Dia Cau
Cac em than men,
http://art2all.net/tho/phamdinhlan/phamdinhlan_chuyendiacau.html
Cac em than men,
Cac em vao art2all.net de doc bai Chuyen Dia Cau da viet 04 nam truoc, da co tren caidinh.com luc bay gio. Bai danh dau de doc.
Phung Thi Thanh doc ky bai nay de hieu ro hon nhung gi toi da noi voi em ve Long vi xa dau ma nguoi ta luon truyen tung va cho la Sam Trang Trinh.
Van Su Lanh
Thay Lan
phamdinhlan (david)
http://art2all.net/tho/phamdinhlan/phamdinhlan_chuyendiacau.html
PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.
CHUYỆN ĐỊA CẦU
Trái đất chúng ta đang sống thực sự đã già nua. Diện tích trái đất là 510.000.000 km2 (510 triệu km2). Châu vi 40.000 km. Trong 510 triệu km2 có 70% là biển cả, sông ngòi, ao, hồ. 30% còn lại là diện tích đất nổi, tức khoảng 150.000.000 km2 (150 triệu km2) Trong 150 triệu km2 đất nổi có: – 20% diện tích do núi rừng chiếm ngự. – 20% diện tích do tuyết băng chiếm ngự (Alaska, Siberia, Bắc Âu, bắc Canada, Greenland, Iceland ở Bắc Bán Cầu và Nam Băng Châu ở phía nam của Tân Tây Lan ở Nam Bán Cầu). – 20% diện tích do sa mạc chiếm ngự. – 10% phần trăm diện tích bị xâm thực gió mùa làm cho lớp đất mặt không còn nữa. – 30% diện tích đất dai còn lại là đất đai màu mỡ thuận tiện cho việc canh tác. Từ khi loài người xuất hiện trên địa cầu không lúc nào trái đất được sự yên ổn. Loài người chém giết nhau từ khi còn trong trạng thái ăn lông ở lỗ đến khi có triết lý, tôn giáo và phát triển khoa học kỹ thuật. Kỹ thuật chiến tranh càng ngày càng tinh vi. Chỉ có vài cây súng lửa mà người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hòa Lan, Anh xâm chiếm nhiều thuộc địa trên thế giới vào thế kỷ XVI, XVII, XVIII, XIX. Năm 1873 chỉ có 7 người lính Pháp mang súng lửa đã chiếm được thành Ninh Bình được 3000 quân canh giữ. Loài người chết vì chinh chiến, đói kém, bịnh tật, thiên tai, nhân họa rất nhiều. Sự đau khổ của loài người làm động não các nhà hiền triết có cái nhìn bi quan yếm thế về kiếp nhân sinh. Đức Phật xem đời là biển khổ với sinh, lão, bệnh tử và vô vàn nhân quả, nghiệp báo. Lão Tử đi tìm sự thanh tĩnh vô vi ở chốn núi rừng thâm u vắng vẻ. Khổng Tử đi tìm trật tự xã hội và trật tự quốc gia từ trật tự gia đình theo thứ bậc Quân, Sư, Phụ. Ở phương Tây nhà hiền triết Socrates chuyển triết học Hy Lạp từ Vũ Trụ Học sang Đạo Đức Học. Ông không để lại tác phẩm nào ngoại trừ những cuộc đàm luận với đệ tử là Plato. Plato đả phá chủ nghĩa khoái lạc và tư tưởng sức mạnh là lẽ phải. Đệ tử của Plato là Aristotle đưa ra tam đoạn luận và xem đức hạnh là phương tiện của những thái cực. Mặc dù loài người chết chóc nhiều về thiên tai lẫn nhân tai, dân số địa cầu gia tăng không ngừng, nhất là từ giữa thế kỷ XIX về sau. Năm 1350 Âu Châu bị dịch hoành hành, số người chết rất nhiều. Lúc ấy địa cầu có 370 triệu người. Thời gian này tương ứng với triều vua Trần Dụ Tôn (1341 - 1369), triều đại khởi đầu cho sự suy vi của nhà Trần. Năm 1804 dân số địa cầu được 1 tỷ người (1.000 triệu người). Đến năm 1927 dân số nhân loại là 2 tỷ; 1960: 3 tỷ người; 1989: 5 tỷ người; 1999: 6 tỷ người; 2011: 7 tỷ người. Từ năm 2000 cho đến nay trung bình mỗi năm dân số địa cầu tăng lên 100 triệu người mặc dù ở Trung Hoa lục địa luật một con được thi hành chặt chẽ. Nhiều quốc gia trên thế giới làm ngơ việc phá thai như một phương thức ngăn chận sự gia tăng dân số phi mã trên địa cầu. Dân số địa cầu được phân phối như sau:
Các quốc gia đông dân trên thế giới:
Âu Châu sớm kỹ nghệ hóa. Kỹ thuật canh tác cải thiện. Y tế và bảo vệ sức khoẻ đạt nhiều tiến bộ. Dù vậy vào thế kỷ XIX nhiều nơi ở Âu Châu vẫn bị thiếu ăn. Ái Nhĩ Lan bị nạn đói hai lần vào thế kỷ XIX (1845, 1879) khiến hàng triệu người Ái Nhĩ Lan bỏ xứ sang Hoa Kỳ tìm sinh lộ. Ngày nay ở các thành phố lớn của các quốc gia tân tiến nhiều người bị chứng béo phì vì sự dư thừa thức ăn béo bổ. Nhưng trên thế giới có lối 850 triệu người còn ở trong tình trạng thiếu ăn. Trong số này đa số là những nước Phi Châu, nơi mùa màng bị phá hủy hay thất bát vì nội chiến, vì thời tiết khắc nghiệt hay chánh sách độc tài tham nhũng. Bắc Triều Tiên cũng nằm trong danh sách đói kém như Somalia, Sudan, Zimbabwe, Congo, Ethiopia, Malawi, Niger, Miến Điện, mặc dù nước này sản xuất bom nguyên tử và tiềm thủy đĩnh. Số người có đời sống cùng cực còn rất cao trên lục địa Trung Hoa, nhất là dân nông thôn tuy rằng nước nay hiện nay là quốc gia có tiềm năng kinh tế và quân sự đứng hạng nhì trên thế giới và là một chủ nợ của Hoa Kỳ.
Đệ Nhị Thế Chiến cướp sự sống từ 62 triệu đến 78 triệu nhân loại gồm quân nhân và dân sự. Liên Sô mất 24 triệu người; Trung Hoa: từ 10 triệu đến 20 triệu người; Đức: 8 triệu người; Do Thái bị Đức Quốc Xã giết trong các lò hoả thiêu ở các trại tập trung: 6 triệu người. Việt Nam không thiệt hại nhiều vì chiến tranh nhưng có 2 triệu người ở miền Bắc chết vì nạn đói do chính sách cai trị của Pháp và Nhật gây ra. Thời kỳ 1940 - 1945 là thời kỳ Việt Nam nằm trong cảnh một cổ hai tròng. Từ năm 1945 đến 1975 Việt Nam liên tục có chiến tranh. Qua hai cuộc chiến đẫm máu thời Pháp và thời kỳ đất nước qua phân có ít ra từ 5 đến 7 triệu người chết trong chiến tranh. Nhưng dân số Việt Nam gia tăng chớ không giảm. Năm 1945 Việt Nam có 23 triệu dân. Đến năm 1975 dân số Việt Nam lên đến 50 triệu người. Hiện nay dân số Việt Nam lên đến 90 triệu người. Điều đáng lưu ý là chế độ đa thê giảm thiểu tối đa ở Việt Nam sau Đệ Nhị Thế Chiến. Các tục tảo hôn hay chỉ phúc quần hôn hầu như không còn nữa. Tình trạng ngừa thai, phá thai và tuân hành luật hai con được khuyến khích. Sau chiến tranh tỷ lệ nữ cao hơn nam giới. Đó là tình trạng trai thiếu nữ thừa được tìm thấy ở các quốc gia chiến tranh. Số người lập gia đình trễ muộn, nghĩa là trên 25 tuổi, trở lên gia tăng. Thế mà hiện nay mỗi năm dân số Việt Nam tăng lên 1 triệu người. Sống trong chiến tranh, nhìn tận mắt những cảnh giết chóc, tra tấn, hành hạ dã man hay trải qua những ngày dài trong máu lửa giữa tiếng gầm thét của bom đạn, con người tự cảm thấy thế giới đến ngày tận thế. Bạn chắc chắn có cảm giác ấy nếu bạn sống trong cảnh sợ sệt, ghê rợn như cảnh vây hãm ở Verdun (1914), Stalingrad (1943), Điện Biên Phủ (1954), Khe Sanh (1968), cảnh Do Thái bị Hamas và Hezbollah pháo kích hay cảnh Do Thái oanh tạc Beirut, nam Lebanon, dải Gaza. Nơi nào có nhiều chinh chiến, nơi đó có nhiều sấm ký tiên tri ngày tận thế. Thời cổ sử Do Thái là chuỗi thời gian dài tranh chấp đẫm máu giữa những bộ lạc du mục ở Trung Đông từ bờ Điạ Trung Hải, Lưỡng Hà Châu (Mesopotamia) đến tận Persia (Iran bây giờ). Người ta giết nhau để tranh giành đồng cỏ, không gian sinh tồn, dòng nước cho người và súc vật uống. Người ta giết nhau vì không cùng sắc tộc, không cùng đức tin... Lịch sử Việt Nam được đánh dấu bằng thiên tai (Sơn Tinh-Thủy Tinh), phân ly (Lạc Long Quân-Âu Cơ), ngoại xâm (Bắc thuộc), loạn sứ quân (Thập Nhị Sứ Quân), nội chiến Mạc-Lê-Trịnh, nội chiến Trịnh-Nguyễn; qua phân (sông Gianh); nội chiến giữa dòng Nguyễn Phúc và nhà Tây Sơn, nội loạn (Nguyễn Danh Phương, Nguyễn Hữu Cầu, Lê Duy Mật... ở Đàng Ngoài. Tổng cộng thời gian nội loạn của ba vị này chiếm trọn thế kỷ XVIII thời vua Lê Chúa Trịnh); Tây thuộc; qua phân (Bến Hải); nội chiến được quốc tế hóa dưới dạng ý thức hệ; ly biệt quê hương v.v… Trong Thánh Kinh Do Thái nhiều nhà tiên tri đề cập đến những ngày đen tối của người Semites (Do Thái) và địa bàn sống của họ thời cổ sử. Nào là cảnh nắng lửa mưa dầu, nào là thiên tai; sự thay đổi khí hậu; mặt trời đỏ như máu; thú dữ nhan nhản ngoài đường; nào là tiếng khóc la của những người thọ hình v.v… Thời gian trong Thánh Kinh không biết tương ứng vào thời gian nào theo lịch hiện hành nên mọi sự diễn giải những lời tiên tri hầu hết điều căn cứ vào những chuyện đã xảy ra hơn là tuyên đoán chính xác chuyện sắp xảy ra. Đó là tính bất khả lậu của thiên cơ. Ở Việt Nam sấm ký xuất hiện lần đầu tiên với sư Vạn Hạnh. Không phải sư Vạn Hạnh thấy bộ máy Thiên Cơ mà chính ông sáng tác ra những lời sấm tuyên đoán ra sự sụp đổ của nhà Tiền Lê sau cái chết của Lê Long Đĩnh, một ông vua tàn ác và thiếu khả năng trị quốc (1009). Sư Vạn Hạnh là người yểm trợ cho Lý Công Uẩn lên ngôi vì Lý Công Uẩn là một người không cha được nhà chùa nuôi dưỡng và giáo dục. Với Lý Công Uẩn trên ngai vàng đạo Phật trở thành quốc giáo. Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành đều mồ côi cha. Lý Công Uẩn không có cha. Cả ba đều làm vua. Về phương diện đạo đức và kiến thức Lý Công Uẩn vượt hẳn Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành vì được giáo dục chữ Hán trong chùa và biết giáo lý Phật Giáo. Đến thế kỷ XVI có sấm Trạng Trình, tức tiến sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585). Theo lịch sử ông gián tiếp khuyên Trịnh Kiểm phò vua Lê hơn là lên làm vua vì giữ chùa thì được ăn oản. Ông khuyên họ Mạc rút về mạn Cao Bằng vì đó gần biên giới Trung Hoa nên được nhà Minh che chở để Đại Việt luôn luôn trong tình trạng nội chiến. Ông nhắc khéo Nguyễn Hoàng nên vượt Hoành Sơn để tránh sự bức hại của người anh rể thô bạo và hiểm độc là Trịnh Kiểm. Những lời khuyên trên không xuất phát từ Thiên Cơ mà từ những suy luận địa lý-chánh trị mà ra. Tôi không biết chữ Hán cũng không thấy sấm ký của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được ghi chép hay ấn hành như thế nào nên không tin trọn vẹn rằng những câu thơ mà tôi được nghe trích từ sấm Trạng Trình. Khi toàn quyền Pasquier bị chết trong một tai nạn phi cơ năm 1934 thì ở Việt Nam có Tám Gà nát thây. Tám Gà: Bát Kê là âm của tên toàn quyền Pasquier bị chết. Một chuyện nhỏ như vậy Trạng Trình còn biết tại sao không thấy ông đề cập đến những biến cố lớn như Pháp đánh chiếm Nam Kỳ, Bắc Kỳ, Trung Kỳ chẳng hạn. Sự suy sụp của một quốc gia vào tay ngoại nhân không quan trọng bằng cái chết của toàn quyền Tám Gà ‘Bát Kê’ hay sao? Vì vào thời Trạng Trình chưa có Nam Kỳ? Nếu vậy thì sao Trạng Trình biết Tám Gà: Bát Kê (Pasquier) nát thây vì tai nạn phi cơ? Thời của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng chưa có phi cơ? Ở Việt Nam cứ đến năm Thìn thì nghe câu: Long vĩ xà đầu khởi chiến chinh, Can qua xứ xứ khởi đao binh. Mã đề dương cước anh hùng tận, Thân, Dậu niên lai kiến thái bình. Người ta nhất quyết rằng Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là tác giả của những câu thơ trên giống như đã quả quyết tác giả những chuyện tiếu lâm chế giễu chúa Trịnh là Nguyễn Quỳnh tức Cống Quỳnh. Nếu thật sự đúng như vậy thì chế độ chính trị của chúa Trịnh quá ư là dân chủ thì có chi mà lịch sử trách móc vì Cống Quỳnh đã dám trả lời với đệ nhất phu nhân nhà Chúa (không biết tên gì? và vào năm nào?) bằng câu nắng cực, đá bèo? Nội dung bốn câu thơ ghi trên quá đúng và quá rõ ràng với Đệ Nhị Thế Chiến vừa qua. Điều chúng tôi muốn hiểu là: những năm Thìn, Tỵ, Ngọ ghi trên đánh dấu chiến chinh trên thế giới hay ở Việt Nam? Theo chu kỳ 12 năm tuần tự sẽ có những biến cố tương tự xảy ra? Ở Việt Nam? Hay trên thế giới? Chúng tôi cũng hoài nghi tác giả của những câu thơ này không xuất phát từ tiến sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm vì chúng tôi cũng được nghe những câu thơ có âm điệu tương tự nhưng đầy màu sắc chánh trị thời đại như sau: Ngày nào sen mọc biển Đông Đông phương Trời mọc sao rơi đầy đường. Hay: Ngày nào đá nổi lông chìm v.v… Sen (Liên) ám chỉ Liên Sô. Trời mọc ám chỉ Nhật Bản (cờ mặt trời mọc). Liên Sô có mặt ở Cam Ranh (1978-2002) nhưng tàu bè hay quân Nhật không hề xuất hiện ở phương đông. Sao cũng không thấy rơi đầy đàng. Đá: Thạch, ý muốn nói đến Tưởng Giới Thạch (Chang Kaishek). Lông: Mao, Mao Trạch Đông (Maozedong). Cho đến nay đá vẫn chưa nổi mà lông vẫn không chìm mặc dù cả Mao lẫn Tưởng đều chết từ lâu. Nếu gán những câu ấy cho Trạng Trình thì tội cho ông ấy biết là bao. Khi World Trade Center bị khủng bố cướp phi cơ đụng vào cho nổ sập thì có người viết bài cho rằng sấm ký Nostradamus đã nói chuyện này rồi! Lạ thật! Vào thời của Nostradamus (1503-1566) chưa có Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ mà ông có huệ nhãn thấy được World Trade Center (Tháp đôi) bốc cháy. Có lẽ ông là người có huệ nhãn và được biết Thiên Cơ, nhưng trước ngày 11-09-2001 có ai đọc sấm Nostradamus và biết hai tháp đôi của New York bị khủng bố cho nổ sập không? Cũng dựa vào sấm Nostradmus người ta đoán năm tận thế là năm 1993, rồi 1998, rồi 2000 và bây giờ 2012 với lịch Mayan và cả lời giải thích của NASA cho thêm phần khoa học. Vấn đề thời gian và con số của thời Thánh Kinh hoàn toàn không giống thời gian và con số mà chúng ta biết bây giờ. Ngày xưa đối với tiền nhân chúng ta 100 (bách) con số lớn lắm nên mới có câu. Bá tánh trăm họ. Dần dà người có 10.000 đồng được gọi là người có tiền muôn, bạc ức nghĩa là giàu lắm. Nếu so với triệu (1.000.000), tỷ (1.000.000.000) và cái (trillion) (1.000.000.000.000) thì con số 10.000 (muôn, vạn, ức) quá nhỏ! Trong Thánh Kinh người Do Thái được báo trước ngày sau con cháu Israel sẽ giống như cát bụi hồng trần nghĩa là không sao đếm được. Sau trên 2000 năm ly hương biệt xứ cho đến bây giờ, trên thế giới chỉ còn có 15 triệu người Do Thái. 50% con số này sống ở Hoa Kỳ. 50% còn lại sống rải rác khắp năm châu. Dân số Do Thái sống trong nước tân lập từ năm 1948 cũng ngang hàng với người Do Thái sống trong Hoa Kỳ. Tôi dùng khái niệm về con số để tìm hiểu về thái độ của các nhà tiên tri khi nói về TẬN THẾ nghĩa là nói một cách cường điệu về sự chết chóc và tàn phá dữ dội vì bất cứ lý do gì như chiến tranh, thiên tai (lụt lội, bão tố, động đất, hạn hán, hỏa tai v.v…) do Thiên ý và nhân định do đầu óc bị quay cuồng. Biến cố tận thế chắc chắn ghê gớm lắm đến nỗi thú dữ trong rừng xanh không còn nơi trú ẩn và lương thực, phải chạy ra thành phố để kiếm xác chết ăn. Nói chung, chết chóc và tàn phá rất nhiều. Khi nghe nói 5 hay10 triệu người chết, người ta vẫn dửng dưng vì chưa hình dung được sự khủng khiếp của sự chết chóc. Nhưng nếu hàng ngày đều thấy 100 quan tài đưa ra nghĩa địa thì người thấy mới có cảm giác khiếp sợ dù vẫn biết rằng con số 100 quá nhỏ trước 5.000.000 hay 10.000.000 người chết. TẬN THẾ ở đây cho thấy sự chết chóc và tàn phá khủng khiếp nhưng không phải tất cả nhân loại đều biến mất. Cái gì dẫn đến TẬN THẾ ? Chiến tranh nguyên tử và chiến tranh hóa học. Năm 1963 tôi có đề cập vấn đề này trong loạt bài Chiến Tranh Nguyên Tử? trên Thời Báo (nhật báo do Ô. Dương Chí Sanh làm chủ nhiệm và Ô. Nguyễn Kiên Giang làm chủ bút, tòa soạn nằm trên đường Tự Do gần nhà hàng Majestic). Hoa Kỳ là quốc gia có bom nguyên tử trước tiên (1945). Tổng thống Truman dùng bom nguyên tử kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến, buộc Nhật phải đầu hàng vô điều kiện. Năm 1949 Liên Sô cho thí nghiệm thành công trái bom nguyên tử đầu tiên nhờ vụ gián điệp tài liệu nguyên tử của Claus Fuchs. Năm 1952 Anh quốc có bom nguyên tử. Pháp có bom nguyên tử năm 1960 vì sự quyết tâm của tướng Charles De Gaulle. Trung Hoa Cộng Sản có bom nguyên tử 1964. Sự kiện này làm cho Khrushchev bị lật đổ ở Liên Sô và chánh phủ Nhật bị dư luận chửi rủa vì quá chú trọng đến tổ chức Thế Vận Hội Tokyo. Ấn Độ có bom nguyên tử năm 1974 để tạo thăng bằng với Pakistan và với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, nước từng gây chiến với Ấn Độ năm 1962. Vì Ấn Độ có bom nguyên tử nên Pakistan phải có bom nguyên tử bằng mọi giá. Thủ tướng Ali Bhutto (1928-1979), thân phụ của nữ thủ tướng Benazir Bhutto (1953-2007) sau nầy, nói rằng dù phải ăn cỏ cũng phải có bom nguyên tử. Năm 1998 Pakistan có trái bom nguyên tử đầu tiên. Do Thái có thái độ lập lờ trong việc sản xuất bom nguyên tử. Họ không xác nhận và cũng không đính chánh rằng họ có bom nguyên tử hay không. Do Thái có nhiều nhà bác học nguyên tử, chẳng lẽ không vị nào giúp cho xứ họ có bom nguyên tử? Điều đáng chú ý là họ chưa thí nghiệm bom nguyên tử lần nào. Thế nhưng người ta tin rằng Do Thái có bom nguyên tử vào năm 1979 (?). Nhật có thừa khả năng sản xuất bom nguyên tử, nhưng họ bị ràng buộc bởi hiệp ước cấm võ trang ký kết với các quốc gia Đồng Minh thắng trận do Hoa Kỳ đứng đầu nên bây giờ họ có vẻ lép vế trước Trung Hoa Cộng Sản mặc dù tinh thần người Nhật không phải là tinh thần chủ bại. Lịch sử cho thấy họ chỉ thua lần đầu tiên vì hai trái bom nguyên tử của Hoa Kỳ mà thôi (1945). Nam Triều Tiên (Đại Hàn) cũng thừa khả năng sản xuất bom nguyên tử nhưng họ chỉ quan tâm đến kỹ nghệ thời bình để phát triển kinh tế, cải thiện nhân sinh hơn là sản xuất võ khí giết người. Bắc Triều Tiên là cây đinh nguyên tử ở Bắc Á. Họ theo đuổi việc sản xuất bom nguyên tử mặc cho dân Bắc Triều Tiên lâm vào cảnh thiếu lương thực trầm trọng. Kho bom nguyên tử thế giới có trên 23.000 trái phân chia sơ khởi như sau:
Iran hiện ráo riết luyện uranium để sản xuất bom nguyên tử. Đây là mối lo âu to lớn cho Do Thái. Hiện nay nước này bị bao vây sau mùa xuân Á Rập. Hamas, kẻ thù Do Thái, tìm cách gây ảnh hưởng trong thế giới Á Rập để nhóm Fatah chủ hòa của tổng thống Palestine ở West Bank mất uy tín trong việc chống Do Thái. Người sản xuất bom nguyên tử không phải để trang trí và bom nguyên tử có gì đẹp mà dùng để trang trí. Còn để làm gì thì việc trả lời không khó, nhưng việc quyết định dùng nó vào lúc nào thì câu trả lời sẽ khó khăn, gai góc và khó tiên đoán hơn. Nếu 23.000 trái bom nguyên tử cùng nổ lên một lúc thì quả địa cầu nay sẽ nát tan. Cố nhiên việc này không thể xảy ra. Đôi khi bom nguyên tử chỉ là mề đay danh dự cho quốc gia chiếm hữu nó hay là vật đảm bảo an ninh cho quốc gia chiếm hữu, võ khí để cho quốc gia khác phải e dè không dám nghĩ đến chuyện xâm lấn. De Gaulle cần có bom nguyên tử để duy trì địa vị cường quốc của Pháp trong Ngũ Cường sau khi thất bại ở Việt Nam và Algeria. Mao Zedong (Mao Trạch Đông) cần có bom nguyên tử để phô trương thân thế với Liên Sô, Hoa Kỳ và các tiểu quốc lân bang. Bom nguyên tử trở thành niềm tự hào của người Hán. Nó củng cố địa vị của Mao vững chắc hơn trong đảng Cộng Sản Trung Hoa và trong dân chúng trên lục địa. Iran cần có bom nguyên tử để lãnh đạo các nước Hồi Giáo trong vùng và tiêu diệt Do Thái như họ thường lập đi lập lại tư tưởng tàn độc nầy. Các điểm nóng khả dĩ gây ra đại chiến trên thế giới hiện nay là:
Trung Đông: có vị trí quan trọng nối liền ba lục địa Âu-Á-Phi Châu. Vùng nầy có nhiều dầu hỏa, là địa bàn gốc của người Á Rập và Hồi Giáo. Đó là nơi diễn ra cuộc xung đột võ trang triền miên giữa người Á Rập Hồi Giáo quá khích không chấp nhận sự hiện diện của quốc gia Do Thái trong vùng. Cách mạng Mùa Xuân Á Rập thực chất là Hồi Giáo hóa các quốc gia ven Địa Trung Hải như Tunisia, Lybia, Ai Cập và có thể Syria trong những ngày sắp tới. Với Mùa Xuân Á Rập, Do Thái bị cô lập ở nhiều mặt.
Ai Cập dưới thời Mubarak hoàn toàn khác hẳn với Ai Cập dưới thời của Moris thuộc Huynh Đệ Hồi Giáo. Ai Cập, Qatar, Tunisia và Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ sự ủng hộ đối với Hamas. Thổ Nhĩ Kỳ mất cảm tình với Do Thái vì vụ Do Thái giết chết chín người Thổ Nhĩ Kỳ trên một chiếc tàu chở hàng viện trợ cho người Palestine ở Gaza. Iran ngầm viện trợ cho Hezbollah ở nam Lebanon và Hamas ở Gaza, giáp giới với bán đảo Sinai của Ai Cập. Các nước Hồi Giáo phái Sunni lẫn Shiite đều hợp lại ủng hộ Hamas, một tổ chức được xem là khủng bố của người Palestine. Hồi Giáo Sunni được Iran Hồi Giáo Shiite cung cấp võ khí để chống Do Thái. Hamas phấn khởi vì tổng thống Morsi của Ai Cập thuộc Huynh Đệ Hổi Giáo chống Do Thái quyết liệt và dĩ nhiên, ủng hộ Hamas triệt để. Chánh quyền Palestine có hai chánh phủ và hai địa bàn khác nhau. Nhóm Hamas quá khích trục xuất nhóm Fatah về West Bank năm 2007. Chánh quyền West Bank có lập trường ôn hòa đối với Do Thái. Dưới mắt các nước Hồi Giáo, Hamas được nhiều cảm tình của họ hơn là nhóm Fatah ở West Bank trong lập trường chống Do Thái. Theo tin tức của Do Thái, Hamas hiện nay có lối 12.000 phi pháo có thể bắn tới Tel Aviv. Ngoài ra họ còn có nhiều võ khí của Libya sau khi Qadafi bị lật đổ. Võ khí Iran giúp cho Hamas qua ngã Sudan, Ai Cập qua bán đảo Sinai bằng những đường hầm bí mật nối liền Gaza và biên giới Ai Cập. Khi Hamas pháo kích vào Do Thái, tổng thống Morsi của Ai Cập giữ im lặng. Khi Do Thái dùng phi cơ bắn chết viên chỉ huy quân sự Hamas và oanh tạc vào các cơ sở chánh phủ Hamas ở Gaza thì họ bị Ai Cập, các nước Á Rập và Liên Hiệp Quốc lên án vì làm chết thường dân và trẻ em.
Với cách dùng thường dân làm bia để dư luận thế giới lên án Do Thái, Hamas đạt được một số thành quả:
- Dùng đạn pháo của Iran hay tự chế để khủng bố tinh thần cư dân Do Thái. Có ít ra 45% dân chúng Do Thái nằm trong tầm pháo của Hamas.
- Hamas dùng chánh sách độc tài khủng bố khi đưa trẻ em và phụ nữ ra gánh chịu bom đạn Do Thái để nước này bị thế giới lên án và bỏ rơi nhưng không ai dám lên tiếng phản đối. Khi thân nhân họ bị bom đạn Do Thái giết chết, sự hận thù đối với Do Thái càng tăng, sự tuyển mộ cán binh Hamas quyết tử chống Do Thái càng dễ dàng hơn. Ai phản đối chánh sách của Hamas sẽ bị hành quyết ngay. Những người Palestine bị tình nghi gián điệp cho Do Thái bị xử bắn không thương tiếc ngoài đường.
- Hamas có những đường hầm bí mật để trốn xa vùng cư trú của dân chúng nên họ được an toàn khi bị Do Thái oanh tạc.
- Khi ở vào thế yếu thì có LHQ, các nước Á Rập, nhất là Ai Cập và cả Hoa Kỳ giúp đỡ để vãn hồi hòa bình bằng cách đóng vai trung gian cho đôi bên thương thuyết hưu chiến mặc dù sự hưu chiến không kéo dài được bao lâu.
- Chánh quyền Palestine ở West Bank đại diện cho Palestine tại LHQ nhưng tổ chức quốc tế này biết đến Hamas nhiều hơn.
Do Thái đang ở trong tình trạng nguy hiểm hơn bao giờ. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Ai Cập của Huynh Đệ Hồi Giáo vẫn nhận viện trợ của Hoa Kỳ nhưng âm thầm không tôn trọng các hiệp ước mà chánh quyền Sadat ký kết với Do Thái năm 1979 và được Mubarak tôn trọng từ đó đến nay? Điều này chắc chắn sẽ xảy ra. Iran có thể tích cực viện trợ võ khí cho Hamas và Hezbollah để gây rối Do Thái, làm cho nước này từ bỏ kế hoạch oanh tạc lò nguyên tử của Iran. Morsi dựa vào Huynh Đệ Hồi Giáo để trở thành nhà độc tài và thủ lãnh Hồi Giáo tích cực ủng hộ cho Hamas chống Do Thái hơn là hòa giải. Do Thái thắng 100 trận chỉ để được tồn tại. Nếu họ bị thua một trận thì sự hiện hữu của họ bị đe dọa nặng nề.
Ngoài sự xung đột thường xuyên giữa Do Thái và Á Rập Hồi Giáo, Trung Đông là vùng sản xuất dầu hoả và đường nối liền Địa Trung Hải-Hồng Hải-Ấn Độ Dương-Đại Tây Dương và đường nối tam liên Âu-Á-Phi Châu. Đó là vùng tranh giành ảnh hưởng của các nước Âu Châu, Nga, Hoa Kỳ, Ai Cập, Iran và cũng là vùng của các nước Hồi Giáo Sunni (Ai Cập, Saudi Arabia, Libya, Palestine, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ) cạnh tranh quyền ‘lãnh đạo’ với các quốc gia Hồi Giáo Shiite (Iran, 2/3 Iraq, Lebanon). Chiến tranh Trung Đông, nếu xảy ra, sẽ có sự nhập cuộc của các quốc gia trong vùng, Nga, các nước Âu Châu đặc biệt là Anh, Pháp, Ý và Hoa Kỳ. Vấn đề Trung Đông trở nên vô cùng quan trọng trong trường hợp Do Thái oanh tạc các lò nguyên tử của Iran trước khi nước này sản xuất trái bom nguyên tử đầu tiên. Chiến tranh Trung Đông nếu xảy ra, rất nguy hiểm vì hận thù quá khích của các phe lâm chiến. Ấn Độ Pakistan và Kashmir: Vấn đề Kashmir là chủ đề xung đột võ trang nhì nhằng giữa Ấn Độ và Pakistan. Cả hai quốc gia nầy đều có bom nguyên tử.
Đông Bắc Á: Ở Đông Bắc Á: Nga, Trung Hoa Cộng Sản, Bắc Triều Tiên đều có bom nguyên tử. Nam Triều Tiên và Nhật Bản là hai nước kỹ nghệ quan trọng ở Á Châu có thừa kỹ thuật sản xuất bom nguyên tử. Bề ngoài Trung Hoa Cộng Sản kết thân với Nga. Thực tế Trung Hoa Cộng Sản không quên Nga đã chiếm của Trung Hoa trên 1 triệu km2 đất đai phía Bắc sông Hei Long Jiang (Hắc Long Giang). Beijing chưa dám đụng đến Nga vì dù sao nước này cũng còn là cường quốc quân sự đáng sợ với nhiều đầu đạn nguyên tử tồn kho. Họ dương oai điệu võ với các nước Đông Nam Á về chủ quyền trên các đảo san hô ở Tây Thái Bình Dương và Nhật về các đảo đá không người ở phía nam Okinawa. Bắc Triều Tiên làm bom nguyên tử như nhằm đe doạ Nam Triều Tiên và Nhật Bản để làm lợi cho Trung Hoa Cộng Sản vì hành động của Bắc Triều Tiên làm cho Nhật, Hoa Kỳ lẫn Nam Triều Tiên phải mất nhiều tâm trí và thì giờ để giải quyết hầu bảo đảm an ninh lãnh thổ. Về phần Hoa Kỳ họ phải bảo vệ 28.000 quân Hoa Kỳ trú đóng ở phía nam vĩ tuyến 38 độ. Ngân sách quốc phòng của Nhật rất nhỏ. Nhật không được võ trang võ khí nặng. Nhưng Nhật không phải là một quốc gia dễ bắt nạt. Nam Triều Tiên bây giờ là một nước có kinh tế vững mạnh và một lực lượng quốc phòng tinh nhuệ, không giống như năm 1950.
NẾU chiến tranh nguyên tử xảy ra, các thành phố lớn của Ngũ Cường nguyên tử sẽ bị tàn phá nặng nề. Tuyết băng Tây Bá Lợi Á, Greenland, Iceland, bắc Canada, Alaska, Bắc Băng Dương sẽ tan vì nhiệt nguyên tử và trở thành nước nóng vài chục ngàn độ. Một trận lụt nước sôi chôn vùi lục địa Châu Âu, Hoa Bắc, Nhật Bản, Bắc Mỹ (Canada và Hoa Kỳ). Một số vùng bị bào mòn. Số khác cũng không còn dấu tích nữa. Thị dân các vùng kỹ nghệ thiệt hại nặng hơn nông thôn, sơn thôn và sa mạc. Bắc Mỹ, Âu Châu, Trung Đông, Đông Á bị thiệt hại nặng hơn Nam Á. Phi Châu, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Argentina, Chile, Brazil tương đối ít bị chiến tranh nguyên tử tàn phá. Sau khi cuộc chiến kết thúc, các dân tộc sống sót phần lớn là người Trung Hoa (vàng) Ấn Độ (ngâm đen), Phi Châu (đen). Người Da Trắng ở Nam Bán Cầu còn sống sót nhiều hơn người Da Trắng Âu Châu. Đa số những người sống sót lần lượt chết vì bịnh tật do phóng xạ nguyên tử, hóa chất từ võ khí hóa học, bịnh dịch do những xác chết của người, thú vật rã rục gây ra. Nhiều người bị bịnh ngoài da. Họ chết vì thiếu ăn, thiếu mặc khi trời băng giá. Một số không nhỏ chết vì thức ăn, nước uống bị nhiễm độc. Người người đều bình đẳng trong sự đau khổ, bịnh tật, đói rét và sự kinh khiếp. Sau những cảnh tượng kinh hoàng những người sống sót làm lại cuộc đời từ số âm. Họ hoàn toàn mất tự tin vào tài năng và trí tuệ của họ nên họ hướng về Thượng Đế nhiều hơn. Họ vui mừng đọc những dòng chữ lem luốc của Rabelais: Science sans conscience n’est que ruine de l’âme Của Phan Văn Hùm: Cứu giúp người là khoa học Dùng khoa học giết người là người. Và của Henri Bergson: À notre monde de plus en plus technique, pour qu’il ne devienne pas un monstre, il faut un supplément d’âme. PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét