Một bài viết khá thực tế và xảy ra hằng ngày.Mời các bạn đọc.(NĐCung)
Vũ Thế Thành – Bơ đậu xuất kho, ông chủ nhập kho
Một ông chủ hãng bơ đậu phộng vừa bị toà án Hoa Kỳ kết án 28 năm tù, vì đã gây ra vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra hồi 7 năm trước. Vụ ngộ độc này do bơ đậu phộng bị nhiễm vi khuẩn salmonella đã làm 9 người chết và 714 người mắc bệnh. Chuyện nhiễm salmonella thường ngày mà độc đến thế sao?
Kiểm soát chất lượng cũng phải đi tù
Ông chủ hãng bơ đậu phộng này bị cáo buộc tới 71 tội, gồm cả tội có mưu đồ, cản trở thực thi pháp luật, ở Việt Nam gọi là đối phó với cơ quan điều tra. Các bằng chứng thu thập từ hồ sơ tài chánh, phòng thí nghiệm cho thấy, ông chủ này biết rất rõ tình trạng bơ đã bị bị nhiễm khuẩn salmonella, nhưng vẫn viết email ra lệnh cho viên quản lý “Just ship it!” (Cứ cho xếp hàng đi!)
Với bằng đó tội, ông toà liên bang của Mỹ đã tính toán bị cáo phải bị tới 803 năm tù, nhưng thấy rằng đây chưa phải là vụ án sát nhân, nên mới nương tay còn… 28 năm.
Chưa hết, em ông chủ, người môi giới buôn bán bơ đậu phộng nhiễm khuẩn này cũng bị kết án 20 năm tù. Còn bà giám đốc kiểm soát chất lượng của hãng bị 5 năm tù.
Salmonella là chuyện thường ngày
Ước tính hàng năm có khoảng 1,2 triệu dân Mỹ nhiễm khuẩn salmonella từ thực phẩm, trong đó có 405 ca tử vong. Còn với điều kiện vệ sinh ở Việt Nam, nhiễm salmonella là chuyện thường ngày. Ai chưa từng tiêu chảy vì salmonella coi như chưa… trưởng thành, mà thực ra, ai cũng “trưởng thành” từ hồi con nít.
Người bị nhiễm khuẩn salmonella sau vài giờ sẽ bị đau bụng, tiêu chảy, sốt, ói mửa, và thường là tự khỏi sau đó vài ngày. Cũng có trường hợp tiêu chảy nặng hơn, làm người bệnh mất nước và phải đi nhà thương..
Salmonella là tên một nhóm khuẩn gồm nhiều chủng loại. Có loại gây bệnh thương hàn, phó thương hàn hoặc nhiễm trùng huyết, gây tử vong.
Khi vi khuẩn salmonella đi vào tới dạ dày, thì bị dịch vị (có pH thấp) ở đây tàn sát. Con nào may mắn sống sót thì chui xuống ruột non, và sinh sôi nảy nở. Khi vi khuẩn chết, chất độc sẽ thoát ra từ xác của nó và gây rối loạn tiêu hoá. Một số con đi “lạc” từ ruột vào hệ bạch huyết, rồi vào máu, gây nhiễm trùng máu.
Do đó không phải cứ ăn uống thực phẩm bị nhiễm salmonella là đương nhiên bị bệnh (tiêu chảy, thương hàn,…). Thức ăn phải nhiễm một lượng salmonella đủ lớn, để khi vào dạ dày, một số có cơ may sống sót đi tới ruột non sinh bệnh. Trẻ em, người già, người có hệ miễn dịch kém dễ bị nặng hơn.
Chuyện thường ngày, nhưng có ngày gặp…ma
Chính vì ăn uống thực phẩm nhiễm salmonella, đau bụng tiêu chảy, rồi tự khỏi, mà người ta xem thường. Nhưng cơ quan hữu trách thì không. Họ có thể “dung túng” cho thực phẩm được nhiễm vi khuẩn E.Coli (cũng gây tiêu chảy) ở mức rất thấp, nhưng với salmonella, quy định an toàn phải tuyệt đối âm tính, nghĩa là ít hay nhiều, salmonella cũng không được phép có mặt trong thực phẩm. Lỡ nó sinh sôi nảy nở, mà vi khuẩn này nhân bội rất nhanh, thì khốn khổ.
Cũng may, vi khuẩn salmonella thuộc loại dễ chết với nhiệt, cỡ 100 độ C trong vài phút là toi. Do đó thực phẩm nên chiên xào hấp luộc kỹ để triệt tiêu salmonella. Đồ ăn trong sống ngoài chín dễ đánh lừa sự yên tâm. Thịt bò tái, trứng trụng nước lèo, lòng đỏ tràn trề cũng thế cũng dễ gặp salmonella.
Các thực phẩm dưa chua, có chanh có giấm (pH thấp) là những môi trường salmonella cũng chịu không nổi.
Nguồn lây nhiễm salmonella là thịt gia cầm, gà vịt, heo bò, sữa trứng, nhất là vỏ trứng,… Rau quả xanh, nhất là loại rau bón phân xanh là cả ổ salmonella. Các nguồn lây nhiễm khác là tay chân, dụng cụ nhà bếp dao thớt thiếu vệ sinh, nhiễm chéo thực phẩm trong tủ lạnh,…
Rủi ro chỉ giảm thiểu, chứ không biến mất
Xác định ngộ độc do salmonella từ bếp ăn tập thể là điều không mấy khó khăn, nhưng xác định thực phẩm nào gây ngộ độc salmonella trong một nạn dịch bùng phát là điều rất khó, vì thực phẩm nào trên thị trường cũng có nguy cơ nhiễm salmonella. Rồi người dùng mua thực phẩm về bảo quản, nấu nướng không kỹ,… cũng bị nhiễm.
Trong vụ bơ đậu phộng, Cơ quan Quản lý Thực và Dược phẩm (FDA), và Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật (CDC) của Hoa Kỳ phải vào cuộc ở 46 tiểu bang nước Mỹ tới mấy năm mới xác định thủ phạm là bơ đậu phộng.
Ông chủ hãng bơ đậu phộng đúng là xui tận mạng, vì các loại hạt như đậu phộng ít khi bị nhiễm salmonella, mà nhiễm salmonella cũng ít khi gây chết người. Nhưng với an toàn thực phẩm, thì mọi rủi ro lúc nào cũng có thể xảy ra.
Ông chủ này bị 2 tội nặng: Một là, đã biết sản phẩm bị nhiễm salmonella, mà vẫn cho lệnh xuất hàng bán. Hai là, bùa phép hồ sơ để đối phó với cơ quan hữu trách làm hậu quả trầm trọng thêm. Bà giám đốc phụ trách chất lượng sản phẩm của hãng bị tội vì a tòng, lấp liếm hồ sơ.
Với bản án 28 năm tù, ông chủ hãng bơ đậu phộng, Stewart Parnell, năm nay 61 tuổi, chỉ còn nước thấm đòn, chứ không còn cơ hội áp dụng bài học an toàn. Nhưng đây là bài học đắt giá cho những nhà chế biến thực phẩm khác. Họ cần biết, rủi ro về an toàn thực phẩm luôn luôn có sẵn, bất chấp hệ thống quản lý chất lượng của họ có…chất lượng tới đâu. Rủi ro chỉ giảm thiểu, chứ không biến mất.
Trước tiên là sự minh bạch hồ sơ, và trên hết, là sự hợp tác với cơ quan hữu trách khi sự cố xảy ra để giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất. Nên nhớ, sự thiệt hại này liên quan đến nhiều mạng người.
Vũ Thế Thành (vuthethanh202@gmail.com )