phong van cu dan nguyet quoc
PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.
PHỎNG VẤN CƯ DÂN NGUYỆT QUỐC
Tuổi đời của Bạt Mạng rất dài so với thảo dân Địa Cầu nhưng vẫn còn quá ngắn đối với Guru Himalaya. Bạt Mạng sống trên Địa Cầu ở một quốc gia đứng đầu trên hoàn vũ về kinh tế, thuật tổ chức và quản lý xí nghiệp và cả về quân sự nữa. Bạt Mạng vẫn mộng mị hướng về Hoàn Hảo Quốc và Nguyệt Quốc.
Thuở ấy số người trên Địa Cầu quá cao. Đời sống trở nên khó khăn. An ninh trật tự Địa Cầu càng ngày càng sa sút.
Những xứ tiến bộ trên Địa Cầu sớm kỹ nghệ hóa. Kỹ nghệ hóa và đô thị hóa gắn liền nhau. Nhà cửa ở thành thị rất cao giá nên số người có nhà cửa không đông. Nạn thất nghiệp làm cho các thanh niên Bạch chủng ngần ngại không muốn lập gia đình hay lập gia đình trễ vì phải lo công danh sự nghiệp. Lớn tuổi chậm lập gia đình. Lập gia đình họ không vội có con hay chỉ mong có 01 hay 02 con mà thôi. Sinh suất của người Bạch chủng ở các nước kỹ nghệ rất thấp so với sinh suất của dân nông nghiệp Á Châu, Châu Mỹ La Tinh và Phi Châu. Nhưng tử suất của trẻ em sơ sinh ở các nước nông nghiệp cao so với tử suất của trẻ sơ sinh ở các nước kỹ nghệ có nền kinh tế ổn định, vững mạnh.
Kỹ nghệ hóa, đô thị hóa, hai cuộc chiến tranh thế giới (1914- 1918; 1939- 1945) và những tranh chấp ý thức hệ ở Âu Châu làm cho người Âu Châu Bạch chủng càng e ngại sinh sản. Vẫn cứ yêu nhau về xác thịt nhưng không cần nhu cầu có con. Trộm nhìn thấy Đức Khổng Tử mặt buồn so vì khẩu hiệu đa tử, đa tôn, đa phúc của Ngài bị đám tiểu tử phá vỡ.
Chủ nghĩa Cộng Sản (Communism) là một phản ứng chống lại tư bản chủ nghĩa kỹ nghệ.
Chủ nghĩa hiện sinh (Existentialism) là phản ứng chống lại chiến tranh. Điển hình là hai cuộc chiến tranh thế giới vào thế kỷ XX. Đời người bị rút ngắn. Tuổi thanh xuân không tìm thấy tương lai. Sau khi chiến tranh chấm dứt con người sống trong cảnh yêu cuồng, sống vội vì hoài nghi tương lai. Dưới đây là vài con số thống kê dân số đối chiếu giữa Pháp và Việt Nam:
Năm 1946 dân số Việt Nam nhỏ hơn dân số Pháp 17 triệu người. Trải qua nạn đói 1944, 1945 và hai cuộc chiến tranh đẫm máu và tàn khốc (1945- 1954; 1957- 1975) dân số Việt Nam lớn hơn dân số Pháp 29 triệu người! Điều này chứng minh sinh suất cao của người Hoàng chủng nông nghiệp.
Nhật là quốc gia Hoàng chủng đã được kỹ nghệ hóa vào hậu bán thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Cũng như các nước phát triển Âu- Mỹ, kỹ nghệ hóa và đô thị hóa tiến hành song song ở Nhật. Xã hội Nhật có phần khác với xã hội Tây Phương. Ở Nhật phụ nữ, dù có học cao, khi có chồng họ không làm việc mà chỉ ở nhà lo việc giáo dục con cái. Đàn ông làm việc để chu toàn nghĩa vụ kinh tế trong gia đình. Làm việc nhiều, ngủ nghê ít vì mất nhiều thì giờ di chuyển từ nhà đến sở làm và từ sở làm về nhà, đời sống chăn gối dần dần giảm đi rất nhiều. Khi phụ nữ đi làm thì tâm trạng của họ cũng giống như người đàn ông vật lộn với đời sống hằng ngày. Việc lo lắng về tương lai con cái cũng góp phần không nhỏ vào việc cản ngăn đời sống chăn gối và sinh sản. Dân số Nhật vào thế kỷ XXI sụt giảm phần nào. Số người già tăng lên. Nhật Bản là quốc gia có dân số có tuổi thọ cao nhất thế giới.
Sinh suất của người Hắc chủng rất cao. Trước kia các quốc gia trên lục địa Phi Cháu là thuộc địa của các đế quốc Bạch chủng. Vào thế kỷ XVII nhiều người Hắc chủng ở Phi Châu bị bán làm nô lệ ở Mỹ Châu. Đến cuối thế kỷ XX người Hắc chủng có mặt đông đảo ở Âu Châu, Mỹ Châu và một ít ở Đại Dương Châu. Phi Châu, Nam Á, Âu Châu và Mỹ Châu là những vùng có nhiều người Hắc chủng. Khi Hoa Kỳ được 232 tuổi thì nước này có vị tổng thống Da Đen đầu tiên. Cha vị tổng thống này là người Kenya (Hắc chủng) du học ở Hoa Kỳ, mẹ là người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan (Bạch chủng).
Những người giàu có trên Địa Cầu tìm cách lên Nguyệt Quốc sinh sống với hy vọng được sự yên tĩnh, tránh xa sự ồn ào và sự đe dọa chiến tranh hạt nhân. Ban đầu họ đến đó như những nhà du lịch. Dần dần họ tìm cách ở lại. Có người đến một mình vì vợ không dám ngồi phi thuyền. Có người ở lại Nguyệt Quốc vì muốn trốn sự cằn nhằn, cau có của vợ. Có người tạm sống cô độc rồi tìm cách đưa vợ con lên Nguyệt Quốc sau. Phải là tỷ phú mới có điều kiện trở thành cư dân Nguyệt Quốc. Nhưng không phải nhà tỷ phú nào cũng muốn từ bỏ Địa Cầu đi tìm hạnh phúc, an ninh và trật tự trên Nguyệt Quốc.
****
Chuyện cây bù- lon Nguyệt Quốc trở thành một bản án lớn nhất Địa Cầu. John Badman bị tù và bị phá sản vì các nhà tỷ phú Trung Hoa kiện. Trong chuyến đi Nguyệt Quốc năm ấy có 20 hành khách. 19 người là các nhà tỷ phú Trung Hoa và một người là Bạt Mạng tức Batman người Mỹ gốc Việt. Theo hồ sơ của các bác sĩ tâm thần giỏi nhất thế giới thì 19 nhà tỷ phú Trung Hoa đều mắc bịnh đau tim nặng, thần kinh tê liệt như sợi dây thun không còn co giản nữa. Công Ty Liên Hành Tinh của John Badman cũng có những luật sư khét tiếng ở Washington DC và New York biện hộ. Nhưng tất cả đều bó tay trước 19 giấy chứng nhận khác nhau của bác sĩ của 19 nhà tỷ phú. Các bác sĩ khác nhau, ở những nơi khác nhau đều có kết luận giống như nhau. Họ là những bậc sĩ lừng danh ở Hong Kong, Shanghai (Thượng Hải), Jerusalem, Tel Aviv, Paris, London, New York, San Francisco làm sao nhầm lẫn được. Chỉ có Bạt Mạng không kiện mà thôi. Vì sự thân thiện giữa Bạt Mạng và Jack và John Badman? Vì Bạt Mạng đã đi Hoàn Hảo Quốc miễn phí? Vì đi Nguyệt Quốc với giá vé giảm 50%? Hay do đức tính cao quí của dòng giống Tiên Rồng?
Công Ty Liên Hành Tinh ngưng hoạt động vì máy móc không bảo đảm. John bị vào tù. Gia đình John thiếu hụt trầm trọng. Bạt Mạng là người hào phóng giúp đỡ cho gia đình John đến đời cháu cố của John. Đúng là một mẫu người Mỹ gốc Việt tình cảm dạt dào. Việc du lịch hành tinh và đường lên Thiên Đàng có vẻ như không còn khó đối với Bạt Mạng nữa. Dù thời gian và không gian nào TÌNH THƯƠNG vẫn là đức tính cao quí được mọi sắc tộc ĐEN, ĐỎ, TRẮNG, VÀNG và các sinh vật trên các hành tinh ca ngợi yêu vì. Bạt Mạng cảm thấy vui sướng trong lòng về những điều nho nhỏ mà anh đã làm cho xã hội. Không biết do đâu Bạt Mạng luôn luôn tưởng nhớ đến Hoàn Hảo Quốc và Nguyệt Quốc. Có phải chăng anh ngưỡng mộ bà Tiên trên Nguyệt Quốc?
Một hôm Bạt Mạng mở truyền hình thì gặp một chương trình đặc biệt rất hấp dẫn đối với anh ta: Phỏng vấn cư dân Nguyệt Quốc của đài US TV NUMBER ONE. Người phỏng vấn là một thông tín viên của một đài Truyền Hình lớn và uy tín nhất của nước Mỹ. Tổ tiên ông là người Ý từng theo Christopher Columbus định đi Ấn Độ mua hồ tiêu và các hương liệu khác nhưng thuyền buồm lạc qua Mỹ Châu mà không hay. Vào thế kỷ XVIII một hậu duệ của tổ tiên của ông thông tín viên Mỹ làm lính thổi kèn thúc quân trong Chiến Tranh Cách Mạng Hoa Kỳ chống đám quân mặc áo đỏ màu gạch tôm của Anh. Ông thông tín viên Truyền Hình tên là Piero Francesco. Ông được các Công Ty Du Lịch Liên Hành Tinh và Sở Nghiên Cứu Bành Trướng Lãnh Thổ Hoa Kỳ thuê làm một phóng sự truyền hình bằng một cuộc phỏng vấn cư dân Nguyệt Quốc.
Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
Piero Francesco: Tôi đến Nguyệt Quốc vào ngày rằm Trung Thu. Nguyệt Quốc như một vì sao rực sáng. Tôi vào tô giới Hoa Kỳ và nghỉ đêm trong một căn nhà đẹp và đầy đủ tiện nghi do Sở Nghiên Cứu Bành Trướng Lãnh Thổ Hoa Kỳ đặt sẵn trước khi tôi đến. Sáng hôm ấy tôi gặp đại diện tô giới Hoa Kỳ và cùng ăn sáng với ông ấy. Tôi bàn với ông ấy về cuộc phỏng vấn sắp tới của tôi. Người được phỏng vấn đầu tiên chính là ông Smith, đại diện trong tô giới Hoa Kỳ.
Thưa ông Smith, xin ông vui lòng nói qua về Nguyệt Quốc.
Smith: Nguyệt Quốc là một nước tân lập. Trước khi chúng tôi đến, nơi này không có dân cư. Cuộc sống ban đầu vô cùng vất vả. Chúng tôi thiếu đủ thứ: thiếu điện, thiếu nước, thiếu củi đốt, thiếu đồng lúa, thiếu trái cây v.v. Nói chung, thiếu tất cả những gì tạo ra nguồn sống vật chất lẫn tinh thần.
Piero Francesco: Cư dân Nguyệt Quốc từ đâu đến?
Smith: Từ Địa Cầu hay nói rõ hơn từ những quốc gia đang mở mang ngành vật lý địa cầu (Geophysics) như Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Trung Hoa, Ấn Độ và Brazil.
Piero Francesco: Xin ông cho biết vài đặc điểm của cư dân Nguyệt Quốc.
Smith: Cư dân Nguyệt Quốc có những đặc điểm sau đây:
1. Tất cả đều là tỷ phú trên Địa Cầu
2. Chín mươi chín chấm chín mươi chín phần trăm (99.99%) đều là nam phái.
3. Đó là dân hợp chủng như Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ vậy.
4. Nguyệt Quốc không có phụ nữ từ Địa Cầu lên. Các nhà tỷ phú Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Nhật, Trung Hoa, Ấn Độ, Brazil đều sống độc thân. Dù vậy Nguyệt Quốc cũng có một Bảo Sanh Viện rất lớn nhưng từ ngày thành lập đến giờ chưa có một một thân chủ nào cả. Moon City có trường học khang trang nhưng không có học sinh.
5. Nguyệt Quốc rất yên tĩnh nhưng cư dân thiếu bóng phụ nữ nên tánh tình của họ không được bình thường. Tuổi thọ của họ rất cao, tiền bạc dổi dào nhưng họ cảm thấy thiếu thốn nặng nề. Không biết vì chuyện gì mà có người từ bỏ sự giàu có của họ trên Địa Cầu để lên đây bán thịt heo quay, vịt quay, hủ tiếu thập cẩm. Có lẽ quê hương của họ khủng khiếp lắm!
6. Sống cô đơn và bị chứng ẩn ức sinh lý (libido) là đặc điểm nổi bật của cư dân Nguyệt Quốc.
Piero Francesco: Biết vậy tại sao họ lên Nguyệt Quốc sống để làm gì?
Smith: Mỗi người có một câu chuyện, một hoàn cảnh riêng tư, không ai giống ai nên tôi không dám quả quyết vì lý do gì những người tỷ phú dưới địa cầu lên Nguyệt Quốc làm gì kể cả tôi.
Piero Francesco: Nguyệt Quốc có Hiến Pháp không?
Smith: Có, tuy rằng dân số Nguyệt Quốc rất nhỏ. Hiến pháp Nguyệt Quốc tựa như bản hương ước ở các làng xã tự trị ở Việt Nam vậy. Hiến pháp và luật pháp Nguyệt Quốc còn đơn sơ lắm.
Piero Francesco: Xin ông Smith nói qua về tôn giáo trên Nguyệt Quốc.
Smith: Trải qua vài thế kỷ dân số Nguyệt Quốc không quá 2,000 người. Họ có đủ tôn giáo như Tin Lành (Hoa Kỳ), Thiên Chúa Giáo Âu Châu (Pháp), Thiên Chúa Giáo Châu Mỹ La Tinh (Brazil), Chính Thống Giáo (Nga), Thần Giáo (Nhật Bản), Bà La Môn hay Ấn Giáo (Ấn Độ), Lão Giáo, Khổng Giáo (Trung Hoa), Do Thái giáo (các công dân nói trên nhưng gốc Do Thái). Do vậy trong thành phố Moon City có rất nhiều cơ sở tế tự.
Piero Franceso: Dân Nguyệt Quốc nói ngôn ngữ gì?
Smith: Vấn đề này trở nên tế nhị. Bàn cãi mãi cuối cùng đành chấp nhận Nguyệt Quốc có 08 ngôn ngữ chánh: Anh, Pháp, Nga, Trung Hoa, Ấn Độ, Bồ Đào Nha, Nhật và Hebrew. Nguyệt Quốc cho dân Địa Cầu nhập cư càng nhiều càng tốt. Nhưng cho đến nay số người từ Địa Cầu lên chẳng được bao nhiêu. Hiến pháp Nguyệt Quốc dành cho phụ nữ nhiều quyền hành. Nhưng cho đến nay Nguyệt Quốc có không quá 05 phụ nữ. Chưa có người nào mang thai nên Bảo Sanh Viện và trường học Nguyệt Quốc ở Moon City vẫn còn đóng cửa.
Piero Francesco: Xin ông cho biết diện tích của Nguyệt Quốc?
Smith: Nguyệt Quốc rộng 38 triệu km2 tức 84% diện tích Á Châu; rộng hơn Hoa Kỳ 3.8 lần và rộng hơn Việt Nam 115.15 lần. Cư dân Nguyệt Quốc chỉ sống ở Moon City chỉ rộng 500 km2 nhưng chỉ có 2,000 cư dân. Đa số là người Trung Hoa, Ấn Độ, Mỹ. Nhật có nhiều tỷ phú nhưng họ không muốn rời quê hương mỹ miều của họ mặc dù đó là cái nôi của thiên tai: động đất, núi lửa, sóng thần, bão tố xuất phát từ miền nam đến.
Piero Francesco: Chính vì vậy mà Washington thành lập Sở Nghiên Cứu Bành Trướng Lãnh Thổ nhắm vào Nguyệt Quốc.
Smith: Chuyện này còn kéo dài lâu lắm. Nguyệt Quốc cần nhân lực. Cư dân hiện giờ là những người giàu có. Hầu hết có trình độ đại học. Khả năng lao động và khai phá của họ rất kém. Nguồn nhân lực tốt để khai phá Nguyệt Quốc dưới Địa Cầu nghèo khó làm sao lên đây được mà khai phá? Phải đợi đến khi phát minh những vệ tinh khổng lồ chở hàng chục ngàn người mỗi ngày từ lục địa Phi Châu, Châu Á, Châu Mỹ La Tinh, Đông Âu và Trung Đông đến mới khai phá 38 triệu km2. Hiện nay dưới Địa Cầu người ta phân lô bán đất trên Nguyệt Quốc và Hỏa Tinh nơi có Hoàn Hảo Quốc mà Bạt Mạng đã từng đến. Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tìm cách chiếm nhiều đất trên Nguyệt Quốc. Tô giới Trung Hoa ở Moon City nới rộng địa bàn bằng cách lập những cánh đồng trồng ngũ cốc, trại chăn nuôi heo để làm lạp xưởng, nấu hủ tiếu, mì và lòng heo phá lấu v.v. Cư dân Nguyệt Quốc gốc Mỹ cũng lập nhiều nông trại chăn nuôi gà, vịt, heo, bò và những cánh đồng trồng lúa mì bao la trên địa đồ hơn là trồng trọt đầy đủ. Mọi sắc tộc tự nhận chủ quyền trên vùng đất mà họ vẽ giống như hình vẽ cái lưỡi bò ở tây Thái Bình Dương của chánh quyền Cộng Sản Trung Hoa xưa kia.
Piero Francesco: Công dân Nguyệt Quốc như thế nào?
Smith: Dĩ nhiên đó là những công dân ngoại hạng rất tự hào và kiêu hãnh. Ông không nghe người Việt Nam nói: "Mạnh vì gạo. Bạo vì tiền sao?”. Người thì cho rằng mình giàu nhất dưới Địa Cầu. Người khác tự hào là dòng dõi 100 đời giàu có.
Người Nguyệt Quốc gốc Nga có tổ tiên theo ông Lenin sống vất vả ở Pháp, Thụy Sĩ. Có người có tổ tiên gốc người Georgia bà con với ông Stalin. Có người có tổ tiên nấu rượu Vodka. Có người có tổ tiên chuyên xuất cảng trứng cá Caviar.
Tôi cũng vậy. Tổ tiên tôi từng theo ông Jefferson viết dự thảo Hiến Pháp Hoa Kỳ. Ông sơ tôi là một quân nhân dũng cảm bị lính Hitler giết chết khi đổ bộ lên Normandie.
Công dân Nguyệt Quốc gốc Trung Hoa nào cũng nói tổ tiên mình theo Mao Zhu Xi (Mao Chủ Tịch) trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Có người còn nói tổ tiên của họ từng tham dự việc xây Vạn Lý Trường Thành. Họ không đề cập gì đến Sun Yatsen (Tôn Dật Tiên). Vì vấn đề địa phương?
Công dân gốc Nhật rất ít nói nhưng trong lòng có vẻ không nễ sợ ai cả. Họ cho biết họ không hứng thú sống trên Nguyệt Quốc và cho biết sẽ trở về quê họ trên đảo Honshu, Kyu Syu và Shikoku. Họ có vẻ lưu luyến đến những hải đảo nhỏ hẹp với nhiều thiên tai. Họ can đảm chấp nhận mọi hiểm nguy để biến quê hương họ thành một bức tranh gấm vóc. Họ yêu quê hương sinh quán của họ và mến thương những người lãnh đạo trong sạch lo cho hạnh phúc của dân tộc và tương lai của Xứ Mặt Trời Mọc. Cộng đồng than Nguyệt Quốc không đủ hải sản để làm sushi.
Công dân Nguyệt Quốc gốc Pháp lúc nào cũng nhắc đến Paris và hay ca bản J’ai deux amours: Paris et la France(Tôi có hai tình yêu: Paris và nước Pháp). Ca xong họ uống rượu chát. Xem chừng như họ không thích sống ở Nguyệt Quốc bao nhiêu. Thỉnh thoảng tôi thấy có người ngồi khóc vì nhớ đến sông Seine và nhà thờ Notre Dame. Nhớ đủ thứ. Nhớ Victor Hugo, Lamartine, George Sand. Nhớ Napoleon I; nhớ De Gaulle cao gần 2 m.
Công dân Nguyệt Quốc gốc Anh quen cuộc sống bềnh bồng trên biển cả và trên thuộc địa. Nhiều người Anh sống ở Nam Phi, Canada, Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan nên sống ở Nguyệt Quốc thì không có gì lạ với họ. Họ âm thầm nới rộng vùng chiếm hữu trên Nguyệt Quốc. Các công dân Ấn Độ thường hay chuyện trò với công dân gốc Anh. Họ than phiền công dân gốc Trung Hoa lấn đất của họ. Hai bên cãi vã và đã từng có cảnh thượng cẳng tay, hạ cẳng chân. Cảnh sát cộng đồng Nguyệt Quốc xử huề. Văn hóa huề cả làng của Việt Nam thỉnh thoảng được tìm thấy ảnh hưởng trên Nguyệt Quốc. Há đó không phải là danh dự của dòng giống Rồng Tiên sao?
Công dân Nguyệt Quốc gốc Ấn Độ than phiền cà-ri trên Nguyệt Quốc không đủ đô vì thiếu hương liệu. Ước muốn của họ là được về Ấn Độ chết và hỏa táng ở đó. Họ là những người thuộc giai cấp cao trong xã hội Ấn Độ. Người nào cũng có tài sản trị giá hàng tỷ đô- la. Tất cả họ đều học ở các trường Đaị Học Oxford hay Cambridge. Họ than phiền cộng đồng Mỹ nấu nướng thịt bò và cộng đồng Trung Hoa nấu thịt bò kho và bò vò viên.
Các cộng đồng khác trên Nguyệt Quốc than phiền cộng đồng Trung Hoa chiên nhiều mỡ heo làm cho không khí trở nên khó thở vì mùi mỡ. Những người Mỹ, Anh, Pháp gốc Do Thái khó chịu vì cộng đồng Trung Hoa dùng mỡ heo và vì họ đánh trống, thổi kèn, đánh chập chõa trong ban nhạc gây ồn ào. Mùi thịt heo làm cho họ bị nhức đầu thường xuyên. Những chuyện như vậy luật pháp Nguyệt Quốc không có qui định trong bộ luật vỏn vẹn có không đầy hai trang giấy. Thế là cả Moon City phải chấp nhận sự hiện hữu hiển nhiên của dầu mỡ heo và những tiếng phèn la, tiếng trống, tiếng chập chõa ì ầm mỗi ngày khi hoàng hôn tắt nắng.
Ông Piero thấy không? Địa Cầu bị nhân mãn. Con người vật lộn với cuộc sống. Xã hội quay cuồng vô trật tự. Bỏ Địa Cầu lên đây là bỏ gia sản để mua sự cô đơn. Hàng ngày nghe mùi mỡ heo, tiếng trống, tiếng kèn, tiếng phèn la và chập chõa ì ầm. Tôi cũng có đụng chạm với các công dân Nguyệt Quốc gốc Pháp nhưng không có hậu quả đáng kể giữa hai giống người Bạch chủng. Người Pháp nhắc chuyện Chiến Tranh Cách Mạng Hoa Kỳ. Tôi nhắc Đệ Nhất và Đệ Nhị Thế Chiến. Thế rồi cả hai đều cười. Chánh trị là thế! Bang giao quốc tế là thế! Có những ngày mùa đông ấm áp. Cũng có những ngày mùa hè lạnh lẽo."
Piero cảm ơn Smith và tiếp tục cuộc phỏng vấn ở các tô giới khác. Vừa đến tô giới Trung Hoa thì thấy một số công dân Nguyệt Quốc gốc Trung Hoa cãi nhau với công dân Nguyệt Quốc Ấn Độ. Một công dân Nguyệt Quốc gốc Ấn Độ nói:
" Tổ tiên chúng tôi tôn thờ bất bạo động. Nên các ông lấn lằn ranh tô giới của chúng tôi mỗi ngày một hay hai thước khiến chúng tôi không thể lặng thinh được nữa. Chúng tôi, người Indians, phải nói. Chúng tôi yêu cầu các ông ngừng lấn đất trong tô giới chúng tôi. Nếu không thì bất bạo động sẽ trở thành bạo động.”
" Ông tưởng ông dọa tôi sợ à. Ông lầm. Ông lầm to. Nếu đấu lực chưa chắc ai hơn ai. Ông đừng quên công dân chúng tôi ở đây đông hơn các ông. Tất cả đều giàu có dưới Địa Cầu. Tất cả đều có võ học ở Shao Lin Simiao (Thiếu Lâm Tự). Hậu duệ Huang Fei Xiong (Hoàng Phi Hùng) đều có trên Nguyệt Quốc này.” Một công dân Nguyệt Quốc gốc Trung Hoa nói mạnh dạn như vậy.
Công dân gốc Ấn Độ nhìn thấy Piero và hỏi:
"Ông là ai mà trông có vẻ không quen?”
"Tôi vừa từ Địa Cầu đến.” Piero đáp.
"Ở nước nào trên Địa Cầu?” Công dân gốc Ấn Độ hỏi.
"Hoa Kỳ.” Piero đáp.
"Ông lên đây làm gì?” Công dân gốc Ấn Độ hỏi.
"Phỏng vấn công dân Nguyệt Quốc.” Piero đáp.
"Ông về viết một bài dài cho biết công dân Nguyệt Quốc gốc Tàu lấn đất của công dân Nguyệt Quốc gốc Ấn Độ.” Công dân gốc Ấn Độ nói.
"Đó ông Piero thấy không, cái thằng cha Ấn Độ này nhỏ mọn. Nguyệt Quốc rộng thênh thang mới tiến vào ranh giới của tô giới Ấn Độ vài thước mà hắn ta la ầm ĩ. Nhỏ mọn quá! Ích kỷ quá! Làm vậy có phải là thực hành hỉ xả và bất bạo động không?" Công dân gốc Trung Hoa nói.
Piero lấy máy chụp ảnh chụp ranh giới của hai tô giới Ấn- Trung để làm tài liệu cho cuộc phỏng vấn của ông ấy trên Nguyệt Quốc.
Ông đại diện công dân Nguyệt quốc gốc Trung Hoa mời Piero về nhà ăn bánh Trung Thu và uống trà sâm. Ông tự giới thiệu:
" Tổ tiên tôi là người Hán. Nhà của tổ tiên tôi ở Hunan (Hồ Nam) gần nhà của Mao Xian Sheng (Mao Tiên Sinh). Ông tổ của tôi che giấu cụ Mao khi bị quân của Chiang Kashek (Tưởng Giới Thạch) ruồng bắt. Nhờ vậy mà dòng họ tôi phát quan và phát tài mấy đời liên tiếp. Tổ tiên tôi rời bỏ quê nghèo Hunan và nghề cầm cuốc đi về Beijing ngày ngày tưới hoa và bắt sâu trong vườn thượng uyển của Mao Zhu Xi (Mao Chủ Tịch). Chỉ có thế mà dòng họ tôi trở thành tỷ phú. Tôi thuộc thế hệ quá trẻ nhưng sự giàu có vẫn lẩn quẩn quanh nhà. Nhờ vậy tôi cũng là tỷ phú nên mới có tiền lên ở đây.”
“Xin ông cho biết quí danh.” Piero nói.
"Tên tôi He Fei Long (Hà Phi Long).” Người đại diện công dân Nguyệt Quốc Trung Hoa đáp.
"Hân hạnh được nói chuyện với ông.” Piero nói.
He Fei Long dùng hai tay nắm lấy tay Piero và nói: "Rất hân hạnh gặp ông.”
He Fei Long chẳng những là người giàu có mà còn là người có kiến thức cao. Ông ấy tỏ ra am tường tình hình Địa Cầu. Không biết ông lấy tin tức ở đâu. Giữa Địa Cầu và Nguyệt Quốc không có các chuyến bay hàng ngày. Ông ta biết chuyện cây bù-lon Nguyệt Quốc và cười ngặt nghẽo về cây mỏ- lết đúc ở lò rèn luyện kiếm theo lời mô tả của Jin Yong (Kim Dung) và chuyện Đại Tiên Cam Túc (Gansu).
"Thưa He Xian Sheng (Hà Tiên Sinh), ông cười về chuyện gì?” Piero hỏi.
"Tôi có nhiều chuyện để cười nhưng không thể nói với ông được.” He Fei Long đáp.
"Chuyện gì? Tôi có thể nghe được không?” Piero hỏi.
"Khó nói quá!” He Fei Long nói.
"Cái gì mà khó nói dữ vậy?” Piero hỏi.
"Khó nói lắm! Nói ra mất lòng cả trăm triệu người dưới Địa Cầu.” He Fei Long nói úp mở.
"Ông cứ nói. Chúng ta sống dưới bầu trời TỰ DO mà.” Piero nói.
"Nếu tôi nói mà ông không giận thì tôi mới nói. Nếu chúng ta sống dưới bầu trời TỰ DO như ông nói.” He Fei Long nói.
"Tôi hứa không giận hờn. Không thắc mắc gì cả về những gì ông sẽ nói.” Piero nói.
“Nếu ông nói vậy thì tôi nói. Cái Jin Yong (Kim Dung) chửi đồng bào ông là Gou Za Zhong (Cẩu Tạp Chủng); cái Wei Xiao Pao (Vi Tiểu Bảo) là đứa con không cha. Mẹ nó là một nữ giang hồ. Ông biết cái Jin Yong ám chỉ ai không?" He Fei Long hỏi ngược lại Piero.
"Tôi không biết. Chỉ nghe ông Jin Yong viết hàng trăm truyện võ thuật được hàng trăm triệu người hâm mộ." Piero nói hồn nhiên.
"Nó (Jin Yong) chửi các ông đó! Ngộ ghét tụi nó. Cái Jin Yong gọi Nhật là Đông Tà rồi Đông Phương Bất Bại. Văn chương của nó ghê gớm lắm!" He Fei Long nói.
"Đó là chuyện Địa Cầu. Tôi xin phép hỏi ông giữa công dân Nguyệt Quốc gốc Hoa và công dân gốc Nhật có sống yên ổn không?" Piero hỏi.
"Yên ổn sao được! Tụi nó đúng là Đông Tà. Tụi nó ít nói nhưng rất cộc. Có lần tôi giành một tảng đá nằm trên đường ranh tô giới Hoa- Nhật, nó làm dữ tôi sợ nó chém nên lẳng lặng bỏ đi. Lúc đó tôi theo triết lý của thằng A.Q và của tụi Việt Nam tránh voi có xấu mặt nào." He Fei Long nói.
"Vậy ông thích ai?” Piero hỏi.
“ Ngộ thích cái thằng cha Brazil hơn cả.” He Fei Long nói.
"Tại sao?” Piero hỏi.
"Thằng chả đá banh hay, rang cà phê ngon.” He Fei Long đáp.
"Người Hán dưới Địa Cầu nói họ thích Brazil vì đất còn rộng thênh thang.” Piero nói.
“Nị nói cũng có lý. Nguyệt Quốc cũng của người Hán mà! Nguyệt Quốc của Zhong Guo (Trung Quốc) không thể nào sai được. Ngộ có nhắn dưới đó muốn chiếm Nguyệt Quốc phải gọi nhiều phụ nữ lên mới sinh sản và đủ người để chiếm đất. Đề nghị của ngộ được ở dưới tán thành và đang nghiên cứu đóng những phi thuyền khổng lồ để chở nhiều phụ nữ và sẽ có nhiều chuyến bay nối liền Địa Cầu với Nguyệt Quốc. Khoảng cách giữa Nguyệt Quốc và Địa Cầu là 382,240 km. Chỉ mất lối 30 giờ thì vệ tinh từ Địa Cầu đến Nguyệt Quốc. Phi thuyền mới là một thứ hàng không mẫu hạm bay trên không gian với một tốc độ siêu thanh.” He Fei Long nói.
“Ông He Fei Long có vợ không?” Piero hỏi.
"Đâu có vợ con gì! Bởi vậy mới trình với cấp trên đóng phi thuyền lớn và gọi nhiều phụ nữ lên Nguyệt Quốc.” He Fei Long đáp một cách chán ngán.
"Dân Nguyệt Quốc đều khùng khùng vì 99.99% bị cái bịnh ‘li-bi- do’ gì đó! Cái bịnh đó tàn độc không thua gì bịnh AIDS.” He Fei Long nói tiếp.
"Nhưng, nếu đưa phụ nữ lên đây, liệu các anh có hòa bình với nhau không? nghĩa là các anh có tranh giành với nhau không? cách phân phối và hôn phối sắp xếp ra sao để khỏi chém giết, thù hận lẫn nhau?” Piero hỏi.
"Không biết! Gởi phụ nữ lên rồi làm luật sau!” He Fei Long nói một cách hậm hực.
Cuộc phỏng vấn bị đứt quãng vì có điện thoại báo Piero phải ra phi trường trở về Địa Cầu trước thời gian ấn định vì có tin thời tiết rất xấu trong vài ngày tới. Piero đành chấm dứt cuộc phỏng vấn để trở về Địa Cầu và cho phát hình cuộc phỏng vấn trên Nguyệt Quốc.
****
Cuộc phỏng vấn công dân Nguyệt Quốc của Piero được cả tỷ người Địa Cầu xem. Kẻ khen, người chê cãi nhau làm rung chuyển cả Địa Cầu đến nỗi có nơi báo có động đất. Có nơi nói có dấu hiệu có sóng thần (tsunami). Có nơi nói Iran, Do Thái, Bắc Hàn, Việt Nam thí nghiệm bom nguyên tử. Sự thật là những cãi vã của hàng tỷ nhân loại về đời sống và tư tưởng của công dân Nguyệt Quốc làm rung chuyển Địa Cầu.
Các Công Ty Du Lịch Liên Hành Tinh gọi đến đài US TV Number One đòi thưa đài TV vì cuộc phỏng vấn của Piero. Họ nói các nhà du lịch liên hành tinh bỏ ý định đi du lịch trên đó sau khi xem cuộc phỏng vấn nầy. Họ đòi kiện đài US TV Number One làm cho công ty họ ế khách.
Bạt Mạng phân vân không biết phải đánh giá cuộc phỏng vấn như thế nào cho hợp lẽ công bằng.
Sở Nghiên Cứu Bành Trướng Lãnh Thổ gọi đài, cảm ơn đài và khen ngợi cuộc phỏng vấn. Sở dự trù ngân sách để mộ người Địa Cầu lên cung trăng và thanh toán chi phí chuyên chở bằng phi thuyền không gian công cộng để nới rộng lãnh thổ trên cung trăng. Một công ty hôn nhân Địa Cầu- Nguyệt Quốc được thành lập. Cô dâu, chú rể đều phải trả lệ phí dịch vụ, chi phí chuyển vận và hàng trăm chi phí khác. Chuyện tiền bạc không thành vấn đề vì họ là những tỷ phú trên Địa Cầu. Cả hai vợ chồng sắp cưới phải ký một hợp đồng chấp nhận con của họ phải mang quốc tịch Hoa Kỳ bất luận vợ và chồng thuộc sắc tộc khác với Hoa Kỳ. Không thành vấn đề. Công dân Nguyệt Quốc có vợ là một danh dự lớn lao lắm rồi.
Piero nghĩ rằng tổ tiên ông ấy theo Christopher Columbus vượt Đại Tây Dương đầy sóng gió vậy mà còn dễ hơn việc ông lên Nguyệt Quốc phỏng vấn các nhà tỷ phú quốc tế bỏ Địa Cầu lên cung trăng lập ra Nguyệt Quốc buồn tênh vì cảnh thừa dương thiếu âm. Chính cảnh nầy ngăn cản các nhà du lịch giàu có lên các hành tinh khác. Cuộc phỏng vấn giúp ích cho Sở Nghiên Cứu Bành Trướng Lãnh Thổ rất nhiều. Nhiều công ty cung cấp dịch vụ Nguyệt Quốc ra đời. Có công ty bán đất trên Nguyệt Quốc. Có công ty cung cấp hột giống. Có công ty cung cấp bò, trâu, ngựa, dê, trừu, heo, gà, vịt, ngỗng, gà Tây, bổ câu, thỏ v.v. giống để nuôi lấy thịt. Hãng điện thoại bán điện thoại trả góp cho người mới đến Nguyệt Quốc. Các hãng đóng phi thuyền mộ thêm nhiều công nhân để hoàn tất những phi thuyền khổng lồ có sức chứa hàng ngàn người của một hàng không mẫu hạm không gian bay với tốc độ vài chục ngàn cây số/ giờ.
Để gìn giữ dòng giống đẹp cho Địa Cầu, chánh phủ các quốc gia trên thế giới ra lịnh cấm phụ nữ đẹp lên Nguyệt Quốc. Một đạo luật quốc tế được ban hành về vấn đề này. Đạo luật này do đại biểu Quốc Hội Hoàn Vũ soạn thảo tại La Haye. Các đại biểu nhất trí rằng:
1. phải giữ người đẹp lại Địa Cầu
2. đưa phụ nữ không có sắc đẹp lên Nguyệt Quốc là giúp cho dân xứ ấy không bị xáo trộn vì cảnh giành giựt người đẹp rồi sinh chém giết nhau sau thời gian dài sống trong cảnh cô đơn DƯƠNG thừa, ÂM thiếu.
3. Nguyệt Quốc là thuộc địa của Địa Cầu. Người Địa Cầu phải đẹp, sang trọng, uy vệ hơn người Nguyệt Quốc. Công dân Nguyệt Quốc khan hiếm nữ phái thì cần gì phải có phụ nữ đẹp? Trên đó đã có một bà Tiên đẹp nhất vũ trụ rồi.
Lúc ấy các cường quốc không gian lập ra một ủy ban giám định nữ sắc để chọn người nào được lên Nguyệt Quốc và người nào không được lên. Nhiều vụ tai tiếng xảy ra vì tiền đút lót ủy ban giám định sắc đẹp của các phụ nữ giàu và đẹp muốn có chồng Nguyệt Quốc. Chuyện Nguyệt Quốc gây xáo trộn rất lớn trên Địa Cầu. Nhưng các công ty chuyên chở người lên Nguyệt Quốc trở nên phát đạt khác thường. Bạt Mạng cũng đầu tư ít vốn liếng vào các Công Ty Chuyển Vận Liên Hành Tinh.
PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.