngờ liên lạc với Đức (1915) ông không bị xao động vì cách mạng vô sản của Lenin thành công ở Nga năm 1917 cũng không lay chuyển vì chủ nghĩa Marx. Ông gởi thơ gọi Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh sau này) về Paris khi Thành làm thợ nhồi bột làm bánh ngọt cho một nhà hàng ở Anh. Ông giúp cho Nguyễn Tất Thành mưu sinh bằng nghề rửa ảnh. Ông cho Thành làm quen với các nhà trí thức Việt Nam ở Paris lúc bấy giờ như tiến sĩ Phan Văn Trường, kỹ sư Nguyễn Thế Truyền, luật gia Nguyễn An Ninh. Phan Châu Trinh là bạn đồng liêu của ông Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) ở bộ Lễ. Cả hai ông Phan Châu Trinh và Nguyễn Sinh Sắc đều là phó bảng trong kỳ thi Hội năm 1901 ở Huế. Nhưng từ khi Nguyễn Tất Thành dưới bí danh Nguyễn Ái Quấc (dịch từ bút ký tập thể của nhóm Ngũ Long Paris: NGUYEN, LE PATRIOTE) gia nhập đảng Cộng Sản Pháp, liên hệ giữa hai người trở nên lạnh nhạt. Từ đó Nguyễn Tất Thành đoạn tuyệt với cha (Nguyễn Sinh Sắc) vì đã xúc phạm đến người đồng liêu khả kính của cha ông. Ông Sắc mất chức tri huyện Bình Khê, Bình Định năm 1910, và sống vất vưởng ở Sài Gòn rồi Cao Lãnh dưới sự trợ giúp của một điền chủ hào sảng họ Lê.

Thời gian qua cho thấy đường lối duy tân, đấu tranh bất bạo động và tự lực cánh sinh của Phan Châu Trinh rất đúng vì tiết kiệm xương máu, bảo toàn tài nguyên đất nước, đảm bảo sự đoàn kết dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao dân trí, dân sinh, dân quyền, đẩy mạnh sự phát triển kinh tế quốc gia. Tất cả những yếu tố đó đảm bảo độc lập lâu dài, phồn vinh đất nước và đoàn kết dân tộc chớ không phải chủ nghĩa Marx- Lenin vô địch hay chủ nghĩa anh hùng cách mạng gì cả.

Trở về với Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh ta thấy Phan Bội Châu chủ trương bạo động. Phan Châu Trinh chủ trương bất bạo động giữa lúc dân ta còn kém về mọi mặt. Bạo động trong thế yếu chỉ đổ máu vô ích. Càng đổ máu càng tạo nhiều hận thù. Sự đoàn kết dân tộc rạn nứt. Cầu viện nước khác thì có khác gì đuổi kẻ cướp này để rước kẻ cướp khác? Phan Châu Trinh không có cái nhìn lạc quan về chiến khu Yên Thế của Hoàng Hoa Thám. Nhưng đừng hiểu lầm và đồng hóa đường lối đấu tranh ôn hòa của Phan Châu Trinh với chủ trương Pháp- Việt Đề Huề của Bùi Quang Chiêu. Ông Bùi Quang Chiêu là người Tây học giàu có, có Pháp tịch. Ông đấu tranh cho giới trí thức Tây học và một thiểu số trí thức tư sản ở Nam Kỳ mà thôi. Phan Châu Trinh đấu tranh buộc Pháp phải mở mang học đường, bịnh viện, đường sá, chống sưu cao, thuế nặng. Ông chủ trương mở mang dân trí, bãi bỏ những cổ tục lạc hậu, lỗi thời, phát triển công thương nghiệp để giành quyền chủ động kinh tế trong nước. Nhiều người Quảng Nam trở thành những nhà kỹ nghệ, những thương gia và nhà kinh doanh có tầm vóc lớn trong nước trong ngành hàng không, ngân hàng, kiến trúc, kỹ nghệ dệt... há không chịu ảnh hưởng của đường lối duy tân của Phan Châu Trinh sao? Phan Châu Trinh đấu tranh cho tương lai xứ sở và dân tộc chớ không riêng cho thiểu số ưu đãi nào. Bản án tử hình dành cho Phan Châu Trinh năm 1908 và án lưu đày cho nhiều nhà nho yêu nước như Tiểu La Nguyễn Thành, Huỳnh Thúc Kháng ... và cái chết đau thương của ông nghè Trần Quí Cáp cho thấy thực dân Pháp lo sợ sự thành công của Phong Trào Duy Tân của Phan Châu Trinh thể hiện qua sự thành lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội năm 1907 và cuộc biểu tình chống sưu thuế ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Thừa Thiên năm 1908 mà thời bấy giờ người ta gọi một cách mỉa mai là ‘loạn đầu bào’ vì người biểu tình cắt tóc ngắn trước khi tham dự biểu tình.

Phan Bội Châu là người tỉnh Nghệ An. Dưới thời Bắc thuộc Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh là vùng hoang vu núi rừng hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt. Đó là thành lũy đối kháng chống chánh quyền đô hộ Trung Hoa ngự trị trên châu thổ sông Hồng.

Triệu Thị Trinh khởi nghĩa ở Thanh Hóa vào thế kỷ III sau Tây Lịch.

Mai Hắc Đế (Mai Thúc Loan) khởi nghĩa ở Nghệ An vào thế kỷ VIII sau Tây Lịch.

Lê Lợi khởi nghĩa vào thế kỷ XV ở Thanh Hóa.

Các vua nhà Hậu Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn và các vua nhà Nguyễn đều gốc ở Thanh Hóa.

Phan Bội Châu thừa hưởng tinh thần đối kháng của người Thanh- Nghệ- Tĩnh và tư tưởng Khổng Mạnh mà thôi. Hồ Chí Minh cũng có những đặc điểm tương tự cộng thêm với tư tưởng cực đoan, độc đoán và sắt máu mà ông được dạy ở Liên Sô vào năm 1924 và 1934. Những cuộc bạo động của Việt Nam Quang Phục Hội như vụ nổ bom ở khách sạn Hà Nội, ám sát tuần phủ Nguyễn Duy Hàn, âm mưu ám sát toàn quyền Albert Sarraut ở trường thi Nam Định (1913), việc tấn công đồn Tà Lùng năm 1915, âm mưu khởi nghĩa ở Huế năm 1916, cuộc khởi nghĩa ở Thái Nguyên năm 1917 do Lương Ngọc Quyến và Trịnh Văn Cấn cầm đầu chỉ gây tiếng vang chớ không có kết quả quyết định. Hầu hết những biến động trên đều do Việt Nam Quang Phục Hội điều khiển từ Trung Hoa. Lâm Đức Thụ tức Nguyễn Công Viễn sống ở Trung Hoa, có vợ giàu có ở Guangzhou và làm công tác tình báo cho Pháp dưới bí danh Pinot há không báo cho Pháp biết về hoạt động của Việt Nam Quang Phục Hội khi đưa người vượt biên giới Việt- Trung về nước? Lâm Đức Thụ từng là thành viên Việt Nam Quang Phục Hội. Năm 1923 ông cùng Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Nguyễn Hải Thần tách rời khỏi Việt Nam Quang Phục Hội để cho ra đời Tam Tâm Xã gồm những thành viên trẻ chủ trương bạo động mạnh hơn chủ trương của Phan Bội Châu. Phạm Hồng Thái là thành viên của Tam Tâm Xã. Ông lãnh nhiệm vụ ám sát toàn quyền Merlin năm 1924 khi giả dạng làm một ký giả chụp ảnh. Cuối năm 1924 Nguyễn Ái Quấc (Hồ Chí Minh sau này) đến Guangzhou phục vụ cho Borodin, cố vấn Liên Sô bên cạnh Sun Yat-sen, dưới tên Lý Thụy. Họ Lý là họ giàu có nổi tiếng ở Guangzhou thời ấy. Không biết do sự móc nối hay sắp xếp nào sẵn, Lý Thụy sống trong nhà của Lâm Đức Thụ tức Nguyễn Công Viễn. Hầu hết những thành viên sáng lập Tam Tâm Xã, ngoại trừ Nguyễn Hải Thần, đều ngả theo Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội của Lý Thụy. Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lâm Đức Thụ cùng Lý Thụy sáng lập ra Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội vào tháng 06 năm 1925. Một số vốn liếng chánh trị to lớn của Phan Bội Châu từ Việt Nam Quang Phục Hội, Tam Tâm Xã đã tan biến để trở thành Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội gọi tắt là Thanh Niên, một tổ chức tiền thân của đảng Cộng Sản Việt Nam. Cuối tháng 06 năm 1925 có tin Phan Bội Châu bị Pháp bắt ở Shanghai (Thượng Hải) trên tô giới Pháp khi sắp dùng xe lửa xuống miền Nam thăm viếng mộ Phạm Hồng Thái. Dư luận cho rằng Lâm Đức Thụ tức Pinot tức Nguyễn Công Viễn và Lý Thụy chỉ điểm cho Pháp bắt nhà cách mạng Phan Bội Châu để nhận 100,000 đồng tiền thưởng. Vào thời ấy lương tháng một công chức ở địa phương xê dịch từ 25- 30 đồng. Cụm từ tiền muôn bạc vạn (10,000) cho thấy đó là con số quá lớn lao không bao giờ có được! Như vậy 100,000 đồng tiền thưởng là con số quá lớn để Lâm Đức Thụ thụ hưởng cuộc sống vinh sang của người làm ‘cách mạng’ và Lý Thụy (Hồ Chí Minh) có nhiều tiền để phát triển hột giống Cộng Sản trên lãnh thổ Trung Hoa trước khi xâm nhập vào Việt Nam. Phan Bội Châu bị bắt và đưa về Hà Nội xử án. Lý Thụy thừa hưởng mọi thành quả do nhà cách mạng họ Phan tạo ra ở Trung Hoa, Xiêm La và trong nước. Bản án tử hình mà tòa án Pháp dành cho nhà cách mạng khả kính Phan Bội Châu khuấy động sự căm thù và lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam. Sinh viên, học sinh Việt Nam biểu tình chống bản án khắc nghiệt này khiến Pháp phải chuyển bản án thành án an trí ở Huế. Phan Bội Châu vẫn còn sống nhưng không hoạt động được.

Phan Bội Châu và Hồ Chí Minh đều chủ trương bạo động. Sự bạo động của Phan Bội Châu thất bại. Đó là sự thất bại của bản thân ông và tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội của ông. Nó chưa mang độc lập cho xứ sở nhưng không gây phương hại gì cho đất nước và dân tộc.

Hồ Chí Minh thành công trong bạo lực cách mạng. Kỳ lạ thay! sự thành công của Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam không mang độc lập, tự do và hạnh phúc cho đất nước và dân tộc. Trái lại nó mang lại cho đất nước và dân tộc Việt Nam lắm tai họa đau thương: đất nước bị chia đôi (1954), chiến tranh kéo dài triền miên từ 1945 đến 1975; tài nguyên xứ sở kiệt quệ, xương máu, mồ hôi và nước mắt của hàng chục triệu người Việt Nam đã đổ; hàng triệu người rời bỏ nơi sinh quán thậm chí vĩnh viễn rời bỏ quê hương để tìm tự do và lẽ sống trên xứ lạ quê người (04 triệu người sau năm 1975); đoàn kết dân tộc tan nát; đất nước không toàn vẹn lãnh thổ sau chiến tranh (Hoàng Sa, Trường Sa, mất đất ngoài biên giới- hiệp ước 1999 và 2000) và rơi vào cảnh nô lệ khắc nghiệt và nhục nhã hơn xưa! Việt Nam độc lập, thống nhất và là thành viên của LHQ sao lại phải tôn trọng Bốn Tốt và Mười Sáu Chữ Vàng do Trung Quốc áp đặt khi bang giao với nước này? Sao lại thấy xuất hiện cờ Trung Quốc với 05 sao nhỏ chầu một ngôi sao lớn trên lãnh thổ Việt Nam? Sao tượng Lý Thái Tổ được làm ở Trung Quốc? và ngày Ngàn Năm Thăng Long tổ chức vào ngày Quốc Khánh của Trung Quốc (01- 10)? Sao trong ngày lễ Thương Binh 27-07-2015 lại phải trỗi nhạc Trung Quốc tựa đề Khát Vọng Đoàn Tụ <với Trung Quốc>? Vì sao tướng Phùng Quang Thanh, tổng trưởng bộ Quốc Phòng, ‘tâm tư’ khi thấy người dân Việt Nam chán ghét sự hù dọa và thái độ trịch thượng của Trung Quốc về vấn đề biển đảo?

Phan Châu Trinh người tỉnh Quảng Nam, tỉnh trung tâm của nước Việt Nam. Xưa kia vùng này là vùng đất trù phú của Chiêm Thành. Thuyền bè Trung Hoa, Mã Lai, Indonesia, Ả Rập thường lui tới buôn bán. Vào thế kỷ XVII Hội An là một cảng thương mại quan trọng ở Đàng Trong. Tên gọi Faifo âm từ chữ ‘Phải Phố?’ cho thấy tầm quan trọng của nó đối với thương nhân ngoại quốc. Thương nhân Nhật, Trung Hoa và các nước Nam Á đều đến đó để trao đổi hàng hóa. Đạo Thiên Chúa do các nhà truyền giáo dòng Jesuit sớm đến Quảng Nam. Vào thập niên 1920 đạo Tin Lành du nhập vào Việt Nam qua Quảng Nam, Mỹ Tho, Cần Thơ, Hải Phòng. So với Nghệ An, Quảng Nam tiếp xúc với người ngoại quốc nhiều hơn. Về mặt kinh tế thương mại Quảng Nam cũng có điểm trội hơn. Quảng Nam là trung tâm của nước Việt Nam nơi tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa, văn hóa Nhật, văn hóa Ấn Giáo, Hồi Giáo (Chiêm Thành), văn hóa Khmer, văn hóa Thiên Chúa Giáo, văn hóa Tin Lành. Sự tiếp xúc này giúp cho Phan Châu Trinh có tầm nhìn rộng hơn các nhà nho sùng bái Khổng Giáo khác trong nước. Từ việc hớt tóc ngắn, để râu kiểu Napoleon III, Nicholas II hay Meiji, việc mặc Âu phục, mang giày da đến tư tưởng duy tân và sự say mê dân chủ Tây Phương cho thấy Phan Châu Trinh là người sáng suốt và can đảm vì ông tương đối đơn độc trong đường hướng của ông.

Phan Châu Trinh là nhà cách mạng Việt Nam duy nhất thoát chết sau khi bị tuyên án tử hình nhờ sự can thiệp của Hội Quốc Tế Nhân Quyền. Án tử hình được chuyển thành án lưu đày ra Côn Đảo rồi bị an trí ở Mỹ Tho. Năm 1911 ông đến Paris. Năm 1915 ông và Phan Văn Trường bị bắt giam trong ngục La Sante vì bị tình nghi có liên lạc với Đức. Năm 1917 hai ông được tự do. Phan Châu Trinh cùng các ông Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh), Nguyễn An Ninh thành lập nhóm Ngũ Long viết những bài tham luận chánh trị đăng trên báo Xã Hội của Pháp dưới bút ký Nguyễn Ố Pháp sau đổi thành Nguyễn Ái Quốc (Nguyen, Le Patriote). Năm 1919 nhóm này thảo Chương Trình Tám Điểm gởi cho đại diện Tam Cường tại Hội Nghị Versailles. Chương Trình Tám Điểm này do Nguyễn Tất Thành mang đến văn phòng thơ ký của hội nghị. Từ đó trong nước ai cũng biết đến nhân vật Nguyễn Ái Quốc. Người mang văn kiện trở thành tác giả của văn kiện đấu tranh cho độc lập xứ sở! Năm 1925 Phan Châu Trinh về Sài Gòn. Phan Văn Trường và Nguyễn An Ninh cũng đã về Sài Gòn. Phan Châu Trinh tạm sống trong nhà Nguyễn An Ninh ở Mỹ Huề, Hốc Môn, Gia Định. Ông mất năm 1926 và được chôn ở Tân Sơn Hòa. Dân miền Nam dành cho ông một đám tang trọng thể nhất trong lịch sử mặc cho sự theo dõi của mật thám Pháp. Sau đó lễ truy điệu Phan Châu Trinh được tổ chức. Nhiều học sinh bị đuổi học vì tham dự lễ truy điệu này.
 
Đám tang trọng thể của Cụ Phan Châu Trinh ở Sài Gòn
Tượng đồng Cụ Phan Bội Châu tại Huế
 do điêu khắc gia Lê Thành Nhơn tạc 1974 (*)

Mười bốn năm sau ngày Phan Châu Trinh mất, nhà cách mạng Phan Bội Châu âm thầm vĩnh biệt toàn dân Việt Nam tại Huế nơi ông được gọi là Ông Già Bến Ngự.

****

Phan Châu Trinh viết thơ gọi Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) về Paris khi ông vừa mới được tự do dưới thời thủ tướng Clémenceau, người được gọi là Con Cọp Già trong đệ nhất thế chiến. Nguyễn Tất Thành học hỏi chánh trị khi sống gần các ông Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn An Ninh, người trẻ tuổi nhất trong nhóm Ngũ Long Paris. Không bao lâu người thanh niên xứ Nghệ ưa chuộng bạo động bắt đầu bất đồng ý kiến với nhà cách mạng duy tân xứ Quảng về chủ trương bất bạo động của ông. Đó là sự bất đồng ý kiến giữa người trẻ và người già. Nguyễn Tất Thành gia nhập đảng Cộng Sản Pháp ngay trong ngày thành lập năm 1920 khi ông được 30 tuổi. Lúc ấy Phan Châu Trinh 48 tuổi tức đã sống 80% cuộc đời của người có tuổi thọ lý tưởng 60 ngày xưa. Bất bạo động của Phan Châu Trinh không phải là hèn nhát không dám đương đầu với địch cũng không phải ngồi thụ động không làm gì của người há miệng chờ sung rụng. Nó xuất phát từ sự nhận xét về sự chênh lệch quá lớn trong tương quan lực lượng giữa ta và Pháp. Bạo động trong thế yếu, dân trí thấp, chỉ gây đổ máu vô ích mà thôi. Sự dị biệt giữa Phan Châu Trinh và Nguyễn Tất Thành càng lúc càng rộng lớn hơn sau khi Nguyễn Tất Thành gia nhập vào đảng Cộng Sản. Như đã thấy, Phan Châu Trinh không phấn khởi với cách mạng Tân Hợi của Trung Hoa, cũng không phấn khởi với cách mạng vô sản ở Nga do Lenin lãnh đạo. Ông không xao động trước những biến cố có tính thời đại lúc bấy giờ như Công Xã Paris, những bàn thảo sôi nổi về Đệ Nhị Quốc Tế và Đệ Tam Quốc Tế trong chánh giới Pháp.

Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu có nhiều khác biệt trong phương thức đấu tranh và định chế chánh trị sau khi nước nhà được độc lập nhưng cả hai đều tương kính lẫn nhau.

Phan Bội Châu và Nguyễn Tất Thành đều là người Nghệ An. Khi Phan Bội Châu phát động Phong Trào Đông Du, Nguyễn Tất Thành mới 15 tuổi. Ông vào Huế học. Nguyễn Tất Thành đương nhiên biết và nghe nhiều về những hoạt động của nhà cách mạng Phan Bội Châu. Chúng tôi không thấy tài liệu nào cho thấy nhà cách mạng khả kính này đã gặp Nguyễn Tất Thành lúc còn bé ở làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An cũng như lúc ông phục vụ cho Borodin ở Guangzhou cuối năm 1924 dưới tên Lý Thụy. Nhiều tài liệu cho rằng Lâm Đức Thụ và Lý Thụy chỉ điểm cho Pháp bắt Phan Bội Châu cuối tháng 06 năm 1925 nghĩa là vài ngày sau khi Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Minh Hội, tiền thân của đảng Cộng Sản Việt Nam, được thành lập, để nhận 100,000 đồng tiền thưởng. Cố nhiên các tài liệu của chánh phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam phủ nhận tin này. Những người biết rõ sự thật của chuyện này như Lâm Đức Thụ, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong---đều chết. Lâm Đức Thụ bị Việt Minh bỏ vào lồng tre dìm dưới sông Thái Bình. Hồ Tùng Mậu bị phi cơ Pháp bắn chết. Lê Hồng Phong bị Pháp bắt và chết ở Côn Đảo. Về chuyện này chúng ta thử đặt vài giả thuyết để tìm ra ‘sự thật tương đối’ nào đó:

1. Lâm Đức Thụ và Nguyễn Ái Quấc tức Lý Thụy (Hồ Chí Minh) quen biết và thân thiện như thế nào mà khi đến Guangzhou phục vụ cho Borodin Lý Thụy ở nhà của Lâm Đức Thụ? Lý Thụy (Hồ Chí Minh) người Nghệ An và chỉ sống ở đó 15 năm không có tên tuổi và sự nghiệp gì sao lại quen với Nguyễn Công Viễn (Lâm Đức Thụ), người Thái Bình xa lạ. Một người xứ Nghệ ở Pháp, sang Liên Sô rồi mới đến Guangzhou phục vụ cho viên chức Liên Sô, còn một người ở miền Bắc sang Trung Hoa dưới danh nghĩa hoạt động cách mạng bên cạnh Phan Bội Châu nhưng có vợ người Hoa giàu có, sống vinh sang và hút á phiện đã quen nhau trong trường hợp nào?

2. Lâm Đức Thụ hoạt động bí mật cho Sở Mật Thám Pháp dưới bí danh Pinot. Người hoạt động mật thám và tình báo không từ bỏ bất cứ phương tiện nào từ thanh cao đến dơ bẩn và tàn độc để đạt mục tiêu và hoàn thành nhiệm vụ của họ. Lý Thụy (HCM) há không được đào tạo hai khóa học về những công tác này? Hồ Chí Minh đã làm gì khi mang bí danh Lucius trong đệ nhi thế chiến? Việc ông thân thiện với Lâm Đức Thụ và được Thụ chứa chấp trong nhà hoàn toàn phù hợp với câu:
Qui se ressemble s’assemble
(Những kẻ giống nhau quần tụ với nhau)
(Ngưu tìm ngưu, mã tìm mã)

Dis moi qui tu hantes, je dirai qui tu es
(Hãy nói cho tôi biết anh giao du với ai, tôi sẽ nói anh là ai?)

3. Sự hợp tác giữa Lý Thụy (Hồ Chí Minh) và Lâm Đức Thụ là một cuộc hôn nhân tình báo (Pháp và Liên Sô) được hai bên tính toán kỹ lưỡng. Lý Thụy (HCM) dựa vào Lâm Đức Thụ để được sống tiện nghi và dùng bàn tay của Lâm Đức Thụ (phục vụ cho Pháp) để xóa vai trò lãnh đạo cách mạng của Phan Bội Châu ở hải ngoại, vừa được tiền thưởng của Pháp, vừa tóm thu mọi vốn liếng cách mạng do Phan Bội Châu gây dựng từ năm 1905 đến 1925 ở Trung Hoa, Xiêm La và trong nước. Lâm Đức Thụ sốt sắng với Lý Thụy để có vai trò quan trọng trong việc thành lập tổ chức tiền thân của đảng Cộng Sản hầu theo dõi hoạt động của tổ chức Cộng Sản này để báo cáo cho mật thám Pháp trong nước.

Sách báo Cộng Sản đề cao sự sáng suốt của Bác Hồ trong việc tìm đường cứu nước ở phương Tây để so sánh với Phong Trào Đông Du của Phan Bội Châu hướng về phương Đông. Các học giả Cộng Sản chê đường lối bất bạo động của Phan Châu Trinh và không ngớt lời ca ngợi bạo lực cách mạng của Bác Hồ thành công vẻ vang trong việc đánh bại đế quốc Pháp và đế quốc Mỹ.

Người địa phương đương thời ca ngợi tài làm thơ đối đáp của Phan Bội Châu bằng cách tặng cho ông danh hiệu Thánh Sống Nam Đàn. Các học giả Cộng Sản cho rằng danh hiệu đó dành cho Bác Hồ, người làng Sen, huyện Nam Đàn. Đây là một hình thức tiếm danh và ngụy biện. Hồ Chí Minh sinh năm 1890 (theo tài liệu chánh thức của Hà Nội) chỉ sống ở Nghệ An đến năm 1905 thì vào Huế học Quốc Học, vào Sài Gòn rồi sang Pháp sau khi tìm được một công việc làm dưới tàu. Ông biết chút chữ Hán, chữ Pháp và quốc ngữ chớ có thành tích thi cử nào sáng chói hay tác phẩm trứ danh nào để được người địa phương gọi là Thánh Sống.

Về học vị Phan Bội Châu là cử nhân Hán học. Ông là thủ khoa trong kỳ thi hương năm 1900. Ông là tác giả của Việt Nam Vong Quốc Sử, Lưu Câu Huyết Lệ Tân Thư, Khổng Học Đăng, Tự Phán, Hải Ngoại Huyết Thư, Nam Nữ Quốc Dân Tu Tri, Ngục Trung Thư v.v.

Phan Bội Châu là nhà cách mạng tiền phong khi có sáng kiến:
- thành lập Việt Nam Duy Tân Hội (1904) và Việt Nam Quang Phục Hội (1912)
- dùng văn thơ để quảng bá tư tưởng cách mạng với những bài thơ lâm ly, thống thiết
- vận động ngoại viện (Nhật, Trung Hoa, Đức)
- kích thích lòng yêu nước của Việt kiều ở Xiêm La (Thái Lan)
- thành lập chánh phủ lưu vong (1912)
- chọn quốc kỳ (Cờ Ngũ Tinh)

Hồ Chí Minh lập ra đảng Cộng Sản Việt Nam sau đổi thành đảng Cộng Sản Đông Dương năm 1930 sau khi được thụ huấn ở Moscow và làm theo chỉ thị của Stalin.

Phan Bội Châu kết thân với Leang Ki- chao (Lương Khải Siêu), Sun Yat-sen (Tôn Dật Tiên), cha đẻ của nền Dân Quốc Trung Hoa và Okuma, Inukai của Nhật.

Hồ Chí Minh chỉ là cán bộ Cộng Sản được bố trí phục vụ cho Borodin khi ông này làm cố vấn cho Sun Yat-sen trong thời kỳ Quốc- Cộng Liên Minh lần thứ nhất.

Phan Bội Châu viết Ngục Trung Thư trong thời gian bị giam giữ trong ngục thất Guangzhou (1913- 1917).

Hồ Chí Minh viết Nhật Ký Trong Tù khi ở tù ở Liaozhou (Liễu Châu) (1942- 1943).

Như vậy ai là người thực sự tìm đường cứu nước và có óc sáng tạo xứng đáng với danh hiệu Thánh Sống Nam Đàn? Phan Bội Châu hay Hồ Chí Minh?
 

****

Dù không thành công hai nhà cách mạng Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đều được toàn dân Việt Nam kính trọng, yêu vì. Nói một cách nghịch nhĩ rằng: Được sự thất bại của hai nhà cách mạng họ Phan đã là sự thành công to lớn rồi.

Phan Bội Châu hiến dâng trọn đời mình cho đất nước và dân tộc Việt Nam. Ông dành 20 năm hoạt động cách mạng ở Nhật, Trung Hoa, Xiêm La và 15 năm an trí ở Huế, sống xa cách vợ con và xã sinh quán từ năm 1905 đến ngày nhắm mắt lìa đời. Sự hy sinh cao cả của ông lôi cuốn theo sự hy sinh của hai người vợ và hai người con sống dưới sự de dọa của nhà cầm quyền địa phương trong hoàn cảnh thiếu thốn và thất học. Nhà cách mạng khả kính của dân tộc trút hơi thở cuối cùng trong nghèo khó với nỗi buồn dằng dặc vì mong ước giải phóng quê hương không thành. Con chim Việt vỗ cánh tung bay khắp bốn phương trời. Ngày trở về tổ trên cành Nam là ngày con chim nằm trong cái lồng gỉ mục. Tổ ấm vẫn còn xa.

Bằng nước mắt và sự đau nhói trong tim của một người vĩnh viễn xa quê hương tôi kính cẩn dâng một nén hương cho nhà cách mạng Phan Bội Châu và một nén hương cho nhà cách mạng Phan Châu Trinh đã có viễn kiến xây dựng cho tương lai một Việt Nam Độc Lập, Tự Do, Dân Chủ và Phồn Vinh.

 
PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.
_____
 
Chú thích của art2all.net : Mời đọc thêm
(*) 1. " Đưa Con Vô Nội " của Hồ Đình Nghiêm về quá trình tạc tượng .
     2.  "Di sản còn đó" của Trần Ngọc Bảo về căn nhà vườn ở Bến Ngự .
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét